Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Dừng chân ở Mường Vi
Thứ ba: 09:00 ngày 15/08/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Cách thành phố Lào Cai chưa đầy 30 km, Mường Vi là điểm dừng chân thú vị, hấp dẫn trên cung đường khám phá nét đẹp thiên nhiên, con người các xã phía Tây huyện Bát Xát.

Nằm lọt thỏm giữa những dãy núi đá trùng điệp, thung lũng Mường Vi tươi đẹp, thơ mộng với ruộng lúa, nương ngô trù phú; nét văn hóa đặc sắc của cộng đồng các dân tộc thiểu số, đặc biệt là dân tộc Giáy. Theo truyền thuyết kể lại, xã Mường Vi còn được gọi là xứ Mường Tiên. Nơi đây có phong cảnh hữu tình, nên những nàng tiên trên trời thường bay xuống thưởng ngoạn, rồi cư trú lại. Nàng tiên dạy người dân cách sản xuất nông nghiệp và múa hát. Cuộc sống êm đềm, tươi đẹp trôi qua cho đến ngày trong bản xuất hiện người có suy nghĩ, việc làm không tốt khiến nàng tiên nổi giận bay về trời. Giờ đây, người già trong vùng thường chỉ dạy cho con cháu các dấu tích còn lưu lại, như núi Tiên, làn điệu dân ca, dân vũ mà nàng tiên đã truyền dạy.

Trù phú vùng cao Mường Vi.

Ấn tượng đầu tiên khi du khách đặt chân tới Mường Vi là cánh đồng chuyên canh lúa Séng cù rộng lớn, nổi tiếng thơm ngon nằm ngay đầu xã. Du khách không mất quá nhiều thời gian để lựa chọn vị trí ngắm cảnh, bởi từ trên đường trục chính, bạn có thể thoải mái phóng tầm mắt để chiêm ngưỡng “tấm thảm” xanh khổng lồ, thoang thoảng hương lúa. Vào mùa lúa chín, cả cánh đồng nhuộm màu vàng tươi, rực rỡ trong ánh nắng. Nếu đến Mường Vi vào vụ cấy hay mùa thu hoạch, du khách có thể tham gia trải nghiệm cấy, gặt cùng những nông dân hiền hòa, chất phác ở nơi đây.

Cách cánh đồng lúa chừng 2 km, du khách có thể tới tham quan quần thể hang động Mường Vi. Đây là danh thắng được công nhận di tích lịch sử cấp quốc gia. Do hoạt động khai thác du lịch chưa nhiều, nên danh thắng này vẫn giữ nguyên vẻ hoang sơ, tự nhiên. Anh Hoàng Văn Tưởng, cán bộ văn hóa xã cho biết: Quần thể hang động Mường Vi gồm 4 hang là Ná Rin, Cám Rang, Cám Rúm, Cám Tằm. Với thời gian khoảng 1/2 ngày, du khách có thể tham quan một số điểm chính trong hang, tận mắt chứng kiến những tạo hình kỳ thú của thiên nhiên. Ngoài ra, du khách cũng sẽ được nghe người dân kể về sự tích ở mảnh đất này, chiêm ngưỡng những ngọn núi hùng vĩ, thơ mộng như núi Hổ, núi Cọ, núi Mây.

Là dân tộc sinh sống nhiều nhất ở Mường Vi, nên thật dễ hiểu khi dừng chân ở đây, du khách sẽ được tìm hiểu những món ăn đặc trưng của đồng bào Giáy, như thịt nướng tảng, các loại bánh chế biến từ gạo… May mắn hơn, khi tham dự đám cưới của người Giáy, du khách sẽ được thưởng thức lời ca, điệu múa truyền thống ngọt ngào, mê đắm. Bạn cũng có thể liên hệ trước với đội văn nghệ truyền thống của xã để được xem những tiết mục đặc sắc, hấp dẫn. Đặc biệt, hằng năm, vào ngày Thìn tháng Ba và tháng Bảy (âm lịch), người dân trong xã tổ chức lễ cầu mưa thuận gió hòa tại cây đa cổ thụ. Đây là nghi lễ tâm linh độc đáo được bảo tồn bao đời nay trên mảnh đất này, đồng thời là dịp để bà con nghỉ ngơi, vui chơi sau những ngày lao động vất vả.

Nguồn Baolaocai

Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục