Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Đây là một trong những quy định trong dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự năm 2015 đang còn gây tranh cãi.
Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng Ngô Thị Minh ủng hộ quan điểm thu hẹp phạm vi chịu trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội là trẻ em - Ảnh: Cổng TTQH
Dự án luật này đã được Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách dành cả ngày 3-4 để thảo luận.
Vẫn là trẻ em
Trình bày một số vấn đề còn ý kiến khác nhau trong dự luật, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cho biết một trong số đó là “về phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi đối với tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác, tội hiếp dâm và tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản”.
Bà Nga cho biết: “Đa số ý kiến đề nghị giữ nguyên quy định của pháp luật hiện hành, theo đó người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự về tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác; tội hiếp dâm và tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản (kể cả trường hợp phạm tội thuộc loại tội ít nghiêm trọng hoặc tội nghiêm trọng)”.
“Trong khi đó, một số ý kiến tán thành với quy định của dự thảo Luật do Chính phủ trình là không xử lý hình sự đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phạm tội thuộc loại tội ít nghiêm trọng, tội nghiêm trọng” - bà Nga nói.
Vẫn theo Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp, “trong quá trình xây dựng, chỉnh lý dự thảo Luật, Chính phủ, TAND tối cao, VKSND tối cao, Ủy ban Tư pháp, Ủy ban văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng, Bộ Giáo dục và đào tạo, Trung ương Đoàn và Trung ương Hội liên hiệp phụ nữ VN lại cho rằng, việc xử lý hình sự người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi về cả tội phạm ít nghiêm trọng và tội phạm nghiêm trọng đối với ba tội danh nêu trên là quá nặng”.
Nếu quy định như vậy thì “chưa nhất quán về chính sách hình sự của BLHS năm 2015 (thu hẹp phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi), đồng thời chưa phù hợp nguyên tắc những lợi ích tốt nhất của trẻ em phải là mối quan tâm hàng đầu đã được ghi nhận trong Công ước quốc tế về quyền trẻ em mà VN là thành viên.
Việc sớm đưa các em vào vòng tố tụng không phải là phương án tốt nhất để giáo dục các em trở thành người tốt cho xã hội”.
“Trường hợp người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phạm tội thuộc loại tội ít nghiêm trọng và tội nghiêm trọng thì áp dụng các biện pháp giáo dục tại nhà trường, xã, phường, thị trấn; hòa giải tại cộng đồng; khiển trách; xử lý hành chính… là phù hợp, đủ sức răn đe và tạo môi trường thuận lợi hơn cho các em phát triển lành mạnh” - bà Nga phân tích.
“Hiếp dâm mà bỏ xử lý hình sự là không đúng”
Đồng tình với phương án này, phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng Ngô Thị Minh cho rằng cần quan tâm thứ nhất là đến công ước quốc tế. Thứ hai là tính khả thi của dự luật.
Bà Minh lập luận: “Tôi thấy các tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe cho người khác nhưng ít nghiêm trọng thì hiện nay đang diễn ra ở nhiều nơi, trong đó có tình trạng bạo lực học đường mỗi năm không dưới 2.000 vụ. Nguyên nhân là từ công tác giáo dục của chúng ta còn nhiều vấn đề đáng bàn, rồi công tác quản lý mạng internet… ảnh hưởng đến hành vi các em”.
“Nếu chúng ta đưa vào hình sự hóa hết thì có nên không. Hay là với tội hiếp dâm nhưng ít nghiêm trọng, tôi muốn đề cập đến tình trạng các em chưa nhận thức đầy đủ, đặc biệt là vùng sâu vùng xa, nơi việc tảo hôn vẫn xảy ra khá phổ biến”.
Không đồng tình, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) lên tiếng: “Trường hợp cố ý gây thương tích trong tình trạng sử dụng chất kích thích rồi gây chuyện, gây thương tích nặng cho người khác mà không xử thì không được. Hay với tội hiếp dâm, tự nó muốn nó làm, nó thực hiện hành vi như vậy mà bỏ xử lý hình sự thì không đúng”.
“Các đồng chí nói là tuổi này chưa đủ nhận thức hành vi, tôi thì cho rằng nó hiếp dâm là hành vi đồi bại như vậy mà nói không đủ nhận thức thì sao được. Hai tội này ảnh hưởng đến người bị xâm hại rất lớn. Nếu gây ra hậu quả lớn thì phải xử phạt tù chứ không thể không phạt được” - ông Hòa nói.
Nguồn TTO