Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Dương Minh Châu có những miền đất được hai nhà văn Vân An và Nguyễn Đức Thiện chọn làm nền móng cho tác phẩm. Hai tác giả đều viết về Đội du kích thiếu nhi Cầu Khởi. Nếu Vân An có “Người bạn nhỏ của trung tá Thomson” thì Nguyễn Đức Thiện có “Bầy trẻ làng Cầu”.
Các tác phẩm viết về Dương Minh Châu.
Trong tác phẩm “Người bạn nhỏ của trung tá Thomson” mà bản thảo đầu tiên mang tên “Anh du kích nhỏ tuyệt vời”, tại chương 10, nhà văn Vân An có kể lại: “Bộ phim tài liệu Những người nhắc lại để mà nhớ của Đài PT-TH Tây Ninh do Nguyễn Đức Thiện làm, nhằm giới thiệu chiến tích của Đội du kích thiếu niên Cầu Khởi mà nhiều người chưa biết. Chiếu trên làn sóng truyền hình, bộ phim đã gây được dư luận tốt, được lãnh đạo quan tâm và chủ trương cho thực hiện chính sách, chế độ cho đến lúc đó vẫn chưa làm tốt đối với từng đội viên. Điều đặc biệt nhất là tỉnh đã tổ chức đưa cả đoàn đi Hà Nội viếng Bác…”. Chấm hết trang này, nhà văn đề ngày 22.9.1996.
Cảm xúc từ bộ phim khơi gợi đã khiến nhà văn Vân An hoàn thành tiểu thuyết mang tên “Anh du kích nhỏ tuyệt vời”. Có thể, đây cũng là tác phẩm văn học đầu tiên viết về con người và vùng đất Dương Minh Châu, huyện căn cứ địa đầu tiên trên địa bàn tỉnh Tây Ninh được Xứ uỷ Nam bộ khai sinh từ tháng 5.1951. Sinh thời, nhà văn Nguyễn Đức Thiện có đến vài ba tập truyện ngắn, nhiều truyện trong đó viết về Dương Minh Châu. Anh lại còn “thâm canh” để sau đó viết thêm vài tiểu thuyết. Sau anh là Nguyễn Khắc Luân, Phước Hội, Trương Thứ Bảy, Giang Sơn. Họ đều có những trang văn sống động, thấm tháp tình người, tình đất quê mình- vùng đất phía Đông của tỉnh Tây Ninh, trải ra trên suốt chiều dài hơn 60 năm chiến đấu và dựng xây đất nước. Nguyễn Đức Thiện, Nguyễn Khắc Luân và Phước Hội đều được trao tặng giải thưởng văn học nghệ thuật Xuân Hồng của tỉnh- giai đoạn 2011-2016.
Dương Minh Châu có những miền đất được hai nhà văn Vân An và Nguyễn Đức Thiện chọn làm nền móng cho tác phẩm. Như Cầu Khởi, một xã nằm dọc theo đường 19-26 xưa, nay là đường 784. Những năm xưa, đây chính là trục đường để các sắc lính ngoại xâm tung quân đánh phá, làm bàn đạp tấn công vào căn cứ địa kháng chiến; nhằm chặt đứt hành lang nối chiến khu với vùng đô thị Sài Gòn. Hai tác giả đều viết về Đội du kích thiếu nhi Cầu Khởi. Nếu Vân An có “Người bạn nhỏ của trung tá Thomson” thì Nguyễn Đức Thiện có “Bầy trẻ làng Cầu”.
Có lẽ ai đó sẽ phân vân: liệu hai tác phẩm này có trùng lặp gì không khi hai nhà văn cùng viết về một làng quê Dương Minh Châu, cùng một đội du kích thiếu niên với các thành tích đã được xác nhận và đã lên phim ảnh. Bạn có thể yên tâm! Vì mỗi tác giả khai thác chiều sâu các hình tượng văn học của mình một cách khác nhau. Cho nên, dẫu đọc cuốn sách này rồi, thì vẫn thấy ở cuốn kia những khám phá lạ lùng, hoặc những chiều kích của chiến công, của tâm hồn người cao rộng.
Nhà văn Vân An, với tư cách một người làm báo lâu năm, nên tiểu thuyết của ông hấp dẫn bởi tính chất ký sự, xen lẫn với bố cục thành nhiều chương hồi trong tiểu thuyết. Ông cũng không né tránh những chi tiết vấn đề gai góc trong thực tế của cuộc chiến đấu. Đấy là những tổn thất người dân lành phải gánh chịu kiểu “tên bay đạn lạc” đôi khi vẫn xảy ra; hoặc sự thân tình giữa các nhân vật bên ta và bên địch.
Tại chương 7: “Một lần đau khổ vì thất bại. Tôi về tôi phải lập bàn thờ để thờ”, có cả chuyện mìn do du kích thiếu niên gài (để diệt xe tăng Mỹ) đã làm nổ tung cả xe chở củi, gỗ của dân. Một lần khác sau đó, đội trưởng Hùng kiên quyết ngồi lên trái mìn vừa gài, không cho xe dân lăn bánh đi qua để bảo vệ dân. Rút cuộc trái mìn ấy đã nổ banh xác xe Mỹ ngay trước mắt những người dân vừa thoát chết.
Ông thầu gỗ chủ xe lúc ấy chỉ biết kêu trời và khóc oà lên: “Trời ơi là trời! Tôi về tôi phải lập bàn thờ để thờ sống ông Việt Cộng con này mới được! Trời ơi, tôi đã không mất mạng và tài sản là nhờ có ông nhỏ này đây. Sao mà Cụ Hồ lại dạy được cả con nít cũng biết lo cho dân như vậy?”.
Những đoạn văn như thế có thể làm người ta phát khóc!
Để làm nên sự thành công của “Người bạn nhỏ của trung tá Thomson”, điều chủ yếu có lẽ là tác giả đã xâu chuỗi các chương hồi theo một đường dây lớp lang, cấu trúc, chủ đề… tạo nên không khí truyện nhất quán và có sức gợi mở với người đọc.
Toàn bộ câu chuyện chủ yếu vẫn là cuộc đời các đội viên du kích thiếu nhi, vừa ham chơi vừa tràn đầy lòng háo hức được tham gia đánh giặc ngay trên quê nhà, bên những người thân thuộc. Tình tiết truyện có thể còn ít hư cấu, thiếu những chi tiết ly kỳ nhưng vẫn cuốn hút người đọc.
Và, điều mới mẻ nhất so với các tác phẩm chiến tranh trước đó vẫn là tình cảm nảy sinh giữa các cô cậu bé với những người lính Mỹ. Tự nhiên thôi! Vì dẫu đứng ở bên nào thì họ vẫn là người. Vì vậy, trong chương 9, người đánh giặc là Hùng vẫn được trung tá Thomson phía giặc cứu chữa, dù ông ta biết anh là du kích. Thậm chí họ còn hẹn gặp nhau một ngày hết chiến tranh, tại Boston hay Hà Nội. Thomson còn phải thốt lên: “Ôi, anh du kích nhỏ tuyệt vời!”
Với Nguyễn Đức Thiện, anh đã mở rộng biên độ tiểu thuyết về Đội thiếu nhi Cầu Khởi trong “Bầy trẻ làng Cầu” (Nxb Kim Đồng, 2002). Nhân vật đã được hư cấu và điển hình hoá, trở thành các hình tượng nghệ thuật điển hình, đặc sắc. Đấy là Dọt, Kiếm, Vệ, Gái và nhiều đội viên du kích khác. Đấy là ông Ba Láng- nhân vật chính rất sắc nét đã từng xuất hiện trong một truyện ngắn trước đó của anh. Đấy cũng là ông giáo Năm, tuy chỉ thấp thoáng bóng hình nhưng vẫn biểu hiện cho một người lãnh đạo.
Những trận đánh ở đây cũng phong phú, ly kỳ hơn, có pha chút màu sắc tinh nghịch trẻ con khiến người đọc tò mò thích thú, lần giở tiếp từng trang sách. Như ngoài việc gài mìn, du kích thiếu niên còn đánh giặc bằng ong vò vẽ, thậm chí quấy rối địch bằng con gà chết… Ngay cái mả Tây của làng Cầu trong truyện của anh, nơi giấu vũ khí của ông Ba Láng cũng trở nên cuốn hút nhờ tính hư hư, thực thực… Và nhờ thế mà cả một chiến dịch giải toả để xây đồn của Quận trưởng Phú Khương cũng bị bẻ gãy hoàn toàn.
Đồng quê Dương Minh Châu.
Nhưng với Nguyễn Đức Thiện, tác phẩm thành công nhất của anh viết về Dương Minh Châu có lẽ là tiểu thuyết “Trước lúc làng chìm” (NXB Văn Học 2005). Đấy là một đại cảnh quan về công cuộc xây dựng lòng hồ Dầu Tiếng ở Dương Minh Châu, được hoàn thành vào thời điểm 10 năm sau ngày đất nước thống nhất.
Mà những năm ấy, Tây Ninh còn phải gồng mình lên để bảo vệ biên cương và giúp cách mạng Campuchia đánh đổ Khmer đỏ. Không chỉ đơn giản là xây dựng nên cả một kỳ quan của thời đại, mà đó còn là cuộc đấu tranh gay gắt giữa những tư duy cũ, mới; đấu tranh với những tàn dư chế độ cũ, với đói nghèo. Các nhân vật của tiểu thuyết này thật tính cách và gai góc.
Như ông Ba Thiệt- Bí thư Huyện uỷ Cái Bưng và cô Út- Chủ tịch huyện. Như ông thầy bói mù Ba Thắng- người cán bộ kháng chiến trung kiên đã giấu đi thân phận sau khi bị mù “cho khỏi bận lòng tổ chức”. Cái xóm làng Ba Thắng tìm đến ở cùng với vợ chồng Hai Cu sau ngày giải phóng, lại chính là cái làng sắp chìm xuống đáy hồ. Biết bao chuyện đời, chuyện người đã diễn ra trước lúc làng chìm ấy; cả mối tình từ chiến tranh giữa cô Út Chủ tịch với anh Dũng kỹ sư của công trình thuỷ lợi vĩ đại. Những trường đoạn hay tiểu cảnh mô tả về họ đều có thể khiến ta xúc động nghẹn ngào. Bởi những hy sinh lớn lao, những tình cảm lớn lao họ dành cho nhau. Tất cả những câu chuyện ấy đều diễn ra trong bối cảnh không gian là vùng đất Dương Minh Châu.
Để khép lại bài viết này, xin trích một đoạn cuộc nói chuyện giữa ông thầy bói mù Ba Thắng và Bí thư Ba Thiệt: “Về đến đây ở, thế quái nào lại gần cái miễu của ông ăn mày. Vinh quy về đất Tổ phải không, Ba Thiệt?... Ba Thiệt rơi nước mắt nghe tâm sự của người bạn cũ. Trời đất ơi, con người ta sao lại có những mong ước bé nhỏ đến thế thôi ư. Ngày xưa, con người này không chạy theo ông, không níu ông lại, làm gì có ông hôm nay. Vậy mà có lúc ông còn muốn nhiều hơn thế nữa. Đời khốn nạn thực, tham lam thực…”.
TRẦN VŨ