Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Đường về núi Tây Ninh
Thứ hai: 09:49 ngày 13/01/2025

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Ta có thể hình dung thành phố như một cậu bé thanh thản nằm giữa thảo nguyên xanh, đầu gối về chân núi. Hai cánh tay dang dài về phía 2 huyện Châu Thành và Dương Minh Châu.

Vâng! Thành phố Tây Ninh vừa qua tuổi lên 10. Ta có thể hình dung thành phố như một cậu bé thanh thản nằm giữa thảo nguyên xanh, đầu gối về chân núi. Hai cánh tay dang dài về phía 2 huyện Châu Thành và Dương Minh Châu.

Đôi chân duỗi về phía sông Vàm Cỏ Đông đang miệt mài chảy qua huyện Châu Thành và thị xã Hoà Thành. Và hôm nay, tôi chợt nhận ra thành phố của mình vẫn luôn có dáng hình vươn về phía núi. Còn núi nào khác nữa đâu, ngoài núi Bà Đen.

Ảnh: Dương Đức Kiên

Lâu nay, ai mà chẳng biết con đường từ TP. Tây Ninh lên núi. Là đường Bời Lời dài 11 cây số chạy xuyên qua các phường Ninh Sơn, Ninh Thạnh. Đấy là con đường đầu tiên từ TP. Tây Ninh lên núi, có cách nay hơn một trăm năm.

Nhà văn Biến Ngũ Nhi, trong thiên tuỳ bút Tây Ninh - Vũng Tàu du ký, in trên Công luận báo số 419, ngày 8.7.1921 có kể rằng: “Ra khỏi Châu Thành (tỉnh lỵ Tây Ninh) thì nhà cửa thưa thớt, đất gò ruộng xấu, bề sinh nhai thua kém các nơi…

Đường vận tải cam go, phần nhiều dân sự chỉ nhờ lộc rừng nên ít người giàu có. Đi khỏi Châu Thành chừng 4 ngàn thước thì tới rừng. Rừng ấy kêu là rừng độm, rộng lớn minh mông, ăn vào tới tận chân núi, bề ngang hơn 8 ngàn thước.

Cách năm bảy năm trước, những thiện nam tín nữ trong lục châu đi lên Điện Bà lấy làm khó nhọc vì chẳng có đường bộ, phải đi xe bò, băng ngang vào rừng rất nên cực khổ.

Sau nhờ có bà tổng đốc Chợ Lớn xin nhà nước khai đắp đường quan lộ vô đến chân núi. Bà lại dưng một số tiền rất to mà phụ vào sở phí. Nhờ vậy mà ngày nay xe hơi, xe ngựa chạy đến chơn núi dập dìu, lấy làm tiện quá…”.

Từ bài báo này, rút ra một số thông tin. Thứ nhất là, núi Bà từ lâu đã ở trong tâm thức tín ngưỡng của người Nam bộ. Danh từ “lục châu” chính là chỉ “Nam kỳ lục tỉnh”. Và từ những năm đầu thế kỷ 20 trở về trước, bà con Nam bộ đã có một tập quán đẹp là đầu xuân đi viếng núi Điện Bà.

Thứ hai là, từ khoảng năm 1915 trở về trước, người từ tỉnh lỵ Tây Ninh lên núi phải đi bằng xe bò: “băng ngang rừng rất nên cực khổ”. Chỉ đến khoảng năm 1915, mới có “đường quan lộ”. Là do một bà phu nhân quan tổng đốc Chợ Lớn bỏ tiền, xin nhà nước bảo hộ làm cho. Dĩ nhiên, nhiều người chắc nhớ con đường xưa vẫn chỉ là con đường nhỏ, khấp khểnh đá dăm, lồi lõm ổ gà. Chỉ đến khoảng hơn 20 năm trở lại đây, nó mới được trở thành đường chính đô thị, nối trung tâm thành phố (trước là thị xã) Tây Ninh lên tới núi Bà.

Thứ ba là, năm 1921, xe Biến Ngũ Nhi lên núi chỉ “đi khỏi Châu Thành bốn ngàn thước là tới rừng”. Vậy là năm ấy, rừng vẫn bao bọc quanh núi Bà, ra tới khoảng chợ phường Ninh Sơn hiện nay. Là “rừng độm rộng lớn minh mông… bề ngang hơn 8 ngàn thước…”. Làm gì đã có cảnh hai bên đường Bời Lời, nhà cửa san sát như hiện nay, kéo dài suốt 11km từ trung tâm thành phố vào chân núi?

Con đường kể là đường xe bò từ tỉnh lỵ Tây Ninh lên núi. Dân lục tỉnh cũng quen đi đường này, nhưng phần chính của đường đi là đường thuỷ. Từ các tỉnh miền Tây, họ theo các ghe thuyền đi dọc các con sông Cửu Long, ra biển rồi ngược lên qua cửa Cần Giờ để vào sông Vàm Cỏ Đông.

Ngược dòng đi lên, tới vàm rạch Xỉ Khê thì rẽ vào. Tới tỉnh lỵ, họ neo thuyền trên rạch Tây Ninh, để mướn xe bò lên núi. Chính vì lý do này mà các nhà sư trụ trì chùa Phước Lâm (Vĩnh Xuân) đã làm một bến thuyền ngay trước cổng chùa (trên đường Phan Châu Trinh hiện nay), để du khách có thể neo thuyền và nghỉ lại. Chùa được khánh thành năm 1871.

Từ đó suy ra, con đường thuỷ lâu đời nhất lên núi Bà đã có từ cuối thế kỷ 19, và đến khi ấy thì đã trở thành một tuyến đông đúc, có cả một ngôi chùa làm “trạm dừng chân” ngay trong TP. Tây Ninh.

Ảnh: Dương Đức Kiên

Một tuyến đường khác, thuần tuý là đường bộ để du khách Sài Gòn - Gia Định và lục tỉnh Nam kỳ lên viếng núi chính là con đường thiên lý do triều Nguyễn mở mang tu sửa lại từ “con đường sứ”.

Nguyễn Thanh Lợi trong Tây Ninh Đất và Người mô tả: “Con đường này bắt đầu từ cửa Đoài Duyệt ở phía Tây thành Bát Quái (đường Cách Mạng Tháng Tám nay) chạy dài lên Bà Quẹo, qua cầu Tham Lương (đường Trường Chinh nay), lần lượt qua bến đò Thị Sưu, đầm Lão Đống (kinh An Hạ) cho tới rạch Khê Lăng (rạch Tây Ninh- suối Ta Hop) đến đất Ca Pha (Cao Miên), cho đến sông lớn, dài 439 dặm, gặp chỗ có sông ngòi thì bắc cầu cống, đầm lầy thì đắp đất, qua rừng thì đốn cây, mở làm đường thiên lý.

Mặt đường rộng 6 tầm (12,72m), đường thông suốt cho người ngựa qua lại… Trước khi hình thành con đường thiên lý phía Tây vào năm 1815, trên con đường sứ này đã từng chứng kiến những hoạt động ngoại giao hết sức nhộn nhịp giữa triều đình nhà Nguyễn và Cao Miên…”. Cũng theo bài viết này, thì dưới thời các chúa Nguyễn, chỉ có 3 con đường thiên lý đi từ Gia Định. Một là, đường ra Bắc qua kinh đô Huế. Hai là, đường đi về phía Nam, qua “lục tỉnh Nam kỳ” được làm từ năm 1790. Và con đường thứ ba, chính là đường thiên lý phía Tây đã kể qua Tây Ninh, sang Khmer đến tận Nam Vang (Phnom Penh, thủ đô Vương quốc Campuchia).

Sau năm 1867, toàn cõi Nam kỳ rơi vào tay quân Pháp. Cho đến năm 1880, ngày 13.12, Thống đốc Nam kỳ ban hành nghị định phân loại đường thuộc địa gồm 9 tuyến đường. Thì tuyến đường Thuộc địa số 1 (quan trọng nhất) vẫn là đường thiết lập cơ bản trên con đường thiên lý năm xưa qua Tây Ninh. Dù trong 9 tuyến đường ấy, có tuyến số 4 dài tới 335km tới Hà Tiên, thì đường lên Tây Ninh chỉ dài 97km vẫn được quy là quốc lộ số 1, Năm 1880, đường nối lên tới tỉnh lỵ, nay là TP. Tây Ninh. Đến năm 1904, khi hoàn thành đoạn Tây Ninh đến biên giới (Phước Tân qua Bến Sỏi) dài 22km thì mới điều chỉnh đường Thuộc địa số 1 từ Sài Gòn lên tới khẩu Phước Tân (theo Nguyễn Đình Tư- Chế độ thực dân Pháp trên đất Nam kỳ, 2016).

Ngày nay, một phần con đường Thuộc địa số 1 qua Tây Ninh đã trở lại là tỉnh lộ. Là ĐT 782 và 784 kéo dài từ Trảng Bàng lên TP. Tây Ninh. Nếu đường sứ theo tác giả Nguyễn Thanh Lợi là từ trước năm 1815 đã từng có “các hoạt động ngoại giao hết sức nhộn nhịp giữa triều đình nhà Nguyễn và Cao Miên”, thì chắc hẳn nó đã từng là con đường hết sức nhộn nhịp mỗi dịp hội xuân núi Bà trong tháng đầu năm mới.

Bởi trong ký ức cố nhà văn Trần Vạn An (1925-2005), từng có cảnh: “Đoàn xe bò đi trong đêm trăng/ Lụp cụp đường đá rào rạo đường truông/ Tháng giêng cả làng đi viếng núi/ Người người vui và hân hoan…” (Bài thơ Núi quê mình). Quê ông ở làng Gia Lộc, Trảng Bàng (nay là phường Trảng Bàng, thị xã Trảng Bàng). Xa xôi thế, mà cả làng vẫn rủ nhau đi viếng núi, dù chỉ bằng xe bò. Ngày nay, tháng giêng cũng vẫn là tháng các con đường ĐT 782 và 784 tấp nập những dòng xe hơi, xe máy của người dân TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Đông, miền Tây lên núi viếng Bà.

Trần Vũ

(còn tiếp)

Tin cùng chuyên mục