Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Đừng làm mai một thương hiệu đặc sản
Thứ hai: 15:03 ngày 22/04/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Từ lâu, nhiều du khách đã biết đến các đặc sản của tỉnh Tây Ninh như bánh tráng các loại, muối tôm, mãng cầu Bà Ðen... Tuy nhiên, trong thời gian qua, các chủ cơ sở, hộ kinh doanh buôn bán những món đặc sản này chưa thật sự quan tâm đến chất lượng sản phẩm, cũng như việc đầu tư, bố trí không gian bán hàng và cách trưng bày sản phẩm sao cho “xứng tầm” vị thế đặc sản của tỉnh.

Nhiều gian hàng bán bánh tráng, muối tôm chưa quan tâm đến chất lượng sản phẩm (ảnh chỉ mang tính minh hoạ).

Bà Nguyễn Thị Chính, du khách đến từ Cà Mau cho biết, bà nhất định không mua mãng cầu Bà Ðen được bán bên lề đường như năm trước. Nhiều người cứ nghĩ đây là “mãng cầu nhà vườn” mang ra bán nên sẽ có chất lượng và giá cả phù hợp. Do đó, bà Chính mua 10kg mãng cầu về làm quà với giá 55.000 đồng/kg. Sau hơn 5 ngày, gai mãng cầu đã có dấu hiệu úng mà ruột bên trong vẫn chưa chín do nhà vườn hái trái còn non.

Ðược biết, nhiều người trồng mãng cầu đã lợi dụng lúc mãng cầu lên giá hoặc vào dịp lễ, tết để thu hoạch trái non đem bán cho du khách. Cách làm không thể chấp nhận này đã khiến nhiều du khách không còn tín nhiệm chất lượng mãng cầu Tây Ninh.

Hiện nay, dọc tuyến quốc lộ 22B qua địa phận các huyện Gò Dầu, Trảng Bàng có rất nhiều gian hàng trưng bày bánh tráng, muối tôm, muối tiêu sả, kẹo đậu phộng... Hầu hết các gian hàng này được thiết kế sơ sài, kém thẩm mỹ, không bảo đảm yêu cầu về vệ sinh, gây phản cảm cho khách hàng.

Chị Nguyễn Thị Hồng Loan, du khách đến từ Bình Dương ghé vào một gian hàng bán bánh tráng các loại và muối tôm... để mua về làm quà. Sau đó, chị Loan bị “mắng vốn” là bánh tráng cuốn trứng cút đã có mùi chua, trong khi đó trên bịch bánh tráng không có nhãn mác nào ghi hạn sử dụng và các thông tin cần thiết. Còn 2 xấp bánh tráng dẻo tép khô chỉ có cái đầu tiên trên bề mặt là có tép, còn lại phía dưới là bánh tráng không.

Bà T.L, chủ gian hàng bánh tráng, muối tôm ở ấp Trâm Vàng, xã Thanh Phước, huyện Gò Dầu cho biết, những loại bánh tráng trộn hành phi, trứng cút, bánh tráng me... thường chỉ có hạn sử dụng từ 7 đến 10 ngày. Ðây là những loại sản phẩm tự chế biến nên chưa ghi nhãn mác và các thông tin cần thiết. Việc buôn bán chỉ tuỳ vào cái tâm của mỗi người. Nhiều người tiếc tiền nên vẫn bán cho du khách hàng quá “đát”. Chính vì điều này mà các mặt hàng đặc sản ngày càng ế ẩm.

Bà L cho biết thêm, do ngày càng có nhiều người kinh doanh đặc sản bánh tráng, muối tôm nên cạnh tranh nhau chạy theo lợi nhuận mà lờ đi chất lượng sản phẩm. “Ðể thương hiệu đặc sản Tây Ninh không bị mai một, người bán hàng cần quan tâm hơn đến mẫu mã bao bì, trưng bày sản phẩm. Ðặc biệt, quan tâm chất lượng hàng hoá và không “chặt chém” du khách, bán hàng kém chất lượng, hàng quá đát”.

THANH NHI

Tin liên quan