Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
“Khóc ròng” vì chuối già Nam Mỹ:
Đừng để nông dân “tự bơi” rồi “tự đuối”
Thứ hai: 14:35 ngày 20/02/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Vấn đề đặt ra là hiện nay vẫn còn nhiều vườn chuối già Nam Mỹ với diện tích lớn đang chuẩn bị thu hoạch, cụ thể như trên địa bàn xã Tân Đông, huyện Tân Châu. Nếu vẫn tiếp tục tình trạng không có đầu ra và giá chuối xuống thấp, người trồng chuối sẽ chịu thiệt thòi lớn.

Khoảng 2 năm trước, nhiều nông dân Tây Ninh mong muốn sản xuất có hiệu quả đã tìm đến giống chuối cấy mô, thuộc loại chuối già Nam Mỹ, do “sự quyến rũ” từ những thông tin về lợi ích kinh tế mà giống cây này mang lại.

Tuy thời điểm ấy, giá cây giống chuối cấy mô khá cao, chi phí để chăm sóc 1 ha chuối cũng không nhỏ, trung bình trên 100 triệu đồng/ha, nhưng vẫn có không ít nông dân tại các huyện Tân Biên, Tân Châu không ngại đầu tư với hy vọng chỉ sau một năm những vườn chuối sẽ “đền bù” xứng đáng!

Anh Nguyễn Hùng Hải - nhân viên kỹ thuật của Trang trại trồng chuối Huy Long An (ấp Bến Kênh, xã Đôn Thuận, huyện Trảng Bàng). Trang trại này chuyên xuất chuối sang thị trường Trung Quốc, Dubai (Các tiểu vương quốc Arab thống nhất) và đang thử xuất sang thị trường Nhật Bản. Ảnh: Thuý Hằng.

CHUỐI CHÍN KHÔNG AI MUA

Ông Nguyễn Văn Trung, ngụ ấp Đông Thành, xã Tân Đông, huyện Tân Châu cho biết, cách đây hơn 2 năm, được người thân ở Đồng Nai hướng dẫn, ông mang giống chuối già Nam Mỹ về trồng tại địa phương. Sau đó, “phong trào” trồng chuối già Nam Mỹ lan rộng dần, nhiều người “hưởng ứng” đầu tư trồng chuối. Có người chịu khó tìm hiểu kỹ rồi ký hợp đồng với công ty cung cấp giống, bao tiêu sản phẩm đầu ra. Tuy nhiên, cũng có người tự trồng. Ông Trung nhẩm tính, chỉ riêng trên địa bàn xã Tân Đông hiện giờ có không dưới 50 ha chuối.

Cũng theo ông Trung, đầu tư 1 ha chuối, người trồng thu hoạch được 2 đợt. Đợt đầu tiên ông thu hoạch vào đầu năm 2016. Khi ấy, giá chuối già Nam Mỹ khá cao, khoảng 15 ngàn đồng/kg, thương lái thu mua bao cả quày chuối chứ không phải lựa chọn, phân biệt từng nải chuối đẹp, chuối xấu như hiện nay.

Trung bình 1 ha chuối chăm sóc đúng cách cho thu hoạch khoảng 50 tấn, nhờ vậy đợt thu hoạch ấy ông Trung có lãi khá cao. Thế nhưng, khi đến đợt thu hoạch thứ 2 vào đầu năm 2017 này, dù chuối chín đầy vườn nhưng chẳng thương lái nào thèm mua.

Thật ra, thỉnh thoảng cũng có thương lái đến nhưng chỉ lựa những quày có những nải chuối đẹp mới mua với giá 3.000 đồng/kg. Vì vậy, chuối chín đầy cây nhưng ông Trung cứ phải để đó “chịu trận” nhìn chuối chín rồi tự rụng. Lúc đầu, ông còn tích cực chạy tìm thương lái đến mua, rồi sau đó ông chẳng thiết kêu lái, vì có “kêu khản cổ” thương lái cũng không thèm đến!

Hiện ông Trung còn 2 ha chuối đang chuẩn bị cho thu hoạch. Ông lo lắng, giá chuối đã thấp như vậy mà vẫn không tìm được đầu ra, không biết 2 ha chuối này khi thu hoạch sẽ bán cho ai (?!). Riêng với 1 ha chuối đã thu hoạch, ông đang tính sẽ phá bỏ để đầu tư giống cây trồng mới.

Tuy nhiên, đối với ông Oanh, một nông dân trồng chuối quy mô lớn, với diện tích đến 50 ha tại xã Thạnh Bắc, huyện Tân Biên, dù gần đây chuối có xuống giá ông vẫn không băn khoăn. Bởi khi quyết định đầu tư lớn vào cây chuối xuất khẩu, ông đã tìm hiểu kỹ rồi ký kết hợp đồng với một doanh nghiệp có uy tín, và được doanh nghiệp này bao tiêu sản phẩm với giá ổn định là 5.000 đồng/kg, trong vòng 3 năm. Ông Oanh cho biết, với giá 5.000 đồng/kg người trồng chuối được bảo đảm sản xuất hiệu quả.

CÓ HỢP ĐỒNG CŨNG NHƯ KHÔNG

Nhưng không phải ai “trồng chuối có hợp đồng” cũng may mắn như ông Oanh. Một người cũng “trồng chuối có hợp đồng” là ông Nguyễn Văn Sơn, ngụ ấp Đông Thành, xã Tân Đông đang hết sức bức xúc khi 3 ha chuối của ông đang đến kỳ thu hoạch lại đành phải để cho chín rục rồi bỏ luôn trong vườn.

Ông Sơn cho biết, khi trồng chuối, ông có ký hợp đồng với Công ty TNHH Ngọc Đỉnh tại xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh, thành phố Hồ Chí Minh hẳn hoi. Theo hợp đồng, Công ty Ngọc Đỉnh có trách nhiệm cung cấp giống chuối có chất lượng và bao tiêu sản phẩm đầu ra.

Thấy doanh nghiệp làm ăn có hợp đồng cụ thể, rõ ràng, ông Sơn cùng nhiều người khác tại địa phương “yên tâm, phấn khởi” ký hợp đồng với Công ty Ngọc Đỉnh mua giống về trồng và đinh ninh rằng công ty sẽ bao tiêu sản phẩm. Sau một năm bỏ công sức, tiền vốn ra trồng, chăm sóc chuối, đến trước Tết Nguyên đán Đinh Dậu, vườn chuối của gia đình ông Sơn và các hộ dân khác ở Tân Đông bắt đầu cho thu hoạch.

Khi đó, ông Sơn cùng nhiều người khác có ký hợp đồng với Công ty Ngọc Đỉnh liên hệ yêu cầu công ty lên thu mua sản phẩm. Lúc đầu, công ty còn hứa hẹn sẽ lên thu mua, người dân an tâm chờ đợi. Thế nhưng, những lần sau khi người trồng chuối liên hệ, Công ty Ngọc Đỉnh nại hết lý do này đến lý do khác như chưa ký được hợp đồng xuất khẩu chuối, hoặc “tuần sau” sẽ cho nhân viên lên thu mua…

Hết tuần này đến tuần khác, vẫn không thấy bóng dáng người của Công ty Ngọc Đỉnh. Cuối cùng, đúng ngày 27 tết, tức 24.1.2017, Công ty Ngọc Đỉnh gọi điện thông báo là “không thể mua chuối, người dân tự tìm mối để bán”. Ông Sơn bức xúc: “chuối trồng hàng mẫu tây, mỗi ngày chín cả tấn, lại là giống chuối già - giống chuối không dùng để chưng cúng trong dịp tết thì bán đi đâu, bán cho ai mua?!”.

Vì thế, vào thời điểm tết nguyên đán vừa qua, ông Sơn và nhiều nông dân ở Tân Đông phải “nuốt nước mắt” nhìn chuối chín đầy vườn mà không ai mua, trong khi gia đình không có tiền để ăn tết. Qua tết, bà con ở đây vẫn còn hy vọng Công ty Ngọc Đỉnh sẽ lên thu mua chuối. Tuy nhiên, khi ông Sơn gọi điện thoại “năm lần, mười lượt” Công ty Ngọc Đỉnh mới trả lời rằng: “Chưa có đơn hàng xuất khẩu nên chưa thu mua chuối được”. Rồi cuối cùng là “ò í e” không ai bắt máy!

Trước tình cảnh đó, ông Sơn đành phải kêu lái vào bán chuối với giá 2.000 đồng/kg nhưng thương lái vào mua cũng chỉ chọn chuối chưa có dấu hiệu chín, trái đẹp, còn những quày chuối đã có vài trái chín thì không mua.

Như thế dù thương lái có chịu mua, ông Sơn cũng chỉ bán được một phần nhỏ số lượng chuối thu hoạch hằng ngày, còn lại phải bỏ chín đầy vườn. Ông Sơn nghi ngờ, có thể ông và bà con nông dân ở đây đã ký hợp đồng với một “doanh nghiệp ma”, hay là một “doanh nghiệp lừa”?! Bây giờ ông mới “tiết lộ”, lúc mới quan hệ làm ăn, Công ty Ngọc Đỉnh chào giá 14.000 đồng/cây “giống chuối F1, bảo đảm chất lượng”, trong khi giá cây giống chuối “bình thường” ở thị trường chỉ 10.000 đồng/cây.

Và “để hỗ trợ cho người ký hợp đồng với doanh nghiệp”, Công ty Ngọc Đỉnh cũng bán giống cây chuối với giá chỉ 10.000 đồng/cây thôi! Bằng chiêu thức “khuyến mãi” này, Công ty Ngọc Đỉnh đã bán được hàng trăm ngàn cây chuối giống cho người dân nơi đây. Và bây giờ thì Ngọc Đỉnh phủi bỏ trách nhiệm, “quất ngựa truy phong”, bỏ mặc sản phẩm của nông dân, còn người trồng chuối khóc ròng vì chuối chín đã hoá thành giấm vẫn không có đầu ra để bán.

Một nông dân tên Kiệm, cũng là người ký hợp đồng với Công ty Ngọc Đỉnh trồng 2 ha chuối cũng cho biết, khi chuối chín đầy vườn mà doanh nghiệp không thu mua, ông đã cầm hợp đồng đến gặp luật sư nhờ tư vấn để khởi kiện yêu cầu công ty bồi thường.

Theo luật sư tư vấn, thủ tục khởi kiện vi phạm hợp đồng kinh tế rất nhiêu khê. Nếu khởi kiện, những người trồng chuối phải chứng minh thiệt hại thực tế từ việc vi phạm hợp đồng của công ty…

Nhưng với người nông dân “chân lấm tay bùn”, quanh năm chỉ biết cặm cụi lo làm, không có thời gian cũng như không biết tìm chứng cứ, chứng từ chứng minh thiệt hại thực tế như thế nào, chưa chắc đủ sức theo đuổi vụ kiện, trong khi án phí phải nộp tính theo phần trăm trị giá hợp đồng không hề nhỏ.

Mặt khác, nếu có thắng kiện mà doanh nghiệp cứ “chây ì” trì hoãn thi hành án thì khi ấy “được vạ, má đã sưng”, nên ông Kiệm cùng ông Sơn và những người trồng chuối khác chỉ nuôi chút hy vọng mong manh “trong tương lai” công ty sẽ có được hợp đồng xuất khẩu, giá chuối lên cao, doanh nghiệp sẽ quay lại thu mua chuối, may ra bà con có thể gỡ gạc phần nào vốn liếng đã đầu tư.

Chuối chín nhưng không bán được, anh Sơn đành vứt đống đổ trong vườn.

MONG NGÀNH CHỨC NĂNG VÀ CHÍNH QUYỀN VÀO CUỘC

Ông Võ Đức Trong– Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, thời gian qua, nhất là trong dịp tết sức tiêu thụ chuối (các loại chuối không dùng để chưng mâm ngũ quả- NV) không mạnh, dẫn đến tình trạng giá chuối giảm xuống, thương lái ép giá người trồng. Đối với những người trồng chuối ký hợp đồng với các doanh nghiệp có uy tín, được bao tiêu sản phẩm, bảo đảm giá cả ổn định thì không có vấn đề gì.

Ông Trong khuyến cáo, hiện nay có nhiều doanh nghiệp hoạt động mập mờ, không minh bạch. Không riêng gì chuối, mà bất cứ giống cây trồng nào khác cũng thế. Nếu có ký hợp đồng cung cấp giống, bao tiêu sản phẩm đầu ra với doanh nghiệp, người nông dân cần thông qua chính quyền địa phương, cũng như cơ quan chuyên môn trước khi ký kết, như thế mới có căn cứ bảo đảm quyền lợi cho nông dân.

Vấn đề đặt ra là hiện nay vẫn còn nhiều vườn chuối già Nam Mỹ với diện tích lớn đang chuẩn bị thu hoạch, cụ thể như trên địa bàn xã Tân Đông, huyện Tân Châu. Nếu vẫn tiếp tục tình trạng không có đầu ra và giá chuối xuống thấp, người trồng chuối sẽ chịu thiệt thòi lớn.

Rất mong trong thời gian tới, ngành Nông nghiệp & Phát triển nông thôn cùng các cơ quan liên quan và chính quyền các địa phương sẽ tích cực vào cuộc, có biện pháp bảo vệ người trồng chuối, nhất là những người có ký hợp đồng với doanh nghiệp, để yêu cầu doanh nghiệp phải có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ theo hợp đồng kinh tế, để có thể giảm bớt khó khăn cho những người trồng chuối.

THẾ NHÂN

Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh