PC vị trí 1 - Tuyên truyền - Đầu trang
PC vị trí 1 - Tuyên truyền - Đầu trang
Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Đường Phước Hậu- Lộc Khê: Sắp được thảm bê tông nhựa
Thứ năm: 21:51 ngày 19/09/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Thời gian qua, đường Phước Hậu- Lộc Khê, thuộc khu phố Phước Hiệp, phường Gia Bình, thị xã Trảng Bàng bị xuống cấp nghiêm trọng, gây khó khăn cho việc đi lại.

Nhiều xe ô tô tải, xe máy cày lưu thông trên đường.

Theo ghi nhận của phóng viên, trưa 16.9, trên đường Phước Hậu- Lộc Khê có một đoạn dài khoảng 50 mét bị xuống cấp, mặt đường có nhiều “ổ gà”, “ổ voi”, ngập nước. Có nơi, vũng nước rộng chiếm gần hết chiều ngang mặt đường. Một vài chỗ trũng sâu, người dân địa phương phải đặt rổ nhựa, gạch ống để cảnh báo. Nhiều nơi khác, mặt đường bong tróc hết lớp nhựa, để lộ lên lớp đá 4 x 6 trông rất nguy hiểm.

Đọan đường này là đường ngắn nhất, nối liền từ Quốc lộ 22B với trục đường 782- 784, dẫn đến các điểm du lịch như Khu du lịch quốc gia Núi Bà Đen, Tòa Thánh Cao Đài Tây Ninh, công trình thủy nông nhân tạo lớn nhất miền Nam - hồ Dầu Tiếng v.v… Vì vậy, hằng ngày có rất nhiều phương tiện giao thông từ các tỉnh miền Tây di chuyển trên con đường này để đưa du khách đến Tây Ninh.

Vì trên mặt đường có những vũng nước sâu nguy hiểm, không ít tài xế điều khiển phương tiện lấn sang phần đường của các xe lưu thông ngược chiều hoặc di chuyển sát vào cổng nhà người dân địa phương. Những tình huống giao thông nêu trên tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông.

Đường Phước Hậu- Lộc Khê bị xuống cấp nghiêm trọng, gây khó khăn cho việc đi lại.

Bà Nguyễn Thị Hiếu- buôn bán trái cây bên đường cho hay, đoạn đường này thường xuyên được giặm vá, nhưng sau đó lại nhanh chóng bị bong tróc, sụp lún. “Tôi mong ngành chức năng sớm sửa chữa đoạn đường này một cách bền chắc để người dân kinh doanh buôn bán thuận lợi, bảo đảm vệ sinh môi trường, an toàn cho người và phương tiện lưu thông trên đường”, người dân này bày tỏ.

Ông Đỗ Văn Út, cư ngụ gần đoạn đường xuống cấp nói rõ hơn, đoạn đường này thuộc khu vực trũng thấp. Vì vậy, mỗi khi có mưa là nước ở hai đầu đường đổ dồn về đây, gây nên tình trạng ngập úng cục bộ. Trong khi nước mưa chưa thoát hết thì nhiều phương tiện giao thông có tải trọng nặng lưu thông trên đoạn đường này, khiến mặt đường nhanh chóng bị hư hỏng.

Người đàn ông này cho biết thêm, trên đoạn xuống cấp, thường xuyên xảy ra tình trạng người điều khiển xe hai bánh bị té ngã, vì tránh né nhau hoặc không đánh giá được độ sâu của các vũng nước. Đáng lo nhất là hằng ngày có nhiều học sinh đến trường phải chen chúc với nhiều xe ô tô tải, xe máy cày đang cùng lưu thông trên đường. Hằng năm, chính quyền địa phương và ngành chức năng có dặm vá, nhưng không khắc phục được bao lâu. Sau vài cơn mưa to là mặt đường lại bị bong tróc. Ông Út kiến nghị: “Mong ngành chức năng sớm nâng cấp, sửa chữa lại mặt đường, xây dựng hệ thống thoát nước hợp lý để khắc phục triệt để tình trạng nêu trên”.

Một vài chỗ trũng sâu, người dân địa phương phải đặt rổ nhựa, gạch ống để cảnh báo.

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Lê Minh Tấn- Chủ tịch UBND phường Gia Bình cho biết, đường Phước Hậu- Lộc Khê có chiều dài khoảng 5 km. Trước tình trạng mặt đường xuống cấp, vừa qua, UBND phường đã cho đổ đá để san lấp tạm thời những nơi bị trũng, nhưng sau đó, đoạn đường này lại gây khó khăn cho việc giao thông. Hiện nay, UBND thị xã Trảng Bàng đang chuẩn bị đầu tư thảm bê tông nhựa toàn tuyến đường. “Hồ sơ dự án công trình đã được xác lập, nguồn vốn cũng đã được phân khai. Dự kiến trong thời gian sắp tới, công trình này sẽ được thi công”, ông Tấn cho hay.

Sắp được thảm bê tông nhựa toàn tuyến là tin vui với người dân địa phương nói riêng với du khách thập phương nói chung. Tuy nhiên, từ thực tế nêu trên cho thấy, do đặc điểm đoạn đường này bị trũng thấp và không có hệ thống thoát nước, vì vậy thường xuyên bị ngập cục bộ sau những cơn mưa to. Đây là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến mặt đường bị xuống cấp nghiêm trọng. Vì vậy, sắp tới nếu chính quyền địa phương chỉ thảm nhựa mặt đường thì khó bảo đảm công trình được sử dụng vững bền. Nên chăng chính quyền địa phương cần đầu tư kinh phí nâng cao mặt đường và xây dựng hệ thống thoát nước hợp lý ở đoạn đường này. Có như thế, mới hy vọng chấm dứt điệp khúc buồn trên đoạn đường này.

Quốc Sơn- Đại Dương

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục