Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Mưa sập sùi suốt mấy tuần, hôm nay trời hửng nắng. Ô hay, vẫn còn thu mà se se gió lạnh. Trời trong veo lộng lẫy một gương xanh. Chỉ vắt vẻo mỏng tang mấy làn mây trắng. Như mấy chiếc khăn voan con gái nhà lành lấp lửng dây phơi.
Thế nhưng mắt ai tinh tường ngước lên, thế nào cũng thấy dăm ba cánh én. Từ nhiều năm nay, ở Tây Ninh dường như mùa nào cũng thấy én về. Như là én đã định cư ở Tây Ninh nên chẳng đợi mùa xuân.
Vâng! Én xếp hàng trên các đường dây diện, chào ta trên các nẻo đường. Và cứ bước ra khỏi nhà, ngước mắt lên trời là thấy én. Có hai khả năng, một là, én đã không còn là tín hiệu báo mùa xuân. Hai là, mùa xuân có trong tất cả các mùa ở Tây Ninh, dù mưa hay khô hạn.
Và, nhớ nhất là vào đầu vụ chiêm xuân; khi những chiếc máy cày nhỏ băng băng cày xới trên đồng. Thì cũng là lúc đầy trời chim én. Từ đồng gần như Thanh Điền đến những đồng xa trên xã giáp biên Hoà Thạnh, huyện Châu Thành. Ước mơ cơ khí hoá đã hiện hình; khi nhiều gia đình nông dân đã tự sắm cho mình máy cày, máy xới, máy gặt đập liên hợp.
Và chia vui với người nông dân cũng chính là chim én. Chúng cứ bay quần tụ thành vòng, thành đám bao quanh cỗ máy. Như một áng mây lành che mát. Như một niềm vui nhảy nhót giữa không gian. Xin gọi thời ấy của én là én thời cơ giới hoá.
Lại nhớ mấy lần qua Hảo Đước. Trên ấy có vài nhà máy chế biến củ mì. Một lần vào tận sân nhà máy. Lại ngạc nhiên khi thấy én bay chấp chới ở sân sau. Nơi ấy người ta đem xác mì ra phơi. Cũng vẫn là niềm vui ấy thôi, lúc chúng sà xuống sát mặt sân rồi lại vút bay lên, lúc chúng chao cánh liệng vòng quanh ríu rít.
Nhưng rồi nghĩ lại chúng thích thú gì khi chao lượn giữa bầu không khí sặc mùi chua nồng ung ủng của xác mì? Hay là chúng chỉ kiếm ăn thôi, vì cùng với bầu không khí ấy là rất nhiều ruồi muỗi.
Đấy là én của thời công nghiệp hoá. Còn bây giờ mới là chuyện của những cánh én thời @. Mà có khi @ đã là hơi cũ. Mới mẻ và sang trọng hơn, có thể gọi là én thời 4.0.
Bạn cứ ra góc đường 30.4 và Lê Duẩn mà xem! Nơi ấy có một công trình lớn của Vincom, do Unicons thầu xây dựng. Nơi ấy, chỉ độ một năm trước đây thôi còn có một bảo tàng. Giờ thì đã lừng lững một công trường, với điểm nhấn chót vót giữa không gian là hai chiếc cần cẩu tháp.
Có gì lạ trên cao ấy không mà chim én đầy trời. Chúng cứ “bu” vào quanh bộ khung đồ sộ, vàng tươi của chiếc cần cẩu tháp giữa tầng không. Với người Tây Ninh, hình ảnh này đã quen mắt được vài năm, khi người ta xây những: Đông Á, Sacombank, Sunrise… trên các phố phường.
Và hôm nay đây, giữa thời các chính khách với các chuyên gia đang rầm rộ bàn về 4.0, cánh én bay tíu tít công trường, nhất là chim cứ quần tụ, bay vòng quanh cái buồng lái như chiếc hộp kính nhỏ nhoi treo gần đỉnh tháp.
Giữa trời xanh nắng vàng ấy ở độ cao trên 20 mét kia làm gì có ruồi, muỗi để cho chim én bắt. Chúng chỉ có thể đến vì niềm vui hay vì lạ lẫm? Giữa không gian phố thị kia bỗng nhiên có rất đông người lao động. Rồi những khối nhà mọc lên cao dần.
Khối 3 tầng shophouse đã sắp xong với những lớp mái cum cúp kiểu tây hơi lạ mắt. Khối chính 25 tầng kia cũng đã lên được 4 tầng. Sau tấm lưới phủ xanh vẫn lấp ló những trụ cột bê tông trắng muốt. Ấy thế mà ở một công trường khác bên kia rạch Tây Ninh cũng có hai chiếc cần cẩu tháp, nhưng có thấy cánh én nào đâu, khi mà cần cẩu đứng lặng giữa khung trời.
Trên công trường Vincom bên này, ở dưới đông, nhưng chắc anh lái máy trên cao kia cô đơn lắm. Vì thế én tụ họp, bay về nhao nhót quanh anh chắc chỉ để anh vui. Én @ vẫn là én đấy thôi! Đã gắn bó với đồng đất Tây Ninh từ bao đời chẳng biết.
Có thể, đấy cũng là niềm vui én mang đến cho người nông dân từ thuở bước sau đuôi trâu cày xới, cho đến khi người nông dân một mình lái máy cày băng băng trên những cánh đồng xa. Còn hôm nay, là những cánh chim của niềm vui chấp chới giữa lưng trời; không chỉ làm vui cho “người trên trời” mà còn lây lan cho cả người dưới đất.
Anh bảo vệ công trường vừa nhắc tôi tránh đường cho xe ô tô đang đến. Tại vì nãy giờ chỉ ngửa cổ lên mà ngắm én thôi. Để xem én @ có gì khác! Mà nào thấy khác gì đâu. Sẽ mãi mãi là chim én thân thiết thuỷ chung với con người, dù đất nước đến thời 5 chấm hay 10 chấm.
NGUYỄN