Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Chiều 30.9, một thành viên của Teach For Viet Nam cho biết, vì nhiều lý do khác nhau, từ năm học này, tổ chức này dừng tham gia giảng dạy môn tiếng Anh cũng như các hoạt động ngoại khoá tại Tây Ninh.
Một tiết học ngoại khoá tại Trường THCS Lý Tự Trọng do nhóm giáo viên Teach For Viet Nam tổ chức
Sau hai năm tham gia dạy môn tiếng Anh tại 32 trường tiểu học, trung học cơ sở, năm học 2019-2020, Tổ chức Teach For Viet Nam (giảng dạy vì Việt Nam) tạm dừng giảng dạy môn học này trên địa bàn tỉnh Tây Ninh.
Chiều 30.9, một thành viên của Teach For Viet Nam cho biết, vì nhiều lý do khác nhau, từ năm học này, tổ chức này dừng tham gia giảng dạy môn tiếng Anh cũng như các hoạt động ngoại khoá tại Tây Ninh. Sau khi kết thúc các hoạt động tại Tây Ninh, Teach For Viet Nam đã ký hợp đồng kéo dài 5 năm với ngành giáo dục tỉnh Quảng Nam.
Tổ chức Teach For Viet Nam tham gia dạy môn tiếng Anh tại Tây Ninh theo một hợp đồng kéo dài hai năm học (2017-2018 và 2018-2019), trong khuôn khổ nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh.
Theo tìm hiểu, hồi đầu tháng 8.2019, Sở GD-ÐT tổ chức sơ kết và báo cáo kết quả 2 năm giảng dạy của giáo viên Teach For Viet Nam (gọi tắt là TFV). Theo đánh giá của Sở GD-ÐT, giáo viên TFV thực hiện giảng dạy số tiết chính khoá và tăng cường đúng theo phân công của nhà trường, có kết hợp với giáo viên tiếng Anh trong trường tổ chức các câu lạc bộ tiếng Anh cho học sinh. Tuy vậy, số tiết hoạt động ngoại khoá hằng tuần của một số giáo viên trong nhóm chưa bảo đảm theo phân công, thực hiện chưa đúng theo kế hoạch đề ra. Một số giáo viên khi thực hiện ngoại khoá chưa thông báo kịp thời đến tổ chuyên môn để cùng phối hợp thực hiện.
Thông qua các tiết dự giờ do nhóm TFV dạy, những người được phân công dự giờ nhận thấy, nhóm giáo viên này có một số ưu điểm, gồm: giáo viên thực hiện giảng dạy đúng theo phân phối chương trình chính khoá; tích cực nghiên cứu bài, truyền thụ đầy đủ các nội dung kiến thức theo bài học đến học sinh; phương pháp giảng dạy sử dụng nhiều hoạt động, tranh ảnh, âm nhạc, nhịp điệu; tích cực ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy; học sinh tích cực phối hợp với các hoạt động của giáo viên.
Tuy nhiên, những hạn chế cũng được chỉ ra, gồm có: một số tiết dạy chưa thể hiện đúng phương pháp đặc trưng bộ môn, chưa tập trung vào trọng tâm bài học, kiến thức mở rộng quá nhiều nên học sinh trung bình, yếu khó theo kịp; chưa chú trọng giảng dạy hết các bài tập có trong sách giáo khoa. Một số giáo viên tổ chức hoạt động dạy học chưa tốt, lớp còn ồn trong các giờ học; tiến trình lên lớp chưa phù hợp, phân bố thời gian chưa hợp lý, chưa bao quát lớp. Do giáo viên tập trung dạy kỹ năng nghe, nói nên chưa chú trọng rèn kỹ năng viết cho học sinh.
Ðánh giá về hoạt động ngoại khoá tiếng Anh, Sở GD-ÐT nhìn nhận, giáo viên năng nổ, nhiệt tình, chuẩn bị chu đáo nội dung hoạt động. Nhóm giáo viên của TFV tạo được sân chơi bổ ích cho các em học sinh, giúp các em rèn luyện khả năng tiếng Anh, đặc biệt là kỹ năng nghe, nói; giúp học sinh vừa được thư giãn vừa được tư duy, học hỏi các kiến thức mới với các chủ đề khác nhau.
Hình thức tổ chức khá đa dạng, phong phú, thu hút học sinh tham gia; tạo cơ hội cho học sinh thể hiện khả năng giao tiếp trước đám đông, làm việc theo nhóm. Về hạn chế, một số giáo viên TFV chưa phối hợp tốt với các giáo viên khác của trường khi tổ chức các hoạt động ngoại khoá; thời gian tổ chức các buổi ngoại khoá hay thay đổi, chưa sắp xếp được thời gian cố định trong tuần.
Thống kê kết quả môn tiếng Anh cuối năm học cấp tiểu học cho thấy, học sinh đạt chuẩn kiến thức, kỹ năng theo quy định và phát triển khá tốt kỹ năng nghe, nói. Học sinh tự tin, mạnh dạn phát biểu xây dựng bài, trong giao tiếp. Tuy nhiên, kỹ năng viết của học sinh còn hạn chế. Năm học 2018-2019, tỷ lệ học sinh đạt điểm 9-10 do giáo viên TFV giảng dạy thấp hơn so với học sinh các lớp còn lại trong khối là 11,88%. Ở cấp THCS, đa số học sinh đạt chuẩn kiến thức, kỹ năng theo quy định.
Tỷ lệ học sinh giỏi ở một số đơn vị có cao hơn các lớp cùng khối (TP. Tây Ninh, Châu Thành, Dương Minh Châu). Kỹ năng nghe, nói của học sinh từng bước được cải thiện. Hạn chế của học sinh ở cấp học này (những lớp do TFV dạy) được đánh giá là kỹ năng viết của học sinh chưa được rèn luyện kỹ. Năm học 2018-2019, tỷ lệ học sinh đạt điểm 8-10 do giáo viên TFV giảng dạy thấp hơn so với học sinh các lớp còn lại trong khối là 6,06%. Ngược lại, tỷ lệ học sinh có điểm trung bình môn dưới 5 cao hơn so với học sinh các lớp còn lại trong khối là 7,99% (các huyện Hoà Thành, Châu Thành, Tân Biên, Tân Châu)…
Ðược biết, năm học 2017-2018, kinh phí thực hiện chi trả cho giáo viên TFV là 8.000.000 đồng/tháng, chuyên gia huấn luyện viên 20.000.000 đồng/tháng, thời gian thực hiện 9 tháng thực học và 1 tháng dạy thử trong hè. Kinh phí tổ chức các hoạt động ngoại khoá và tổ chức sinh hoạt câu lạc bộ tiếng Anh, rèn luyện kỹ năng đàm thoại cho học sinh ở các trường có giáo viên thực hiện dự án 1.000.000 đồng/tháng/trường/giáo viên từ nguồn xã hội hoá.
Tổng kinh phí thực hiện năm học 2017-2018 là 1.871.440.000 đồng. Trong đó chi trả cho giáo viên TFV là 1.680.000.000 đồng từ ngân sách Nhà nước. Các hoạt động ngoại khoá và tổ chức sinh hoạt câu lạc bộ tiếng Anh, rèn luyện kỹ năng đàm thoại cho học sinh ở các trường có giáo viên thực hiện dự án từ nguồn xã hội hoá (học sinh đóng góp) là 160 triệu đồng.
Năm học 2018-2019, kinh phí thực hiện chi trả cho giáo viên TFV là 9.000.000 đồng/tháng, chuyên gia huấn luyện viên là 20.000.000 đồng/tháng và thời gian thực hiện 9 tháng thực học. Tổng kinh phí thực hiện năm học 2018-2019 là 2 tỷ 808 triệu đồng.
VIỆT ÐÔNG