Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Kinh tế tây ninh trước, trong và sau tết Giáp thìn:
Duy trì tốc độ phát triển ngay từ đầu năm
Chủ nhật: 11:50 ngày 03/03/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Trong hai tháng 1 và 2 năm 2024, tức là khoảng trước, trong và sau Tết Giáp Thìn, hoạt động phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Tây Ninh đã diễn ra rất sôi nổi, sinh động với khí thế quyết tâm thực hiện mục tiêu phát triển khẩn trương ngay từ đầu năm.

Với đặc thù là một địa phương có tập quán sinh hoạt xã hội đặc biệt tại các địa điểm du lịch tâm linh có sức thu hút mạnh mẽ khách du xuân ở khắp mọi miền đất nước, kể cả nước láng giềng, có thể nói tết nguyên đán hằng năm ở Tây Ninh kéo dài đến gần hết tháng Giêng.

Tết Giáp Thìn- 2024 vừa qua đã cho thấy rõ điều đó với hàng triệu khách du xuân ngoài tỉnh, mà chỉ riêng các ngày khai mạc Hội xuân Núi Bà Đen (mùng 4 Tết), Đại lễ Đức Chí Tôn của đạo Cao Đài (mùng 8 tháng Giêng) và ngày Nguyên tiêu (rằm tháng Giêng) mỗi ngày đã có khoảng 100.000 đến 200.000 người tham dự.

Tuy nhiên, không vì thế mà “tháng Giêng là tháng ăn chơi” ở Tây Ninh. Thực sự, trong hai tháng 1 và 2 năm 2024, tức là khoảng trước, trong và sau Tết Giáp Thìn, hoạt động phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Tây Ninh đã diễn ra rất sôi nổi, sinh động với khí thế quyết tâm thực hiện mục tiêu phát triển khẩn trương ngay từ đầu năm.

Giờ tan ca ở Khu công nghiệp đô thị Phước Đông (huyện Gò Dầu). Ảnh: Hải Triều

Tết Giáp Thìn qua đi, ngày 23.2.2024 (tức ngày 14 tháng Giêng), UBND tỉnh Tây Ninh đã có Công văn số 506/UBND-TH chỉ đạo các ngành, các địa phương tiếp tục tập trung triển khai thực hiện nhiệm vụ công tác.

Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh nhận định: “Trước và trong Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, các sở, ban, ngành tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố đã nghiêm túc triển khai thực hiện chỉ đạo của Trung ương, Tỉnh uỷ, UBND tỉnh về việc tăng cường các biện pháp bảo đảm đón tết vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm”.

Thực tế cho thấy, nhân dân Tây Ninh đã đón Tết Giáp Thìn- 2024 trong không khí vui tươi, đầm ấm, sum vầy, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm; mọi người, mọi nhà đều có tết. “UBND tỉnh ghi nhận, đánh giá cao và biểu dương các sở, ban, ngành tỉnh, các địa phương, đơn vị đã phối hợp chặt chẽ, tổ chức thực hiện tốt các nhiệm vụ trong dịp tết”.

Tiếp theo đó, tại Công văn 506, UBND tỉnh đã chỉ đạo các nhiệm vụ, công việc cụ thể cho các sở, ngành, các đơn vị, công ty Nhà nước để tập trung triển khai, phối hợp thực hiện ngay sau kỳ nghỉ tết, nhằm phấn đấu thực hiện thắng lợi toàn diện, đạt kết quả cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu kế hoạch năm 2024.

Động thái lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo tỉnh ngay từ đầu năm đã cho thấy hiệu lực, hiệu quả thiết thực thể hiện qua kết quả phát triển kinh tế - xã hội 2 tháng đầu năm 2024. Đây là tín hiệu ban đầu đáng phấn khởi, cho thấy Tây Ninh có khả năng hoàn thành được nhiệm vụ của Đảng bộ tỉnh trong hai năm cuối nhiệm kỳ 2020-2025.

Từ đầu năm 2024 đến nay, trên lĩnh vực nông nghiệp, nhờ thời tiết thuận lợi, giá cả nông sản ổn định, hoạt động sản xuất vụ Đông-Xuân bảo đảm đúng tiến độ gieo trồng. Ngành chăn nuôi kiểm soát được dịch bệnh, các đàn gia súc ổn định, đàn gia cầm phát triển mạnh, nhất là đàn gà. Sản phẩm heo thịt xuất chuồng gia tăng, cùng với sự liên kết các chuỗi tiêu thụ sản phẩm thịt và trứng gia cầm bảo đảm nguồn cung, đáp ứng đầy đủ cho thị trường tết.

Kết quả cụ thể, tính đến giữa tháng 2.2024, tiến độ gieo trồng vụ Đông-Xuân đạt 94.629 ha cây trồng các loại, tăng 2,91% so cùng kỳ năm trước. Trong đó, diện tích các loại cây trồng thu hoạch trong vụ này đạt 61.132 ha (chiếm 64,6%), tăng 0,2% so cùng kỳ; diện tích các cây trồng cho thu hoạch năm sau (mía, mì) 33.497 ha, tăng 8,13% (tăng 2.520 ha); cây lúa gieo trồng được 46/059 ha, tăng 0,2% (tăng 92,6 ha) so cùng kỳ.

Do năm 2023 giá lúa tăng cao, nên trong vụ Đông-Xuân tiến độ gieo trồng nhanh hơn cùng kỳ. Trong tháng 2.2024 đã có 123,7 ha lúa bắt đầu cho thu hoạch, năng suất bình quân đạt 59,28 tạ/ha. Các loại cây rau, đậu, hoa, cây cảnh gieo trồng đạt 7.606 ha (tăng 28 ha so cùng kỳ) đã cho thu hoạch đúng tiến độ phục vụ tết nguyên đán.

Về chăn nuôi, tổng đàn gia súc, gia cầm trong tháng 2.2024: đàn trâu đạt 9.004 con (giảm nhẹ 0,63%), đàn bò 98.058 con (tăng 10%), đàn heo 227.100 con (tăng 15,3%), đàn gia cầm 11,017 triệu con (tăng 14,56%), riêng đàn gà đạt 10,619 triệu con (tăng 15,24% so cùng kỳ).

Vừa qua, do các cơ sở chăn nuôi có sự chủ động chuẩn bị các sản phẩm chăn nuôi, nguồn cung sản phẩm dịp Tết Giáp Thìn vẫn ổn định, không có biến động tăng giá so với tháng trước tết. Giá thịt trâu, bò, heo ổn định, chỉ có giá thịt gà tăng nhẹ. Cụ thể, tính đến giữa tháng 2.2024, sản lượng thịt heo hơi xuất chuồng đạt 9.498 tấn, tăng 10,44% (tăng 898 tấn) so cùng kỳ; thịt gà hơi đạt 9.057 tấn, tăng 13,71% (tăng 1.092 tấn) so cùng kỳ.

Nông dân sử dụng phương tiện bay không người lái phun thuốc trừ sâu. Ảnh: Nguyễn Minh Thiện

Đối với sản xuất công nghiệp, do trong tháng 2.2024 có đợt nghỉ Tết Giáp Thìn, nên chỉ số sản xuất công nghiệp trong tháng này có giảm so với tháng trước (giảm 16,86% so tháng 1.2024), nhưng vẫn có tăng so cùng kỳ (tăng 1,75% so tháng 2.2023). Đồng thời nhờ có sự chủ động chuẩn bị từ đầu năm, hoạt động sản xuất các doanh nghiệp dần đi vào ổn định và có thêm năng lực mới đưa vào hoạt động nên tính chung trong 2 tháng đầu năm 2024, chỉ số sản xuất công nghiệp vẫn tăng mạnh so cùng kỳ (tăng 16,68%). Cụ thể, trong 2 tháng, các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, dệt, sản xuất trang phục, da và các sản phẩm liên quan, giấy và sản phẩm từ giấy, cao su và plastic, khoáng phi kim loại, sản xuất và phân phối điện, khai thác, xử lý và cung cấp nước… đều tăng từ 0,51% đến 32,68% so cùng kỳ. Chỉ có công nghiệp khai khoáng giảm nhẹ (giảm 1,48% so cùng kỳ).

Về sản phẩm công nghiệp, hầu hết các sản phẩm chủ yếu có sản lượng 2 tháng đầu năm đều tăng khá. Cụ thể: gạch các loại 113,052 triệu viên (tăng 5,7%), giày các loại 12,022 triệu đôi (tăng 4,16%), quần áo các loại 33,528 triệu cái (tăng 12,81%), vỏ ruột xe các loại 14,178 triệu cái (tăng 6,24%), clinker porland 156.701 tấn (tăng 28%), nước máy 2,2 triệu mét khối (tăng 5,87%), điện thương phẩm 986 triệu kW (tăng 29,39%), điện sản xuất 332 triệu kW (tăng 4,18%), đường các loại 53.919 tấn (tăng 5,57%), xi măng 164.667 tấn (tăng 5,19%), bột mì 235.613 tấn (tăng 6,76%) so cùng kỳ…

Về thương mại, dịch vụ, do tháng 2.2024 trùng vào dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn nên hoạt động kinh doanh thương mại, dịch vụ khá sôi động, nhộn nhịp do nhu cầu mua sắm tăng lên, nhất là các mặt hàng quà tặng và các nhu yếu phẩm dùng trong ngày tết. Các hệ thống phân phối, bán lẻ thực hiện nhiều chương trình khuyến mãi, giảm giá nhằm thúc đẩy nhu cầu mua sắm. Nguồn cung hàng hoá lương thực, thực phẩm đáp ứng đầy đủ nhu cầu, giá cả hầu hết các loại hàng hoá tiêu dùng ổn định, không có biến động lớn nên tạo điều kiện kích cầu tiêu dùng.

Kết quả, tổng mức bán lẻ hàng hoá tháng 2.2024 ước đạt 7.874,75 tỷ đồng, tăng 3,67% so tháng trước, tăng 14,72% so cùng kỳ năm trước. Trong đó, 13/13 nhóm hàng đều tăng. Các mặt hàng tăng nhiều như lương thực, thực phẩm tăng 5,49%, đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình tăng 1,78%, ô tô con tăng 4,71%, phương tiện đi lại trừ ô tô con tăng 2,12%, xăng dầu các loại tăng 5,64%, đá quý, kim loại quý và các sản phẩm từ đá quý, kim loại quý tăng 3,18%...

Cộng dồn 2 tháng đầu năm 2024 doanh thu bán lẻ hàng hoá ước đạt 15.470,43 tỷ đồng tăng 12,19% so cùng kỳ với hầu hết các ngành hàng đều tăng. Đáng chú ý, các sản phẩm giá trị cao như ô tô con, đá quý, kim loại quý, đồ gỗ… đều tăng khá, từ 11,66% đến 37,77% bán ra trong dịp Tết Giáp Thìn trên địa bàn tỉnh cho thấy mức thu nhập, mức sống của người dân Tây Ninh hiện nay tăng cao hơn trước.

Bên cạnh các hoạt động sản xuất kinh doanh sôi động, nhộn nhịp với các con số, tỷ lệ tăng trưởng đáng kể nêu trên, về mặt xã hội, một điều mà không chỉ người dân trong tỉnh mà trong khắp cả nước, kể cả ở nước ngoài cũng biết đến Tây Ninh, đó là hoạt động du lịch đã và đang phát triển mạnh mẽ. Hy vọng trong thời gian không xa, ngành du lịch sẽ chiếm vị trí và tỷ lệ tăng trưởng ngày càng quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế -xã hội tỉnh nhà.

Nguyễn Tấn Hùng

Tin cùng chuyên mục