Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Ngày 31-8, khoa Lồng ngực mạch máu - bệnh viện ĐH Y dược TP.HCM đã ứng dụng thành công keo sinh học trong điều trị bệnh suy giãn tĩnh mạch nông chi dưới cho hai trường hợp đầu tiên.
Hậu quả là gây ra các dấu hiệu như nặng mỏi chân, đau nhức bắp chân, vọp bẻ, nổi gân xanh (tĩnh mạch) ngoằn ngoèo, phù chân, ngứa da,…
Tình trạng ứ đọng này kéo dài qua nhiều tháng, nhiều năm và ngày càng nặng, gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm, khó trị như loét chân, tắc mạch, viêm mạch,… nếu không được điều trị kịp thời, đúng cách.
Hoạt động ứng dụng keo sinh học kể trên diễn ra dưới sự hướng dẫn của Tiến sĩ Chong Tze Tec, trưởng khoa Mạch máu, bệnh viện Quốc gia Singapore, chuyên gia có kinh nghiệm điều trị thành công hơn 200 trường hợp suy giãn tĩnh mạch nông bằng keo sinh học.
Theo bác sĩ Trần Thanh Vỹ, trưởng khoa Lồng ngực Mạch máu bệnh viện Đại học Y dược, điều trị suy giãn tĩnh mạch nông chi dưới bằng keo sinh học (Cyanoacrylate) là phương pháp mới, ít xâm lấn, thời gian thực hiện từ 15 đến 20 phút và hồi phục nhanh.
Phương pháp này đặc biệt ý nghĩa trong những trường hợp người bệnh có chỉ định phẫu thuật nhưng không thực hiện được vì yếu tố tâm lý, nguy cơ khi gây tê tủy sống hay gây mê, hoặc loét chân ngay vị trí rạch da khi phẫu thuật.
Ngay sau khi thực hiện thủ thuật, người bệnh có thể đi lại nhẹ nhàng, trở lại các sinh hoạt bình thường.
Mỗi năm, tại bệnh viện Đại học Y dược có khoảng 15.000 lượt người bệnh khám và điều trị suy giãn tĩnh mạch chi dưới.
Theo nghiên cứu, có hơn 75% người bệnh suy giãn tĩnh mạch không được chẩn đoán và điều trị phù hợp, đến khám khi bệnh đã nặng. Bệnh không nguy hiểm đến tính mạng nhưng ảnh hưởng đến thẩm mỹ, gây đau nhức.
Nếu không điều trị kịp thời sẽ gây giãn tĩnh mạch nông, phù chân, loét chân khó lành, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống và làm tăng chi phí điều trị.
Tỉ lệ mắc suy tĩnh mạch tăng dần theo tuổi. Có thể chủ động phòng tránh bệnh bằng cách hạn chế đứng, ngồi một chỗ lâu, nên thường xuyên tập luyện thể dục thể thao, đi bộ 15 phút mỗi ngày sẽ hỗ trợ rất nhiều trong việc ngăn ngừa bệnh giãn tĩnh mạch.
Khi có bất cứ triệu chứng nào của bệnh giãn tĩnh mạch như nặng, mỏi chân, tê rần lòng bàn chân, nổi gân xanh ngoằn ngoèo,… người bệnh nên đến các chuyên khoa tĩnh mạch để chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Nguồn TTO