Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Luật cán bộ, công chức và Luật viên chức:
Được vào biên chế trước khi luật có hiệu lực
Thứ ba: 23:42 ngày 03/12/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Trước khi Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức được Quốc hội thông qua, có rất nhiều luồng ý kiến khác nhau xung quanh quy định bỏ hay giữ biên chế lâu dài đối với viên chức. Đến nay, câu trả lời đã rõ, chuyện “biên chế vĩnh viễn” đối với viên chức đã hoàn toàn bị loại bỏ, thay vào đó là hợp đồng làm việc có thời hạn.

Thí sinh dự thi viên chức ngành Giáo dục.

Không thể tuỳ tiện chấm dứt hợp đồng

Trước và ngay sau khi Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức được thông qua, có một câu hỏi được nhiều người đang làm việc theo chế độ hợp đồng có thời hạn đặt ra: tới đây, nhiều tỉnh, thành phố (trong đó có Tây Ninh) tổ chức tuyển dụng viên chức cho các cơ quan đơn vị công lập trên địa bàn tỉnh. Vậy, nếu thi đậu thì họ có thuộc diện viên chức biên chế chính thức, lâu dài hay là áp dụng theo quy định mới?

Câu hỏi này tưởng bình thường nhưng thật sự đây là vấn đề được nhiều thí sinh chuẩn bị dự thi viên chức quan tâm, vì nếu thi xong vẫn ký hợp đồng có thời hạn thì không cần phải thi. Trước hết, theo quy định, Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1.7.2020. Trong khi đó, kỳ thi tuyển dụng viên chức sẽ được tổ chức vào cuối năm 2019 hoặc đầu năm 2020.

Như vậy, một cách đơn giản nhất, có thể hiểu, thí sinh dự thi và trúng tuyển trong kỳ thi tuyển dụng sắp tới vẫn được áp dụng theo quy định hiện hành, vì luật mới thông qua chưa có hiệu lực. Như vậy, không thể có chuyện thí sinh dự thi viên chức và trúng tuyển nhưng sau đó vẫn phải ký hợp đồng có thời hạn như nhiều người băn khoăn.

Đối với những trường hợp dự thi viên chức và trúng tuyển sau ngày 1.7.2020 thì phải ký hợp đồng có thời hạn, vì lúc đó luật mới đã có hiệu lực thi hành. Tuy nhiên, so với luật hiện hành, luật sửa đổi, bổ sung vừa được Quốc hội thông qua có nhiều ưu điểm, có lợi hơn đối với người lao động có thời hạn trong đơn vị sự nghiệp công lập. Theo quy định hiện hành, hợp đồng có thời hạn đối với viên chức từ đủ 12 tháng đến 36 tháng (từ 1 - 3 năm) sẽ phải ký lại.

Nhưng theo quy định mới (áp dụng từ ngày 1.7.2020) thì thời hạn hợp đồng với viên chức sẽ kéo dài từ đủ 12 tháng đến 60 tháng. Như vậy, hợp đồng có thời hạn đối với viên chức đã được kéo dài thêm hai năm. Quy định này giúp viên chức ký hợp đồng lao động có thời hạn yên tâm công tác, vì thời gian tái ký hợp đồng được nâng lên gần gấp đôi so với hiện nay.

Một vấn đề quan trọng hàng đầu được đặt ra, nếu chuyển sang chế độ lao động có thời hạn (5 năm) thì liệu họ có nguy cơ bị chấm dứt hợp đồng một cách dễ dàng, tuỳ tiện hay không? Sau khi Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức được thông qua, lãnh đạo Bộ Nội vụ (qua trao đổi với báo chí) đã khẳng định, không thể có chuyện tuỳ tiện chấm dứt hợp đồng.

“Đổi mới cơ chế xác định và giao biên chế theo hướng quản lý, giám sát chặt chẽ biên chế của các đơn vị sự nghiệp công lập do ngân sách Nhà nước bảo đảm toàn bộ hoặc một phần chi thường xuyên; đẩy mạnh thí điểm việc thi tuyển và thực hiện thuê giám đốc điều hành tại các đơn vị sự nghiệp công lập.Thực hiện chế độ hợp đồng viên chức có thời hạn đối với những trường hợp tuyển dụng mới (trừ các đơn vị sự nghiệp công lập ở vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn). Không thực hiện chế độ công chức trong đơn vị sự nghiệp công lập (trừ các đơn vị phục vụ nhiệm vụ chính trị và phục vụ quản lý nhà nước). Thực hiện nghiêm việc đánh giá, phân loại viên chức hằng năm theo quy định hiện hành để đưa ra khỏi đội ngũ những người 2 năm liên tiếp không hoàn thành nhiệm vụ”.

(Trích Nghị quyết 19 năm 2017 của Trung ương Đảng về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng hiệu quả của các đơn vị sự nghiệp công lập)

“Luật cũng đã tiên liệu và bổ sung những quy định để tránh đến mức tối đa những bất lợi, giảm thiểu về thủ tục hành chính, hạn chế tối đa tiêu cực có thể xảy ra, trong đó tiếp thu những vấn đề mà đại biểu Quốc hội quan tâm như việc phải ký đi ký lại hợp đồng sẽ gây cho đội ngũ viên chức- nhất là đối tượng giáo viên, bác sĩ tâm lý không yên tâm làm việc, hay việc phát sinh thủ tục hành chính dễ xảy ra tiêu cực.

Trong luật cũng quy định rõ và bổ sung kèm với quy định ký kết hợp đồng xác định thời hạn là nếu đơn vị sự nghiệp còn có nhu cầu và viên chức đáp ứng đầy đủ các quy định của pháp luật, hoàn thành nhiệm vụ, thì đơn vị bắt buộc phải tiếp tục ký kết hợp đồng với chính viên chức đó chứ không được phép không tiếp tục ký kết để tuyển một người mới.

Luật có một điều khoản chuyển tiếp, đó là những người đã được tuyển dụng và đang thực hiện hợp đồng xác định thời hạn nhưng hợp đồng đó vắt qua thời điểm 1.7.2020 thì vẫn tiếp tục thực hiện hợp đồng đó cho đến khi kết thúc. Sau đó, nếu được đánh giá đủ tiêu chuẩn thì sẽ được ký hợp đồng không xác định thời hạn”- ông Nguyễn Tư Long- Phó Vụ trưởng Vụ Công chức viên chức thuộc Bộ Nội vụ trả lời báo chí. Như vậy, có thể thấy trước, tuy là hợp đồng có thời hạn nhưng chuyện tuỳ tiện, tự ý chấm dứt hợp đồng lao động khó có thể diễn ra.

Mất biên chế nếu chuyển về vùng nội địa ?

Theo luật mới, ngoài hai nhóm đối tượng gồm công chức chuyển thành viên chức, viên chức được tuyển dụng trước ngày 1.7.2020 thì những viên chức làm việc ở vùng sâu vùng xa sẽ được ở trong biên chế, tức hợp đồng không thời hạn. Hai nhóm đối tượng này đã được minh định cụ thể, không có gì phải bàn cãi.

Tuy nhiên, nhóm đối tượng thứ ba- những viên chức được bố trí ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn thì không phải không có cái để bàn. Như gần đây đã đề cập, theo quy định của luật mới, viên chức công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn được ưu tiên ký hợp đồng không thời hạn, nói nôm na là “trong biên chế”.

Quy định này được nhìn nhận là đúng đắn, hợp lý, vì nếu áp dụng hợp đồng có thời hạn thì những cơ quan, đơn vị sự nghiệp công lập ở vùng sâu vùng xa, miền núi, rẻo cao, hải đảo sẽ khó thu hút được người đến làm việc. Tuy vậy, quy định này không phải không có những vấn đề cần được đặt ra ngay từ lúc này.

Trước hết, nếu một viên chức đang làm ở vùng khó khăn (thuộc diện hợp đồng không thời hạn) nhưng vì một lý do nào đó, được điều động đến công tác ở một nơi khác không thuộc vùng khó khăn thì chế độ làm việc như thế nào? Hoặc trường hợp viên chức có nguyện vọng xin về công tác ở vùng nội địa cho gần gia đình, vậy có phải chuyển sang hợp đồng lao động có thời hạn hay không? Nêu điều này không thừa, vì trong luật không thấy đề cập đến.

Mặt khác, sau khi luật có hiệu lực, theo trình tự, Chính phủ, bộ, ban, ngành liên quan sẽ ban hành nghị định, thông tư hướng dẫn triển khai luật. Vẫn liên quan đến vùng sâu vùng xa, có một điều tưởng như đơn giản nhưng lại khá rắc rối, đó là câu chuyện về xã đặc biệt khó khăn. Cách nay đã lâu, Báo Tây Ninh có đề cập vấn đề này và cho đến nay, việc xác định thế nào xã đặc biệt khó khăn vẫn còn những cách hiểu khác nhau.

Việt Đông

“Công tác cán bộ còn nhiều hạn chế, bất cập, việc thực hiện một số nội dung còn hình thức. Đánh giá cán bộ vẫn là khâu yếu, chưa phản ánh đúng thực chất, chưa gắn với kết quả, sản phẩm cụ thể, không ít trường hợp còn cảm tính, nể nang, dễ dãi hoặc định kiến…

Tình trạng bổ nhiệm cán bộ không đủ tiêu chuẩn, điều kiện, trong đó có cả người nhà, người thân, họ hàng, “cánh hẩu” xảy ra ở một số nơi, gây bức xúc trong dư luận xã hội. Công tác tuyển dụng, thi nâng ngạch công chức, viên chức còn nhiều hạn chế, chất lượng chưa cao, chưa đồng đều, có nơi còn xảy ra sai phạm, tiêu cực.

Nghiên cứu thực hiện cơ chế, chính sách liên thông, bình đẳng, nhất quán trong hệ thống chính trị; liên thông giữa cán bộ, công chức cấp xã với cán bộ, công chức nói chung, giữa nguồn nhân lực ở khu vực công và khu vực tư; có cơ chế cạnh tranh vị trí việc làm để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và tiến tới bỏ chế độ biên chế suốt đời”.

(Trích Nghị quyết 26 của Trung ương Đảng năm 2018 về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực và uy tín ngang tầm nhiệm vụ)
Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh