Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Đường lên Rã Miệt, Tà Nông
Thứ năm: 14:29 ngày 25/07/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Qua chốt dân quân, ngó ngang thấy cả một giàn mướp trổ đầy hoa. Mấy con bò vàng nhẩn nhơ gặp cỏ non. Bức tranh thuỷ mặc này nâng bước chân ta qua miền đất Tà Nông, Hoà Thạnh.

Cuối tháng 6.2024, tôi lại có chuyến đi lên Hoà Thạnh- một xã biên giới huyện Châu Thành. Trước khi đi, lật lại vài trang viết của nhà văn Nguyễn Đức Thiện, ông viết khoảng năm 2004. Bài viết dạng bút ký ấy kể chuyện Tà Bình chính là ông Hai Bình, Bí thư xã Hoà Thạnh ít nhất đã 2 lần.

Ông đã từng lên Phó Chủ tịch huyện, sau lại xin về làm Bí thư xã, nơi ông đã từng làm Bí thư được nhân dân người Khmer tín nhiệm gọi là Tà Bình. Các bạn biết rồi đấy, ông Tà là thần trong tín ngưỡng người Khmer Nam bộ.

Đọc xong, thì nhớ nhất câu ca dao Tà Bình đã đọc cho tác giả. Kể về quê hương một thời gian khó. Đấy là: “Muốn ong đốt thì về đường Hoà Hợp/ Muốn trẹo chân quẹo đường Hiệp Thành/ Qua Hiệp Phước xe gãy phuộc, tráng vành/ Lội đường bùn Cây Ổi thì đen nhanh cặp giò”.

Bên kia là nước  bạn.

Nhớ lần lên đây bốn năm trước. Già làng Un Miệt đã dẫn tôi đi xem vài công trình trong xã. Như con đường từ Hiệp Phước lên Hoà Hợp đang thi công. Hay cầu Bến Cây Ổi mới hợp long năm trước. Đường từ xã ra cầu bê tông nhựa êm mát bánh xe lăn.

Các tuyến đường khác như đường trục lên xã Biên Giới, hay về Hoà Hội, Phước Tân cũng đều đã lên đời, phẳng mịn thênh thang. Chỉ còn đường qua chợ Tà Nông là chưa tới được. Vậy thì bữa nay lên theo đường Tuần tra biên giới từ cửa khẩu Phước Tân thẳng tới Tà Nông.

Thật ra, địa danh Tà Nông đã không còn trên các văn bản chính thức của huyện, xã. Nhưng người dân Hoà Thạnh vẫn chưa mấy ai quên được Tà Nông. Ai cũng nhớ chợ Hiệp Bình nay chính là chợ Tà Nông ngày trước.

Và sách “Truyền thống cách mạng xã Hoà Thạnh, Anh hùng LLVT nhân dân” (2017) cũng chỉ có một đoạn duy nhất nhắc về ngôi chợ này. Đấy là: “Vào khoảng 10 giờ trưa một ngày tháng 6 năm 1973, phát hiện 6 tàu thuyền của bà con ta xuôi từ Lò Gò xuống chợ Tà Nông, xã Hoà Thạnh, địch cho máy bay ném 8 quả bom, làm chết 49 người và làm bị thương 91 người, một tội ác cực kỳ dã man tàn bạo”.

Tháng 6.1973, ấy là lúc đã có Hiệp định Paris, chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam. Vậy mà đau thương do bom đạn giặc vẫn tràn lên đất đai Hoà Thạnh. Hỏi những năm kháng chiến chống Pháp rồi chống Mỹ, Hoà Thạnh còn tổn thất đau thương đến mức nào? Hèn chi mà mấy lần qua đây cùng với “Tà Bình” hoặc lớp cán bộ kế cận ông, thì ai nấy đều tần ngần dừng bước. Ai cũng có một nguyện vọng lập một bia tưởng niệm, hoặc đền thờ để tưởng nhớ đến những người dân đã mất. Mà vẫn chưa làm được. Vậy thôi!

Đến chuyến đi này thì tôi mới biết, địa danh Tà Nông vẫn còn đây, ngay ở trên đường. Từ Cửa khẩu Phước Tân, có con đường Tuần tra biên giới rẽ sang Hoà Thạnh. Một cột cây số ghi: Cửa khẩu Phước Tân 2 km. Mặt kia:- Đường Tà Nông, 6 km.

Vậy là chỉ 8 km thôi, là ta đã tới đường Tà Nông qua ấp Hiệp Bình. Đường mới làm có vài năm, mặt đường đá nhựa thấm nhập, nhưng phẳng phiu đủ cho các loại xe lăn bánh dễ dàng. Và từng đoạn đã có hai hàng keo, tràm rủ đầy bóng mát.

Nhưng thích nhất lại là đoạn đường đang đợi ta phía trước. Đấy là đường qua chốt dân quân thường trực ấp Bố Lớn, xã Hoà Hội, đối diện chốt có cụm dân cư liền kề. Những ngôi nhà giống nhau như đúc. Có một nhà đã kịp làm thêm mái hiên rộng dài che được cả vuông sân xi măng phía trước. Con đường vòng qua trạm đẹp đến không tưởng, bởi nó trườn qua một không gian thông thoáng bao la chỉ có mây trời xa tắp.

Và hai bên mới là rẫy mì xanh biếc, chỗ lại rừng cây chồi, ruộng lúa, vườn cao su xen nhau đủ sắc độ: thẫm xanh, màu non tươi lá mạ hoặc hoe vàng… Những đoạn đường cong vắt, cao hơn mặt đất nhiều đã được đặt “hộ lan” nhôm thép sáng ngời vẽ những đường cong kỳ ảo ngay trên mặt đất.

Qua chốt dân quân, ngó ngang thấy cả một giàn mướp trổ đầy hoa. Mấy con bò vàng nhẩn nhơ gặp cỏ non. Bức tranh thuỷ mặc này nâng bước chân ta qua miền đất Tà Nông, Hoà Thạnh.

Nhà Khmer ấp Hiệp Thành.

Chỉ vài trăm mét qua Bố Lớn, là đã tới đất Hoà Hợp, Hoà Thạnh rồi đây. Lại nhớ câu thơ ngày chưa xa lắm: “Muốn ong đốt thì về Hoà Hợp”. Ong ở đâu mà đốt nữa bây giờ, khi con đường đẹp như mơ trườn qua một miền trống trải hoang hoải gió. Cũng còn vài bụi cây chồi lúp xúp ven đường. Còn lại là bãi cỏ, đồng xanh và cả mía. Có phải mía của Thành Thành Công đã len lỏi tới đây không? Nhìn về bên trái, thấy xa xa là những rẫy mì tốt um. Và sau đấy, hậu cảnh là bạt ngàn cây thốt nốt. Đất bạn đã ở bên kia, thấp thoáng những nhà sàn, những mái đỏ mái xanh dưới tàn cây. Có cả những mái chùa Khmer đặc trưng với những mái chồng diêm hình ngọn tháp…

Đường Tà Nông đưa ta xuyên qua ấp Hiệp Thành, nơi có những mái nhà truyền thống của người Khmer Hoà Thạnh đẹp như tranh. Nhà còn đẹp hơn ở ấp Hiệp Phước có nhiều hộ dân Khmer sinh sống hơn. Và cũng chưa bị “tập quán” leo ra sát mặt tiền đường. Muốn vào phải quẹo theo ngõ nhỏ. Những ngõ ấy nay không chỉ có cây thốt nốt. Gió xạc xào luồn qua những rặng dừa, vườn chuối sum suê. Và còn điểm trang thêm những cụm hoa vàng.

Vậy là đường Tà Nông đã có! Còn một địa danh nữa tôi muốn tìm trong chuyến đi này là Praha Miệt- tên làng của Hoà Thạnh những ngày xưa. Sách truyền thống cách mạng xã (đã dẫn) quên không nhắc nữa. Nhưng lớp người cao tuổi ở quanh vùng vẫn nhớ. Chuyến đi 4 năm trước, gặp bác xe ôm ở chợ xã Biên Giới, thấy bác nhắc tới tên cầu Rã Miệt.

Chắc là cái tên cầu này có xuất xứ từ tên làng Praha Miệt có từ thời Pháp thuộc. Sách Từ điển địa danh hành chính Nam bộ (2008) có mục từ Khán Xuyên (trang 505). Nội dung là “Tổng thuộc hạt tham biện Tây Ninh từ 16.8.1877 trên phần đất hữu ngạn sông Vàm Cỏ gồm các làng mới lập cùng ngày…”. Trong 6 làng được ghi tên, có tên Đây Xoài Praha Miệt. Đến năm 1956 thì “thuộc quận Châu Thành, tỉnh Tây Ninh với 5 xã: Phum Xoài, Ta pang Robon, Praha Miệt, Đây Xoài, Tà Nốt…”.

Đây Xoài là xã Biên Giới ngày nay. Còn Praha Miệt chính là xã Hoà Thạnh. Có thể khi mới lập năm 1877, Biên Giới và Hoà Thạnh là cùng một xã, nên mới có tên chung là Đây Xoài Praha Miệt. Lần này, gặp thêm vài nhân chứng đáng tin. Các bác đều chỉ cho cầu Rã Miệt chính là cầu Hoà Bình hiện nay bắc qua kênh Sóc Hoà Hội, trên đường về Hoà Hội. Đồng bưng ở đây cũng được gọi là bưng Rã Miệt.

Đường Tuần tra biên giới Phước Tân - Tà Nông.

Đọc mục từ Châu Thành (trang 300), ta còn biết thêm rằng đến năm 1958, chính quyền Sài Gòn đổi tên xã Praha Miệt là xã Phước Lợi thuộc tổng Lộc An, đến năm 1959 thuộc quận Phước Ninh… Do vậy mà không thể viết như sách Truyền thống xã (đã dẫn). Rằng: “Trong suốt thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, xã Hoà Thạnh do địa giới hành chính liền kề với xã Hoà Hội nên chính quyền của địch lúc bấy giờ đã sáp nhập Hoà Thạnh chung vào Hoà Hội…”.

Trên thực tế, Hoà Hội luôn ở khác tổng với Hoà Thạnh. Như thời Pháp, Hoà Hội thuộc tổng Hoà Ninh, Hoà Thạnh (Parha Miệt) thuộc tổng Khán Xuyên. Đến năm 1959, Hoà Hội thuộc tổng Phước Hưng, còn Hoà Thạnh (Phước Lợi) thuộc tổng Lộc An. Do vậy, nếu sách được tái bản rất mong sẽ được nghiên cứu kỹ càng hơn về một vùng đất từng có lịch sử lâu đời trên vùng biên giới Tây Nam.

Trần Vũ

Tin cùng chuyên mục