Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Huyện đảo Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi) có 4 ngôi chùa và 1 tịnh xá, trong đó chùa Hang có phong cảnh đẹp nhất và sở hữu nhiều câu chuyện huyền bí. Chùa Hang được coi như tác phẩm điêu khắc đá huyền diệu mà thiên nhiên đã ban tặng cho vùng đất này.
Huyền tích núi lửa
Chùa Hang nằm ở phía Đông bắc núi Thới Lới - ngọn núi cao nhất trong năm ngọn núi đều là dấu tích cho sự phun trào của núi lửa trên đảo Lý Sơn. Người xưa đã tận dụng hang động nằm sâu trong lòng núi, sát bên bờ biển, để tạo dựng cảnh chùa.
Đứng từ xa quan sát, khó có thể biết được trong động lại có một kiến trúc nhân tạo mà chỉ nhìn thấy tán lá của những cây bàng biển cổ thụ. Đường lên chùa Hang cheo leo bám theo mép biển, qua nhiều bậc đá đã được tay người đẽo gọt.
Trước cửa chùa Hang- Ảnh ANTĐ |
Phía trước chùa Hang, trên một vách đá dựng đứng cao khoảng 20m, có khắc 4 chữ Hán, sơn màu vàng “Thiên Khổng Thạch Tự”. Ngay phía dưới vách đá có các mạch nước ngầm chảy rỉ rả suốt năm tháng tạo thành một cái “giếng trời”, rêu phong nhũ đá trông đẹp mắt một cách lạ thường.
Hiện nay, người ta cho xây dựng một bể chứa nước bằng xi măng, hứng nước mạch ngầm trong lòng núi đá để có nước ngọt phục vụ dân địa phương và du khách.
Để ra chùa Hang, chỉ có một cửa ở phía bên phải động, trước cửa có hai trụ biểu hai bên ghi hai câu đối bằng chữ Hán mà ông Trần Dự (66 tuổi, ở khu dân cư số 3, thôn Đông, xã An Hải), người đang nắm giữ gia phả họ Trần cũng như giấy tờ và trông coi chùa Hang đọc là: “Nhất trần bát đảo bồ đề địa, Vạn thiện đồng quy thiểm khổ môn”. Rồi ông giải thích rằng đôi câu đối hàm ý họ Trần là người đầu tiên lập ra chùa Hang, và mọi điều tốt đẹp đều quy về nơi cửa Phật.
Hang rộng chừng 20m, có chiều sâu khoảng 24m, chỗ cao nhất của hang cũng chỉ hơn 3m. Trong không gian hạn chế đó, người xưa đã tận dụng những nhũ đá tự nhiên để sắp xếp chỗ thờ tự.
“Ngày xưa, ở chính giữa hang đã có đặt bàn thờ Tam thế Phật là Phật A di đà, Phật tổ Như Lai và Phật Di lặc. Bên trái bàn thờ có bàn thờ Tổ sư Đạt ma với bài vị bằng gỗ sơn son thếp vàng trên đó ghi rõ “Phụng tự Tây phương Đông Độ lịch đại tổ sư chi linh vị”, ông Dự cho biết.
Vào khoảng tháng 4/1993, các vị thủ tự đã đặt thêm một bàn thờ phía bên phải thờ tượng Quan Công có Quan Bình và Châu Thương đứng hầu, mỗi tượng chỉ cao chừng ba tấc. Cũng trong khoảng thời gian đó, bà con nhân dân đảo Lý Sơn vào làm ăn sinh sống tại TP.Hồ Chí Minh đã cúng cho chùa 3 pho tượng, được đặt phía trước bàn thờ Tam thế Phật, đó là các tượng Phật Chuẩn Đề 18 tay, tượng Bồ tát Quan Thế Âm và tượng Bồ tát Địa Tạng cao 1m.
Phía bên phải của hang sắp đặt 3 bàn thờ. Gần với thành hang là bàn thờ 12 vị Diêm vương. Kế đó là bàn thờ các vị thuộc Trần tộc, có bài vị ghi danh ba người gồm Phụng tự khai sáng Trần tổ công Thành, tự Đạo Châu, hiệu Huyền Huyên linh vị; Phụng tự Trần tổ công Tiềm, tự Ấn Long, hiệu Huyền Kính, cao lão hòa thượng linh vị; Phụng tự Trần tổ công Quận, tự Ấn Ngọc, hiệu Huyền Chơn hòa thượng linh vị. Bàn thờ thứ 3 thờ 7 vị tiền hiền khai phá lập ra làng An Hải với bài vị ghi rõ: “Phụng tự tiền hiền thất tổ tiên sanh tự vị chư thần vị”.
Ở phía bên trái của hang cũng có sắp đặt 3 bàn thờ, mỗi bàn thờ cũng cách nhau 1,4m. Trong cùng là bàn thờ Giám Trai, tiếp đến là bàn thờ Ngũ Lôi, và kế đó là bàn thờ Tiền vãng (thờ những người có đóng góp sức lao động xây dựng, tôn tạo chùa Hang trước đây).
Đường vào chùa Hang |
Ngay sau cổng ra vào ở phía bên phải, có bàn thờ bổn đạo thiện nam, tin nữ và 3 ban thờ những người có công xây dựng, tu bổ chùa Hang. Trên vách tường xây cũng có hai câu đối chữ Hán được ông Dự đọc là: “Tịnh độ năng nhơn tiếp dẫn chúng sanh an dưỡng quốc/ Cư sĩ tấn hỏa bảo hộ hoàn toàn lạc tây phương”.
Theo ông Dự, tương truyền, xưa kia chùa Hang là một hang động và được người dân gọi là đường xuống âm phủ. Theo quan niệm thiện - ác song hành, gian chính của chùa Hang là dành cho cái thiện, những người biết ăn năn hối lỗi. Ngược lại, người mắc tội nếu không chịu quay đầu sẽ bị đày xuống âm phủ theo hang nhỏ hơn bên cạnh.
“Trước khi có con đường bê tông chạy đến đầu dốc xuống chùa, muốn đến chùa phải men theo sườn núi đầy trắc trở. Đoạn sườn núi ăn ra phía biển người ta gọi là cái meo, là nơi nhiều người không may trượt chân rơi xuống bãi đá biển và bị thương, thậm chí là mất mạng”, ông Dự cho biết.
Ông Dự cũng cho rằng, ở phía sau nhà ông có một cái giếng đã bị vùi lấp và đó là cái giếng thông với chùa Hang. “Chùa Hang do các bậc tiền bối của họ Trần lập nên xưa kia, vì đường đến chùa vô cùng khó khăn nên mới đào đường hầm thông với chùa Hang. Đây cũng có thể là hầm mà xưa kia, thanh niên trong làng không muốn bị giặc bắt đi lính nên đào để trốn”, ông Dự cho biết.
Tác phẩm điêu khắc đá
Ông Dự bảo, theo gia phả của tộc họ Trần truyền lại, cách đây hơn 400 năm, không rõ dưới thời vua nào, có ông tổ họ Trần là Trần Thành làm quan lớn được nhà vua sai ra canh giữ đảo Lý Sơn. Tại đây, ông đã khai phá và lập ra chùa Hang. Sau đó, khoảng 100 năm, con cháu của ông là các ông Trần Châu, Trần Tiềm tiếp tục tôn tạo cho chùa được khang trang như ngày nay.
Gian chính thờ Phật ở chùa Hang |
“Như vậy, hang động ở chùa Hang thì có từ ngàn xưa nhưng lịch sử chùa Hang ít nhất cũng đã khoảng 400 năm. Người xưa sử dụng hang đá như một ngôi nhà vĩnh cửu để lập ra chùa, đúng như sử sách ghi chép và đúng như tên chữ của chùa là Thiên Khổng Thạch”, ông Dự cho biết.
Nói về đảo Lý Sơn, mà trước đây vẫn gọi là cù lao Ré, sách “Đại Nam nhất thống chí” đã viết: “Cù lao Ré ở giữa biển, cách huyện Bình Sơn 65 dặm về phía Đông, xung quanh nổi cao, ở giữa trũng xuống ước mấy chục mẫu, nhân dân hai phường An Vĩnh và An Hải ở tại đấy.
Phía đông đảo có động, trên động có chùa mấy gian, có giường đá, kỷ đá, hai bên hữu động có giếng nước trong ngọt, xung quanh cây cối tốt tươi, khi có giặc biển, thì dân phường ẩn núp ở đấy. Đất sản nhiều đậu phụng và bắp”. Ngôi chùa được “Đại Nam nhất thống chí” nói đến có lẽ chính là chùa Hang.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, xung quanh chùa Hang là các vách đá tự nhiên. Do đó, đứng trong chùa Hang, nghe tiếng những hạt nước rơi tí tách từ những nhũ đá, ngửi mùi hương trầm quyện ra từ những ban thờ, người ta có cảm giac đang ở một thế giới huyền ảo, thuần khiết, thoát tục. Khí hậu trong hang vô cùng dễ chịu, trời nắng thi mát mẻ, trời lạnh thì ấm áp, là nơi ẩn núp của cư dân thời xưa mỗi khi có biến.
Vào trong chùa thắp một nén hương, khấn bái niệm Phật trong hương khói nghi ngút, ta có cảm tưởng như đang rơi vào cõi động tiên, thật thú vị biết bao. Những ai đã từng đến đây cũng đều cảm nhận được điều đó.
Ông Dự bảo, có du khách từ trong đất liền Quảng Ngãi ra đây, lần đầu tiên tham quan cảnh vật ở chùa Hang, các hang động đá xung quanh bờ biển, đã phải thốt lên: “Giá như những cảnh vật ở đây, hang động đá, vách đá dựng đứng, bờ biển đẹp này nằm ở tại bãi biển Mỹ Khê, hay một nơi nào đó trong đất liền thì tuyệt vời biết mấy, ai cũng có thể thưởng ngoạn”.
Nếu như đảo Lý Sơn là hiện thân cái đẹp của thiên nhiên thì chùa Hang là tác phẩm điêu khắc đá tuyệt vời mà thiên nhiên đã ưu ái ban tặng cho con người vùng đất này. Ở đấy, núi và biển liền kề dựa vào nhau, tôn nhau lên tạo thành một bức tranh tuyệt tác. Tuy đã có sự tôn tạo chăm chút của bàn tay con người, nhưng với ý thức hòa hợp với thiên nhiên, cảnh trí nơi đây vẫn còn giữ được nét hoang sơ vô cùng quyến rũ.
Theo Thắng Mỹ (Báo Pháp Luật Việt Nam/NLĐO)