Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Đừng để Luật Đất đai (sửa đổi) thành “luật khung”, “luật ống”
Thứ ba: 23:46 ngày 28/02/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Nhiều quy định của luật không đáp ứng được yêu cầu thực tiễn, hầu hết là “luật khung”, “luật ống” (quá nhiều điều luật Chính phủ, bộ, ngành, UBND cấp tỉnh hướng dẫn thi hành…).

Ngày 13.2.2023, UBND tỉnh có Quyết định số 269/QĐ-UBND về việc ban hành kế hoạch tổ chức lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) trên địa bàn tỉnh. Với trách nhiệm của một công dân, mong muốn Luật Đất đai sửa đổi lần này sẽ đi vào cuộc sống thuận lợi hơn, tôi xin có mấy ý kiến như sau:

Kể từ khi Luật Đất đai năm 2013 được Quốc hội thông qua, Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương đến UBND cấp tỉnh đã ban hành nhiều văn bản triển khai thực hiện, từ đó làm nền tảng thống nhất trong chỉ đạo, điều hành của các cơ quan Nhà nước; là cơ sở để điều chỉnh các hành vi xã hội liên quan đến quyền sử dụng đất, góp phần rất lớn vào bảo đảm an ninh, quốc phòng, an toàn, trật tự xã hội.

Tuy nhiên, trong quá trình đi vào thực tiễn, Luật Đất đai năm 2013 bộc lộ không ít bất cập, vướng mắc, có thể chia làm hai nhóm: các quy định chung trong xây dựng Luật Đất đai và trong việc quy định cụ thể các điều luật. Do đó, nhiều quy định của luật không đáp ứng được yêu cầu thực tiễn, hầu hết là “luật khung”, “luật ống” (quá nhiều điều luật Chính phủ, bộ, ngành, UBND cấp tỉnh hướng dẫn thi hành…). Vì vậy, việc sửa đổi để có một Luật Đất đai hoàn chỉnh, đáp ứng yêu cầu mới, hội nhập phát triển hiện nay là hết sức cấp thiết.

Quá nhiều văn bản hướng dẫn

Luật Đất đai 2013 có 14 chương, 212 điều. Để thực hiện (có những điều đến nay vẫn chưa cụ thể hoá được), Chính phủ đã chỉ đạo các cơ quan có liên quan xây dựng, ban hành các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành bảo đảm có hiệu lực đồng thời với thời điểm Luật Đất đai có hiệu  lực (1.7.2014).

Đến thời điểm hiện nay, Chính phủ đã ban hành 25 nghị định (trong đó có 16 nghị định ban hành mới, 7 nghị định sửa đổi, bổ sung và 2 nghị định ban hành thay thế); các bộ, ngành đã ban hành 59 thông tư, thông tư liên tịch, trong đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì ban hành 46 thông tư.

Chính phủ đã chỉ đạo các địa phương chủ động rà soát các điều, khoản được giao trong luật và nghị định để quy định chi tiết thi hành. Đến nay, đã có 63/63 tỉnh, thành phố ban hành gần 2.000 văn bản quy phạm pháp luật, quy định cụ thể đối với 41 nội dung theo phân cấp.

Trong đó, các văn bản do địa phương ban hành tập trung vào các lĩnh vực giá đất; bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; quy định về hạn mức sử dụng đất, diện tích tối thiểu được phép tách thửa…

Mấy vấn đề bất cập trong xây dựng luật cần phải rút kinh nghiệm:

Thứ nhất, tổ chức lấy ý kiến ở phần tổng quan, ở phần “luật khung”, “luật ống” thì kỹ càng, rầm rộ, nhưng phần quy định chi tiết, các phần thực hiện cụ thể thì sơ sài. Luật được xây dựng và do Quốc hội ban hành, tổ chức lấy ý kiến rất kỹ từ nhân dân, đến các ngành, các cấp, từ cơ sở đến Trung ương rồi ra Quốc hội thảo luận tới lui, sau đó thống nhất ban hành, có thể nói quy trình rất kỹ càng, nhưng các điều luật muốn thực hiện phải chờ hướng dẫn của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, vướng mắc chủ yếu là ở khâu này.

Thứ hai, văn bản dưới luật quá nhiều và rải rác, khó nắm bắt thực hiện. Để thực hiện được Luật Đất đai 2013 phải có 2.084 văn bản hướng dẫn (nhưng chưa đủ), gồm: 25 nghị định Chính phủ, nghị định dài nhất gần 50 trang, ngắn nhất trên 20 trang; 59 thông tư; khoảng 2.000 văn bản của 63 UBND cấp tỉnh.

Bất cập ở chỗ, hướng dẫn quá nhiều, việc lấy ý kiến các văn bản này không rộng rãi, phổ quát như luật. Chỉ có cán bộ chuyên ngành mới có thể nắm các nội dung quy định, người dân không thể biết để thực hiện.

Thứ ba, nhiều điều luật chỉ quy định khung, không cụ thể: về bố cục của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) gồm 16 chương, 240 điều, trong đó giữ nguyên 48 điều; sửa đổi, bổ sung 156 điều; bổ sung mới 36 điều và bãi bỏ 8 điều, hơn Luật 2013 là 28 điều; trong đó có ít nhất 85 điều quy định “Chính phủ quy định chi tiết Điều này”. Như vậy, ta thấy rằng khi luật này được thông qua thì cũng cần phải có hàng tá, hàng lô nghị định, thông tư, quyết định ban hành mới thực hiện được.

Vấn đề đặt ra là một số vấn đề mang tính phổ quát, có thể áp dụng chung trong xã hội (đã được các nghị định, thông tư, quyết định ban hành để thực hiện Luật 2013 có hiệu quả rồi), tại sao không đưa vào luật mới, để qua đó ít đi các văn bản dưới luật, người dân dễ tìm, dễ đọc, dễ thực hiện? (Luật 2013 khoảng 250 trang, các văn bản hướng dẫn thực hiện khoảng 1.500 trang, tổng cộng trên 1.750 trang.

Dự thảo Luật mới số trang cũng tương đương. Nếu xây dựng luật mới cụ thể, chi tiết dài khoảng 700-800 trang thì cũng sẽ tốt hơn là xây dựng các văn bản rải rác. Chỉ trừ những vấn đề mang tính đặc điểm riêng, hay thay đổi thì phải hướng dẫn bằng văn bản dưới luật của bộ, ngành, địa phương).

Nhiều điều luật vẫn còn quy định không rõ, chung chung

Về bố cục của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) gồm 16 chương, 240 điều, trong đó giữ nguyên 48 điều; sửa đổi, bổ sung 156 điều; bổ sung mới 36 điều và bãi bỏ 8 điều. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều băn khoăn, cần được quan tâm, cụ thể như:

Khoản 1, Điều 4. Áp dụng pháp luật quy định: “Quản lý và sử dụng đất đai phải thực hiện theo quy định của Luật này và các luật khác có liên quan…”. Khi đã nói về đất đai, thì đây là “luật cái”, “luật chính”, các luật khác có liên quan về đất đai phải quy định phù hợp với luật này mới đúng.

Vì vậy, đề nghị xem xét, bỏ nội dung “các luật khác có liên quan”, mà phải quy định các luật khác có quy định liên quan về đất đai, nhưng có nội dung trái, còn chồng chéo, vướng mắc với Luật Đất đai phải được sửa đổi cho phù hợp và thống nhất với Luật Đất đai.

Theo Báo cáo đánh giá tình hình thi hành Luật Đất đai 2013, số 99/BC-BTNMT, ngày 22.8.2022 của Bộ Tài nguyên và Môi trường, trong quá trình rà soát cho thấy, có 22 luật, bộ luật có nội dung vướng mắc, chồng chéo với Luật Đất đai, thuộc 9 nhóm luật khác nhau.

Khoản 1, Điều 40: Kỳ quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất quy định: “1. Kỳ quy hoạch sử dụng đất các cấp là 10 năm. Tầm nhìn của quy hoạch sử dụng đất quốc gia là 50 năm, quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh là 30 năm, quy hoạch sử dụng đất cấp huyện là 20 năm”.

Đối với vấn đề này, cơ quan soạn thảo phải trả lời thoả đáng câu hỏi là tại sao có con số 50, 30 và 20 mà không là chỉ một con số 50, hoặc chỉ hai con số là 50 và 30? Tại sao quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh không là 40 năm? Có cần thiết phải quy hoạch sử dụng đất cấp huyện không? Thực tiễn cho thấy quy hoạch cấp huyện không hiệu quả lắm, nên chăng chỉ cần thực hiện quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh là đủ, bớt đi thủ tục hành chính, tốn công sức, tiền của và đề nghị quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh là 40 năm, bảo đảm tính ổn định lâu dài.

Khoản 1, Điều 61: Điều kiện giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, quy định: “1. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền chỉ được quyết định giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng, đất rừng sản xuất sau khi có Nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh thông qua và phù hợp với quy định tại Điều 55 của Luật này. Việc chuyển mục đích sử dụng đất lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng, đất rừng sản xuất phải tuân thủ theo tiêu chí, điều kiện do Chính phủ quy định”.

Đề nghị bổ sung nội dung: phải phù hợp với quy hoạch đã được phê duyệt. Quy định như vậy để có sự ràng buộc, tránh tư duy nhiệm kỳ, lợi ích nhóm phá vỡ quy hoạch.

Điều 95: Bồi thường thiệt hại đối với đất thuộc hành lang an toàn khi xây dựng công trình có hành lang bảo vệ an toàn, quy định: “Khi Nhà nước xây dựng công trình có hành lang bảo vệ an toàn mà không thu hồi đất nằm trong phạm vi hành lang an toàn thì người sử dụng đất được bồi thường thiệt hại do hạn chế khả năng sử dụng đất, thiệt hại tài sản gắn liền với đất theo quy định của Chính phủ”.

Đề nghị thêm nội dung: “Nhưng phải đảm bảo không thấp hơn giá thị trường tại thời điểm tiến hành kế hoạch bồi thường, từ khi xây dựng kế hoạch đến khi tiến hành bồi thường thời gian không quá 6 tháng”. Lý do: bảo đảm quyền lợi người dân và nhà nước.

Khoản 1, Điều 132: Nguyên tắc, phương pháp định giá đất, quy định: “1. Việc định giá đất phải bảo đảm các nguyên tắc sau đây:

a) Theo mục đích sử dụng đất định giá;

b) Theo thời hạn sử dụng đất;

c) Phù hợp với giá trị thị trường quyền sử dụng đất trong điều kiện bình thường;

d) Tuân thủ đúng phương pháp, trình tự, thủ tục định giá đất theo quy định của pháp luật;

đ) Bảo đảm tính độc lập về chuyên môn nghiệp vụ, trung thực, khách quan của kết quả định giá đất giữa cơ quan định giá, cơ quan thẩm định và cơ quan quyết định”.

Đề nghị làm rõ: 1. Là phù hợp với giá cả thị trường, hay phù hợp với giá trị thị trường; 2. Phù hợp với giá trị thị trường quyền sử dụng đất trong điều kiện bình thường là thế nào? Vì giá cả được hình thành do: giá trị sinh lợi, địa thế, cung cầu… do đó giá cả mang tính chất không đứng yên, “không bình thường” được, cần làm rõ thêm.

Điều 149: Hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân, quy định:

“1. Hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân không quá 15 lần hạn mức giao đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân đối với mỗi loại đất quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều 148 của Luật này.

2. Việc xác định hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp quy định tại khoản 1 Điều này phải căn cứ vào các yếu tố sau đây:

a) Điều kiện đất đai và công nghệ sản xuất;

b) Chuyển dịch lực lượng lao động, cơ cấu kinh tế; quá trình đô thị hoá.

3. Hội đồng nhân dân cấp tỉnh căn cứ quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này để quy định hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương”.

Đề nghị bỏ hạn mức giới hạn 15 lần, vì trong cơ chế thị trường, tuỳ theo khả năng, điều kiện, nguồn lực của từng hộ gia đình để họ tự quyết định. Nhà nước chỉ cần có cơ chế quản lý để họ sử dụng đất đúng pháp luật, đúng mục đích, không lãng phí, không bỏ hoang.

Điểm a, b, c, d, khoản 1, Điều 219: Các thủ tục hành chính về đất đai , quy định “1. Các thủ tục hành chính về đất đai bao gồm 10 điểm, trong đó có 4 điểm liên quan đến người dân.

Đề nghị cụ thể hoá vào Luật gồm:

a) Thủ tục thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, gia hạn sử dụng đất;

b) Thủ tục đăng ký đất đai, tài sản gắn liền với đất, công nhận quyền sử dụng đất;

c) Thủ tục cấp mới, cấp đổi, cấp lại, đính chính, giấy chứng nhận;

d) Thủ tục thực hiện các quyền của người sử dụng đất”.

 Lý do, các thủ tục này không dài, đã được Luật 2013 quy định rồi, nay nên đưa vào luật mới. Qua đó, quá trình người dân thực hiện sẽ không phải tìm kiếm, nhiêu khê.

Tóm lại, Luật Đất đai (sửa đổi) lần này cần cụ thể hoá tối đa, để người dân thực hiện được dễ dàng, không thể chỉ có cái sườn, không hoàn chỉnh; đồng thời hạn chế thấp nhất việc ban hành các nghị định, thông tư và văn bản dưới luật.

Nguyễn Văn Nhiếm

Tin cùng chuyên mục