Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
-Hò ơi! Dòng sông chảy xiết lái thuyền chèo đi
Trên sông Vàm Cỏ Đông nước chảy ngược dòng
Nước ngược dòng. Hò ơi!
Em chèo thuyền đi lên rẫy Trảng Còng
Cắt lúa thay chồng, thay chồng nuôi… ơ…ơ… ờ con…
-Mèng ơi, ông “tức cảnh sinh tình” dữ quá há! Vừa theo dõi tình hình thiên tai lũ lụt từ miền Bắc, miền Trung, Tây Nguyên vô mũi Cà Mau ra tới đảo Phú Quốc, lại vừa ngân nga bài hát Lên ngàn tả cảnh lũ lụt năm Thìn ở xứ mình… là có ý gì, ông nói tôi nghe thử?
-Ý tứ gì ông ơi, tôi chỉ muốn tự nhủ, đừng quên rằng mình đang sống ở miền đất được “thiên nhiên ưu đãi” hết mức, phải biết trân trọng điều may mắn tuyệt vời ấy thôi.
-Nghĩa là sao, tôi vẫn chưa thấu hiểu được ý ông?
-Tôi nói có gì sâu xa lắm đâu mà ông không hiểu, hay là ông giả đò “ngây thơ” với tôi vậy?!
-Thiệt mà, tôi chưa hiểu được cái sự liên tưởng với lại so sánh của ông. Xin lỗi nghen, tôi cảm thấy như nó có vẻ… khập khiễng sao sao ấy!?
-Đúng là tôi có liên tưởng, nhưng không có ý so sánh gì cả. Ông có đồng ý với tôi là vùng quê yêu mến của mình rất hiếm khi bị thiên tai, nếu không muốn nói là không có thiên tai nặng. Cụ thể như thời gian gần đây, trong khi rất nhiều nơi từ Bắc chí Nam, từ rừng núi, đồng bằng ra tới hải đảo đều bị mưa bão, lũ lụt gây thiệt hại nặng nề, thì tỉnh mình gần như không bị ảnh hưởng. Có phải vậy không? Nhưng tôi nghĩ, đừng vì thế mà ta chủ quan “ỷ lại” vào sự “ưu đãi” của thiên nhiên, mà thiếu đi sự phòng ngừa cần thiết.
Thế rồi tôi buột miệng “hò ơi” hát bài “Lên ngàn” để tự nhắc nhở rằng ở tỉnh mình cũng từng bị lũ lụt nặng nề hồi “chín năm kháng chiến” cách nay sáu mươi bảy năm mà nhiều vị cao niên vẫn còn nhớ rất rõ, và được kể lại rất chi tiết trong bài hát ấy.
-Đồng ý, ông có nói rõ như vậy tôi mới thấu đáo được chớ. Nhưng tôi vẫn chưa thông ở cái chỗ ông “lo xa” quá. Ông căn cứ vào đâu mà dám nghi ngại người ta “chủ quan, ỷ lại” rồi “thiếu đi sự phòng ngừa cần thiết” gì gì đó?
-Tôi không dám nói vô căn cứ đâu ông ơi. Thực tế là ở nhiều nơi trong tỉnh mình còn có những biểu hiện “chủ quan” xem nhẹ việc phòng chống thiên tai lắm. Chẳng hạn như là đối với những nơi dễ bị tác động của thiên tai như là hệ thống thuỷ lợi Dầu Tiếng - Phước Hoà. Ai chẳng biết rằng bờ kênh, mặt đập bờ hồ là những nơi xung yếu của công trình thuỷ lợi, việc tận dụng những nơi đó để cho bà con nông dân sử dụng như đường giao thông nông thôn để vận chuyển nông sản là “bất đắc dĩ”, chứ đâu phải đó là đường giao thông dành cho xe có tải trọng lớn đâu.
Vậy mà tình trạng xe tải chạy nặng trên đường bờ kênh, mặt đập vẫn cứ xảy ra. Nói cho ông biết, ở hồ Dầu Tiếng thì có xe tải chạy trên đường bờ đập phụ, còn bên hồ Phước Hoà, hồ “chia nước” cho hồ Dầu Tiếng, hai hồ do một đơn vị quản lý chung, thì theo tin của Thông tấn xã Việt Nam “xe quá tải còn vô tư “cày” cả trên mặt đập tràn” nữa đó!
Hay như mới đây, báo tỉnh mình có đưa tin nhiều doanh nghiệp chưa nộp Quỹ phòng chống thiên tai, trong khi pháp luật quy định các tổ chức kinh tế hạch toán độc lập, cũng như mọi công dân từ 18 tuổi trở lên đều có nghĩa vụ phải nộp Quỹ phòng chống thiên tai… Với biểu hiện bất cập như thế, ông thấy có thể nói là dân mình chưa coi trọng đúng mức việc phòng, chống thiên tai hay không?
-Ờ há, nghe ông nói tôi mới biết mình còn chủ quan, lơ là, chưa thấy rõ trách nhiệm, nghĩa vụ của mình trong việc phòng, chống thiên tai. Phải rút kinh nghiệm, khắc phục ngay thôi.
BÀN DÂN