Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Mới đây, một phụ nữ cao tuổi được đưa vào bệnh viện cấp cứu vì mắc nghẹn ở cổ, bệnh viện nội soi phát hiện viên thuốc còn nằm trong vỉ nhôm dính mắc ở thực quản.
Người cao tuổi cần nắm vững các nguyên tắc để dùng thuốc an toàn và hiệu quả - Ảnh: DUYÊN PHAN
Đây là tình trạng xảy ra khá phổ biến ở người cao tuổi tự dùng thuốc, do trí tuệ giảm sút, thay vì bấm viên thuốc ra khỏi vỉ nhôm trước khi uống, lại nuốt viên thuốc còn nguyên vỉ và cạnh nhọn của vỉ làm thuốc dính mắc lại thực quản. Hoặc có người cao tuổi tự uống thuốc bisphosphonat trị loãng xương và uống không đúng cách, không uống thuốc với nhiều nước, uống thuốc xong nằm ngay nên thuốc dính lại ở thực quản gây tác dụng phụ có hại là loét thực quản rất trầm trọng.
Tai biến do... thuốc
Người cao tuổi chiếm tỉ lệ không lớn trong dân số (12%) nhưng số lượng thuốc dùng cho nhóm người này lại không nhỏ (50% thuốc nói chung, trong đó được bác sĩ chỉ định 1/3 lượng thuốc thuộc loại kê đơn). Đặc biệt, tỉ lệ tai biến gây ra do thuốc thường gặp ở người cao tuổi nhiều hơn so với lứa tuổi trẻ hơn.
Các biểu hiện lâm sàng thường gặp ở người cao tuổi do tác dụng phụ của thuốc - ADR (rất dễ tưởng lầm là do bệnh) hoặc té ngã, trầm cảm, lú lẫn, rối loạn nhận thức, táo bón, tiểu tiện không kiểm soát, hội chứng thần kinh ngoại tháp, rối loạn hoạt động tình dục, mất ngủ...
Một số nguyên nhân dẫn đến tai biến hoặc tăng tỉ lệ ADR ở người cao tuổi khi dùng thuốc là:
- Thường hay đau ốm, không phải một mà là bị nhiều bệnh cùng một lúc, do đó thường phải dùng nhiều thuốc hơn người trẻ tuổi.
- Có thể đi khám ở hai bác sĩ trong thời gian rất ngắn và bác sĩ thứ hai không biết bác sĩ trước đã chỉ định dùng những thuốc gì để khuyên ngưng dùng, tránh tương tác bất lợi với thuốc mới.
- Do mắc nhiều bệnh, không chỉ bệnh cấp tính mà bị bệnh gọi là mãn tính mà các bệnh này nhiều khi lại đòi hỏi sử dụng nhiều loại thuốc có tác dụng mạnh, khoảng cách an toàn trong điều trị hẹp, dễ gây ADR.
- Quá lo lắng về sức khỏe của mình, muốn mau hết bệnh nên thường dùng thêm thuốc ngoài thuốc đã được chỉ định, hoặc có người không đau ốm gì vẫn dùng thuốc gọi là để "đề phòng". Thậm chí không tuân thủ chỉ định dùng thuốc của bác sĩ, hoặc tăng liều thuốc hoặc kéo dài thời gian dùng thuốc, đưa đến bị quá liều gây ngộ độc.
- Ngược lại, có người cao tuổi lại sợ dùng thuốc do nghĩ là thuốc luôn gây hại. Có người tự ý giảm liều, có người giảm số lần dùng thuốc trong ngày, có người ngưng bỏ thuốc giữa chừng. Sự ngưng dùng thuốc sớm có thể đưa đến tai biến do ngưng dùng thuốc.
- Ở người lớn tuổi do trí tuệ giảm sút, thường hay nhầm lẫn trong sử dụng thuốc, đặc biệt về liều lượng, số lần dùng thuốc, cách dùng thuốc. Trong trường hợp này, cần có người thân trẻ tuổi theo dõi sát việc dùng thuốc, không để người cao tuổi tự dùng thuốc.
Các nguyên tắc dùng
Để dùng thuốc ở người cao tuổi hiệu quả và an toàn, cần tuân thủ các nguyên tắc sau:
- Cần biết tiền sử dùng thuốc của người cao tuổi khi khám bệnh (bác sĩ nên hỏi kỹ họ đã dùng thuốc gì, kể cả có dùng dược thảo, thực phẩm chức năng hay không).
- Thầy thuốc chỉ chỉ định dùng thuốc khi thật cần thiết và sau khi chẩn đoán chính xác.
- Ở người cao tuổi nên bắt đầu bằng liều dùng thấp nhất có hiệu lực, và nên kéo dài nhịp dùng thuốc trong ngày thích hợp (như đối với người trẻ tuổi dùng 3 lần/ngày thì đối với người cao tuổi có thể dùng 2 lần/ngày).
- Lưu ý các điều kiện thuận lợi cho việc tuân thủ dùng thuốc (chọn dạng thuốc thích hợp là thuốc lỏng nếu có như dung dịch uống, hay thuốc dùng ít lần trong ngày là thuốc dạng phóng thích thuốc kéo dài uống 1 lần/ngày...)
- Hướng dẫn kỹ các chỉ dẫn dùng thuốc một cách nhẹ nhàng, rõ ràng. Ở nhà thuốc, cần quan tâm người mua thuốc là người cao tuổi, phải dặn dò thật kỹ, nếu cần nên ghi lời dặn trên giấy, thuyết phục người cao tuổi dùng thuốc có người thân trẻ tuổi theo dõi.
- Theo dõi sát trong thời gian dài sự đáp ứng đối với tác dụng của thuốc ở người cao tuổi.
- Lưu ý các thuốc tránh dùng cho người cao tuổi nói chung và người cao tuổi đang mắc một bệnh lý nào đó.
Một số lưu ý
- Không dùng dạng thuốc sủi bọt đối với người bị bệnh tăng huyết áp, suy tim (dạng thuốc sủi bọt luôn chứa natri sẽ làm tăng huyết áp).
- Tránh dùng thuốc chẹn bêta đối với người bị hen suyễn, COPD, đái tháo đường (chẹn bêta che mất triệu chứng tụt đường huyết ở người đang dùng thuốc trị đái tháo đường), bị bệnh lý mạch máu ngoại biên.
- Tránh dùng thuốc kháng histamin trị dị ứng, thuốc chống co thắt trị đau do co thắt cơ trơn (như đau bụng), thuốc chống trầm cảm đối với người bị phì đại lành tính tuyến tiền liệt hay bị táo bón (vì thuốc làm bí tiểu tiện hoặc táo bón nặng thêm).
- Tránh dùng thuốc glucocorticoid đối với người bị đái tháo đường (vì glucocorticoid làm tăng đường huyết).
Nguồn TTO