Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Dùng chung bát đũa với người viêm gan B có bị lây bệnh?
Thứ năm: 18:54 ngày 25/04/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Nhiều người cho rằng virus viêm gan B lây lan khi dùng chung bát đũa, bắt tay, ôm hôn người bệnh… song đây là quan niệm sai lầm.

Virus viêm gan B (HBV) là một loại virus gây ra bệnh viêm gan. Khi nhiễm virus viêm gan B, phần lớn người bệnh không có triệu chứng, chỉ một ít trường hợp biểu hiện viêm gan siêu vi B cấp tính như đau mỏi toàn thân, nước tiểu sẫm màu, chán ăn... Nếu không được theo dõi và điều trị đúng, bệnh nhân nhiễm virus viêm gan B sẽ chuyển thành viêm gan mạn tính, có thể dẫn tới xơ gan, ung thư gan.

Theo Bộ Y tế, Việt Nam có khoảng 15 triệu người mắc viêm gan B, chủ yếu là viêm gan mạn tính. Tỷ lệ mắc cao và là căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, song nhận thức của người dân về căn bệnh này vẫn còn nhiều sai lầm tai hại.

Giáo sư Nguyễn Văn Mùi, nguyên Phó giám đốc Bệnh viện Quân y 103, Chủ tịch Hội đồng xây dựng phác đồ điều trị viêm gan virus áp dụng trên toàn quốc, cho biết đa số người dân hiểu lầm rằng, virus viêm gan B có thể lây khi dùng chung bát đũa, khắn mặt, bắt tay, ôm hôn người bệnh... Điều này gây ra sự kỳ thị trong cộng đồng đối với bệnh nhân viêm gan B.

"Ngay cả việc thăm nhà của người nhiễm HBV hoặc chơi đùa với những đứa trẻ mang virus này cũng không dẫn đến lây nhiễm như mọi người thường lo sợ", giáo sư Mùi nói.

Thực tế, viêm gan B hoàn toàn không lây qua tiếp xúc thông thường mà lây qua đường máu là chủ yếu (truyền máu, dùng chung bơm kim tiêm), từ mẹ sang con hoặc quan hệ tình dục không an toàn. Song, con đường lây nhiễm này không khó để khống chế, hiện đã có vắcxin phòng viêm gan B.

Viêm gan B lây qua đường máu, mẹ sang con và quan hệ tình dục. 

Theo giáo sư Mùi, ngoài những hiểu lầm về viêm gan B, người dân còn giấu bệnh, chủ quan trước bệnh. Khi bệnh ở giai đoạn muộn mới đến viện kiểm tra khiến việc điều trị khó khăn và tốn kém hơn. Đây cũng là những nguyên nhân khiến tỷ lệ mắc mới ở nước ra tăng cao, với 30.000 ca mỗi năm.

"Việc nâng cao nhận thức người dân về bệnh là ưu tiên hàng đầu để kiểm soát bệnh. Nhất là khi hiện nay, việc tầm soát viêm gan B khá dễ dàng, chỉ cần test nhanh là đã có thể cho kết quả một người có mắc bệnh hay không" giáo sư Mùi cho biết.

Cũng theo ông Mùi, nhiều người mắc viêm gan B đã tìm đến các thảo dược hỗ trợ, song còn gây gánh nặng cho gan do sản phẩm có chứa hoá chất, thảo dược bẩn. Giáo sư khuyến cáo, khi mua các loại thảo dược hỗ trợ điều trị bệnh cần phải kiểm tra kỹ và mua ở nơi an toàn.

Để phòng bệnh, cộng đồng cần chú ý tiêm phòng viêm gan B đối người chưa có miễn dịch với virus này. Nếu mẹ bị viêm gan siêu vi B thì trẻ sơ sinh cần được tiêm huyết thanh đặc hiệu chống siêu vi B ngay trong phòng sinh. 

Người viêm gan B mạn tính mà chưa có chỉ định điều trị cần theo dõi thường xuyên từ 3 đến 6 tháng một lần tại cơ sở y tế có dịch vụ xét nghiệm và siêu âm gan. Bảo hiểm y tế cũng đã chi trả cho những người mắc viêm gan B, nên việc điều trị bệnh đã không còn gặp quá nhiều khó khăn.

Nguồn VNE

Tin cùng chuyên mục