Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Bộ GD-ĐT vừa có công văn hướng dẫn một số biện pháp để ngăn chặn sự xâm nhập và lây lan của dịch bệnh từ virus corona, chủ động ứng phó trong các trường học tới các sở GD-ĐT và các ĐH, CĐ, học viện.
Cụ thể, Bộ yêu cầu căn cứ vào tình hình thực tế dịch bệnh, các sở GD-ĐT, các đại học, học viện, trường ĐH, CĐ sư phạm và trung cấp sư phạm chủ động phối hợp với ngành Y tế tại địa phương thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.
Trong trường hợp cần thiết, giám đốc các sở GD-ĐT, ĐH, học viện; Hiệu trưởng các trường ĐH, CĐ sư phạm và trung cấp sư phạm xem xét, quyết định cho học sinh, sinh viên tạm thời nghỉ học và có kế hoạch học bù để đảm bảo chương trình giáo dục.
Công văn khẩn của Bộ GD-ĐT
Cùng với đó, tuyên truyền cho trẻ em, học sinh, sinh viên, giáo viên, giảng viên, cán bộ, nhân viên nhà trường về dịch bệnh và các biện pháp phòng bệnh, cách thức tự theo dõi sức khỏe, khai báo khi có biểu hiện nghi ngờ mắc bệnh; đeo khẩu trang khi tới chỗ đông người hoặc khi tiếp xúc với người có biểu hiện sốt, ho (khuyến khích đeo khẩu trang khi đến trường và tham gia các hoạt động ngoại khóa).
Bộ cũng yêu cầu các sở, trường báo cáo kịp thời những trường hợp bất thường ở địa phương về Vụ Giáo dục Thể chất, Bộ Giáo dục và Đào tạo, 35 Đại Cồ Việt, Hai Bà Trưng, Hà Nội.
Trước diễn biến phức tạp của dịch viêm đường hô hấp cấp từ virus Corona, nhiều phụ huynh băn khoăn quyết định cho con nghỉ học bởi yếu tố lo ngại không đuổi kịp chương trình học.
Chia sẻ bên lề cuộc họp trực tuyến bàn về công tác phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp từ virus Corona do Sở GD-ĐT Hà Nội tổ chức sáng nay 31/1, ông Phạm Xuân Tiến, Phó giám đốc Sở này cho hay, việc có cho học sinh toàn thành phố nghỉ học hay không phải dựa trên khuyến cáo của cơ quan chức năng, đặc biệt là ngành y tế.
“Khi có khuyến cáo học sinh cần phải nghỉ học để phòng lây lan dịch bệnh thì Sở GD-ĐT Hà Nội sẽ có chỉ đạo thông báo chính thức tới các cơ sở giáo dục trực thuộc”, ông Tiến nói.
Một lớp học ở Vĩnh Phúc khá vắng vẻ sáng 31/1, sau thông tin địa phương này có người nhiễm bệnh.
Về việc phụ huynh lo lắng và tự ý cho con nghỉ học, ông Tiến cho rằng, các trường nên tuyên truyền đến phụ huynh không nên cho con nghỉ học khi chưa có khuyến cáo và công bố chính thức của các cơ quan chức năng vì điều này sẽ ảnh hưởng tới việc học tập của học sinh. Thay vào đó, phụ huynh cần cùng các nhà trường tích cực thực hiện các biện pháp phòng tránh dịch bệnh cho học sinh theo hướng dẫn.
Ông Tiến cũng khuyến cáo các trường không nên tổ chức các hoạt động ngoại khóa, tham quan, dã ngoại vào giai đoạn cao điểm phòng chống dịch bệnh như hiện nay. Bởi những điểm du lịch sẽ là những nơi đông người, có nhiều du khách nước ngoài có nguy cơ tiềm ẩn, lây nhiễm dịch bệnh lớn.
“Còn những sinh hoạt diễn ra trong lớp, trường thì chúng tôi nghĩ vẫn có thể tổ chức một cách bình thường. Tuy nhiên cũng cố gắng hạn chế để tránh việc có thể lây lan dịch bệnh”, ông Tiến nói.
Còn ghi nhận của Sở GD-ĐT Vĩnh Phúc cho thấy, tình trạng học sinh nghỉ học đang có chiều hướng gia tăng, đặc biệt là ở các bậc học, cấp học dưới.
Báo cáo nhanh ngày 30/1 (tức mùng 6 Tết) từ 9 phòng GD-ĐT của Vĩnh Phúc cho thấy, cấp tiểu học có 2.165 học sinh nghỉ học, chiếm 1,78%. Cấp THCS có 730 học sinh nghỉ học, chiếm 1,3% (số liệu chưa bao gồm các huyện Tam Đảo, Vĩnh Tường).
Sang ngày 31/1 (mùng 7 Tết), số học sinh nghỉ học tăng mạnh hơn với trên 5.200 học sinh, tập trung ở các cấp học dưới.
Theo số liệu cập nhật lúc 9h sáng nay, cấp tiểu học, huyện Tam Dương đang dẫn đầu với 1.313 học sinh nghỉ học, Vĩnh Yên với 1.171 học sinh, Bình Xuyên là 851; các huyện, thành phố khác phổ biến ở con số 200-400 học sinh. Ở cấp THCS, số học sinh nghỉ học tại các huyện, thành phố ít hơn, phổ biến dao động từ khoảng 60-200 học sinh/địa phương.
Tại 30 trường THPT trên địa bàn tỉnh, số học sinh nghỉ học tại mỗi trường dao động từ một vài đến khoảng 40 học sinh. Trong đó, chiếm một phần nhỏ là các lý do ốm, sốt.
Học sinh tiểu học Vĩnh Phúc đeo khẩu trang giờ ngủ trưa ngày 31/1. Ảnh: Nguyễn Nga
Dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona gây ra đang diễn biến phức tạp. Tổ chức Y tế Thế giới WHO đã tuyên bố dịch virus corona là “tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu”.
Theo thông tin từ Bộ Y tế, tính đến 6h sáng nay, thế giới đã ghi nhận 9.807 trường hợp nhiễm virus corona, 213 trường hợp tử vong, 115 trường hợp mắc bệnh ngoài Trung Quốc.
Tại Việt Nam, có 5 người nhiễm virus corona, trong đó có 2 bệnh nhân người Trung Quốc (1 người đã khỏi) và 3 người Việt Nam đang điều trị tại bệnh viện tỉnh Thanh Hóa và bệnh viện Nhiệt đới TƯ ở Đông Anh, Hà Nội.
Hiện số trường hợp nghi nhiễm tại Việt Nam là 97 trường hợp, trong đó có 65 trường hợp đã xét nghiệm âm tính với virus corona và 32 trường hợp tiếp tục cách ly, theo dõi chặt chẽ để không lây nhiễm ra cộng đồng.
Ngoài ra còn có 43 trường hợp sức khỏe bình thường, không có dấu hiệu sốt, ho nhưng vẫn được cách ly theo dõi do có tiếp xúc gần với người nghi nhiễm corona.
Ăn trưa cũng phòng bị cẩn thận
Nguồn vietnamnet