Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Đừng để đất lúa bị bỏ hoang
Thứ sáu: 00:08 ngày 18/11/2022

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Đất không bán được nhưng nợ vay ngân hàng phải trả lãi hằng tháng. Do đó các đầu nậu đã chọn cách bán lỗ nhưng vẫn không bán được.

Đất lúa vẫn được các “cò đất” rao bán trên mạng xã hội Facebook.

Luật Đất đai 2013, vấn đề chuyển nhượng quyền sử dụng đất (QSDĐ) đối với đất lúa được quy định rất chặt chẽ, người sử dụng đất lúa phải trực tiếp sản xuất nhằm bảo đảm an ninh lương thực. Thế nhưng có thời điểm một số trường hợp người nhận chuyển nhượng đất lúa không đúng quy định. Đất lúa bị “xẻ thịt”, nhiều thửa đất bị bỏ hoang sau khi cơn “sốt đất ảo” đi qua.

Tăng cường thẩm định hồ sơ chuyển nhượng đất lúa

Trong Công văn 3357/UBND-KT ngày 3.10.2022 của UBND tỉnh có yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh Tây Ninh tăng cường công tác kiểm tra, hướng dẫn người sử dụng đất thực hiện thủ tục tách thửa đất bảo đảm đúng theo quy định, nhất là đối với đất trồng lúa; tăng cường công tác phối hợp, kịp thời cung cấp thông tin cho UBND cấp huyện đối với các trường hợp tách thửa đất với số lượng lớn, nhất là đất nông nghiệp.

Trong đó, tổ chức kiểm điểm đối với giám đốc Văn phòng Đăng ký đất đai- chi nhánh các huyện, thị xã, thành phố và tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc tách thửa không đúng trình tự, thủ tục và quy định, nhất là vi phạm điểm d, khoản 4, Điều 3, Mục II Thông tư số 33/2017/TT-BTNMT của Bộ Tài nguyên và Môi trường; khoản 2 Điều 2 Nghị định số 01/2017/NĐ-CP của Chính phủ; thực hiện thanh tra việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại khu đất có vi phạm để xử lý đúng theo quy định pháp luật.

Theo tìm hiểu, từ tháng 7.2017, Sở TN&MT đã ban hành văn bản gửi Văn phòng Đăng ký đất đai- chi nhánh các huyện, thị xã, thành phố và UBND các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh về việc thực hiện đúng theo quy định tại Nghị định 01/2017/NĐ-CP của Chính phủ.

Thế nhưng, việc UBND tỉnh yêu cầu tổ chức kiểm điểm đối với giám đốc Văn phòng Đăng ký đất đai- chi nhánh các huyện, thị xã, thành phố và tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc tách thửa không đúng trình tự, thủ tục và quy định, nhất là vi phạm điểm d, khoản 4, Điều 3, Mục II Thông tư số 33/2017/TT-BTNMT của Bộ Tài nguyên và Môi trường; khoản 2 Điều 2 Nghị định số 01/2017/NĐ-CP của Chính phủ khiến dư luận băn khoăn.

Chuyển nhượng QSDĐ có trách nhiệm của UBND cấp xã, phường, thị trấn trong việc xác nhận đối tượng nhận chuyển nhượng đất lúa có trực tiếp sử dụng hay không. Nếu chính quyền cấp xã, phường, thị trấn xác nhận đúng đối tượng, chặt chẽ, sâu sát với thực tế thì trong thời gian xảy ra cơn “sốt đất ảo”, các đối tượng đầu nậu, cò đất, thậm chí là không ít người ngoài tỉnh đã không thực hiện trót lọt chuyển nhượng QSDĐ lúa tại hầu hết các địa phương trên địa bàn tỉnh.

“Cò đất” có tự tung tự tác?

Dù tình trạng “sốt đất ảo” đã chấm dứt, nhiều đầu nậu ôm đất nông nghiệp đang phải “dở khóc, dở cười” vì không bán được, nhất là kể từ khi UBND tỉnh có chỉ đạo quyết liệt siết chặt tình trạng “phân lô, bán nền”, trong đó việc chuyển nhượng đất nông nghiệp nói chung, đất lúa nói riêng.

Đ- một “đầu nậu” đất ở thị xã Hoà Thành cho biết, thời “hoàng kim” của kinh doanh đất- nhất là kinh doanh đất phân lô, bán nền đã hết. Các “đầu nậu” hiện nay lỡ đầu cơ đất không bán được. Phần lớn các “đầu nậu” khi mua đất phải vay tiền ngân hàng, ít có trường hợp có sẵn vốn. Đất không bán được nhưng nợ vay ngân hàng phải trả lãi hằng tháng. Do đó các đầu nậu đã chọn cách bán lỗ nhưng vẫn không bán được. “Đầu nậu” này nói nửa đùa, nửa thật “đầu nậu đất còn “chết” khi cơn sốt đất “ảo” đi qua, cò đất hết đất sống là chuyện quy luật”.

Theo quảng cáo trên mạng xã hội Facebook, phóng viên liên hệ với số điện thoại 0898….318 để tìm hiểu về 2 phần đất lúa được rao bán trên địa bàn huyện Châu Thành. Trao đổi với chúng tôi qua điện thoại là một phụ nữ, chúng tôi nói có nhu cầu mua đất làm vườn, thấy phần đất rao bán đẹp nhưng vì là đất lúa nên ngần ngại. Người phụ nữ này khẳng định, nếu chúng tôi mua, chị ta sẽ lo toàn bộ thủ tục.

Thế nhưng khi chúng tôi hỏi nghe nói giờ nhận chuyển nhượng đất lúa nhiêu khê lắm, phải đúng đối tượng sử dụng? Người phụ nữ hỏi chúng tôi hộ khẩu ở đâu, mua đất vợ chồng đứng tên hay đứng tên một mình? Chúng tôi nói, hộ khẩu ở huyện Gò Dầu và tất nhiên khi mua phải 2 vợ chồng đứng tên. Người phụ nữ này nói chúng tôi đợi, chị sẽ điện thoại lại.

Rất nhanh, khoảng 30 phút sau, người phụ nữ này điện thoại lại cho chúng tôi và khẳng định chắc nịch: Nếu chúng tôi mua chỉ e ngại hộ khẩu nằm ngoài tỉnh thôi, chứ trong tỉnh thì được tất.

Trên mạng xã hội Facebook vẫn còn tình trạng rao bán đất lúa vô tư, thậm chí cả đất lúa nước (LUC). Vậy làm thế nào để các “cò” đất có thể làm hồ sơ sang nhượng đất lúa giống như người phụ nữ trên nói hay chỉ là nói để bán được đất?

Chúng tôi sẽ tiếp tục tìm hiểu và thông tin đến bạn đọc.

Quy định về chuyển nhượng đất lúa

Điểm d, khoản 4, Điều 3, Mục II Thông tư số 33/2017/TT-BTNMT của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định: “Trường hợp hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất không cùng nơi đăng ký hộ khẩu thường trú thì cơ quan có trách nhiệm quy định tại các điểm a, b và c Khoản này có văn bản gửi Uỷ ban nhân dân cấp xã nơi đăng ký hộ khẩu thường trú và Uỷ ban nhân dân cấp xã nơi có đất đề nghị xác nhận theo quy định tại Khoản 2 Điều 2 của Nghị định số 01/2017/NĐ-CP.

Uỷ ban nhân dân cấp xã nơi có đất có trách nhiệm gửi văn bản xác nhận cho Uỷ ban nhân dân cấp xã nơi đăng ký hộ khẩu thường trú của hộ gia đình, cá nhân đó”.

 Khoản 2 Điều 2 Nghị định số 01/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định sửa đổi chi tiết, bổ sung một số quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai quy định:

Điều 3a Việc xác nhận nguồn thu nhập ổn định từ sản xuất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp theo quy định tại khoản 30 Điều 3 của Luật Đất đai.

Khi thực hiện thủ tục giao đất, đăng ký nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, bồi thường, hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất, Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là Uỷ ban nhân dân cấp xã) có trách nhiệm xác nhận hộ gia đình, cá nhân có thu nhập ổn định từ sản xuất nông nghiệp theo quy định sau đây:

1. Uỷ ban nhân dân cấp xã nơi đăng ký hộ khẩu thường trú xác nhận hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp có nguồn thu nhập ổn định từ sản xuất nông nghiệp.

2. Trường hợp hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất không cùng nơi đăng ký hộ khẩu thường trú thì Uỷ ban nhân dân cấp xã nơi đăng ký hộ khẩu thường trú xác nhận hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp có nguồn thu nhập ổn định từ sản xuất nông nghiệp sau khi có văn bản xác nhận về việc sử dụng đất nông nghiệp của Uỷ ban nhân dân cấp xã nơi có đất”.

T.P

Tin cùng chuyên mục