Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
HIỆP BÌNH:
Đường đã rộng thênh thang
Thứ ba: 18:33 ngày 16/04/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - “Trước đây, vì đường xấu, nhiều hộ dân đã bán nhà, rời bỏ ấp để tìm nơi ở mới, nay, hơn 120 hộ của ấp Hiệp Bình đã có thể yên tâm định cư”- ông Trương Văn Trai, trưởng ấp Hiệp Bình nhìn nhận.

Tuyến đường mới ở ấp Hiệp Bình.

Tháng 9.2016, Báo Tây Ninh có bài viết với tựa đề “Con đường đau khổ ở một xã vùng biên”, ghi nhận phản ánh của người dân hai ấp Hiệp Thành và Hiệp Bình thuộc xã Hoà Thạnh, huyện Châu Thành về tình trạng xuống cấp ở hương lộ 13 (còn gọi đường Tà Nông). Con đường dài chừng 7 cây số quá xấu đã ảnh hưởng đến việc sản xuất, đi lại, học hành của người dân.

 

Tại thời điểm đó, người dân sinh sống ở hai ấp Hiệp Thành, Hiệp Bình cho biết,  mùa thu hoạch, việc vận chuyển nông sản của bà con nông dân rất vất vả và tốn kém. Thương lái vào ấp mua các loại nông sản thường lấy cớ đường khó đi, xe hao tốn nhiều nhiên liệu… để ép nông dân hạ giá bán. Nông sản ở đây chất lượng cũng như những nơi khác, nhưng giá bán thường thấp hơn chỉ vì đường khó đi. Một số hộ do “chịu không thấu” đã chuyển đi nơi khác sinh sống.

Giao thông bất tiện không chỉ ảnh hưởng đến sản xuất mà còn kéo theo nhiều vấn đề khác. Trước hết là chuyện học hành của con em cả hai ấp. Hằng ngày, các em học sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông phải đạp xe vượt qua quãng đường chỗ lầy lội, chỗ bụi bặm dài khoảng 7 cây số mới ra đến đường nhựa. Từ đây, các em đi tiếp chừng 3 cây số nữa mới đến được Trường THCS Hoà Thạnh hoặc Trường THPT Lê Hồng Phong…

Do đường quá xấu, trước thời điểm Báo Tây Ninh đăng bài viết, UBND huyện Châu Thành có văn bản gửi HĐND, UBND tỉnh và các sở, ngành liên quan đề nghị triển khai xây dựng đường Tà Nông, ấp Hiệp Bình, xã Hoà Thạnh. Văn bản có nêu: “Đường Tà Nông, ấp Hiệp Bình, xã Hoà Thạnh, huyện Châu Thành (đường vào cột mốc quốc gia 147 - 148) nằm trong hệ thống các đường biên mậu, UBND tỉnh giao Sở Giao thông - Vận tải làm chủ đầu tư.

Tuyến đường độc đạo này đã xuống cấp, hư hỏng nghiêm trọng, không thể bảo đảm giao thông được. Tại các đợt tiếp xúc cử tri hai xã Hoà Thạnh và Thành Long, cử tri kiến nghị ngành chức năng sớm nâng cấp sửa chữa để bảo đảm cho công tác an ninh biên giới, đồng thời nhân dân đi lại được thuận lợi. UBND huyện Châu Thành kiến nghị HĐND, UBND tỉnh, Sở Giao thông - Vận tải, Sở Kế hoạch và Đầu tư sớm triển khai xây dựng tuyến đường nói trên”.

“Sau nhiều năm chờ đợi, tháng 11.2017, Nhà nước đã đầu tư làm con đường hoàn toàn mới với tổng chiều dài 6,7km, mặt đường rộng chừng 10 thước, rộng hơn cả đường lớn ngoài xã”- ông Trương Văn Trai, trưởng ấp Hiệp Bình thông tin. Ông Trai kể, con đường được hình thành sau một năm thi công (tháng 11.2017 - 12.2018). Cây cầu nối liền ấp Hiệp Thành với Hiệp Bình cũng được nâng cấp. Tuyến đường mới được lắp đặt 11 cái cống thoát nước cùng hệ thống biển báo giao thông.

Sau khi tuyến đường hoàn thành, không chỉ người dân hai ấp có con đường đi qua mà người dân toàn xã, kể cả người dân nước láng giềng Campuchia cũng bày tỏ sự phấn khởi. Ông Trai nói: “Hơn hai mươi năm kể từ ngày thành lập ấp, người dân nơi đây chưa khi nào dám hình dung cái ấp sát biên giới này lại có đường nhựa. Với việc có con đường mới, hạ tầng cơ sở của ấp coi như đã hoàn chỉnh, vì ngoài con đường mới  còn có điện, trường học, trạm cấp nước sạch” .

Từ khi con đường được làm xong, giao thông trở nên thuận lợi hơn rất nhiều, các hoạt động mua bán, vận chuyển nông sản không còn trắc trở, gian khổ như trước. Không chỉ phục vụ cho nhu cầu phát triển sản xuất và các hoạt động kinh tế khác, mà còn giúp cho việc học hành của học sinh, đi lại của giáo viên thuận tiện, an toàn hơn nhiều so với trước. “Trước đây, vì đường xấu, nhiều hộ dân đã bán nhà, rời bỏ ấp để tìm nơi ở mới, nay, hơn 120 hộ của ấp Hiệp Bình đã có thể yên tâm định cư”- ông Trai nhìn nhận.

Chị Hồng, một tiểu thương buôn bán nhỏ lẻ ở chợ Hiệp Bình cho biết, trước đây, để chở được một chuyến hàng về bán là cả một vấn đề, nơi cung cấp cũng không muốn chở hàng vào đây. Nay, nhờ có đường mới, những ngươi buôn bán ở đây hoặc trực tiếp đi lấy hàng hoặc chỉ cần gọi điện là có ô tô chở lên tận nơi. “Hồi xưa đi đường khổ lắm, nay tốt hơn nhiều”- chị Hồng phấn khởi.

VIỆT ĐÔNG

Tin cùng chuyên mục