Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Phong trào Hồi giáo Đông Turkestan (viết tắt theo tiếng Anh là ETIM) đe dọa gây bất ổn định ở Tân Cương và trên “Con đường Tơ lụa” sau khi Mỹ rút hết quân khỏi Afghanistan. ETIM là nhóm chiến binh khiến Trung Quốc lo sợ nhất.
Khi Mỹ thúc đẩy tiến trình rút quân khỏi Afghanistan, Trung Quốc lo lắng về những bất ổn mà họ sắp phải đối mặt do việc rút quân này.
Vào tháng 5/2021, sau một chuỗi các vụ nổ ở thủ đô Kabul (Afghanistan) khiến 60 người thiệt mạng, trong đó có cả các nữ sinh, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh nói rằng việc Mỹ rút quân “đột ngột” là một nhân tố dẫn tới tình trạng bạo lực này.
Bản đồ khu vực phía bắc của Afghanistan (màu đỏ), địa bàn hoạt động chủ yếu của Phong trào Hồi giáo Đông Turkestan (ETIM). Ảnh: Facebook.
Bà Hoa cho rằng Mỹ cần rút quân “một cách có trách nhiệm” nhằm tránh “gây ra tình trạng hỗn loạn và khổ đau cho người dân Afghanistan”.
Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã không nói ra điều mà Trung Quốc e sợ nhất trước việc Mỹ rút quân khỏi Afghanistan: Điều này có thể làm hồi sinh Phong trào Hồi giáo Đông Turkestan (ETIM) cực đoan, đồng thời có thể kích thích hoạt động khủng bố ở vùng Tân Cương của Trung Quốc.
ETIM là ai và nguy hiểm với Trung Quốc như thế nào?
ETIM, còn được gọi tắt là Phong trào Hồi giáo Turkistan, là một nhóm chiến binh tộc Duy Ngô Nhĩ hoạt động ở Afghanistan. Nhóm này đã từ lâu tìm kiếm nền độc lập cho vùng Tân Cương mà tổ chức này xem như một “Đông Turkestan” trong tương lai.
ETIM cũng hoạt động trong nội chiến ở Syria, nơi các chiến binh dạn dày trận mạc đã tập kết nhiều ở Idlib và các vùng phía bắc của nước này. Liên Hợp Quốc đã liệt ETIM vào danh sách các “tổ chức khủng bố” kể từ năm 2002.
Đáng chú ý, chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump vào tháng 11/2020 đã loại ETIM khỏi danh sách của Mỹ về các tổ chức khủng bố. Họ khi ấy nói rằng không có “bằng chứng tin cậy” cho thấy ETIM vẫn tồn tại.
Khi lực lượng Hồi giáo Taliban trỗi dậy ở Afghanistan trong bối cảnh Mỹ rút dần quân khỏi đây, dường như việc Taliban chiếm được Kabul và lật đổ chính phủ được Mỹ hậu thuẫn chỉ còn là vấn đề thời gian. Trong trường hợp xảy ra kịch bản đó, Taliban có thể lập ra một “Vương quốc Hồi giáo” mới như tổ chức này nhiều lần tuyên bố như vậy.
Giới quan sát tin rằng nếu Taliban kiểm soát được toàn bộ Afghanistan thì điều này sẽ mở ra không gian mới cho các nhóm như ETIM chiêu mộ và cực đoan hóa thanh niên người Duy Ngô Nhĩ. Hiện nhiều thanh niên tộc Duy Ngô Nhĩ được cho là bị thất vọng nặng nề về các chính sách của Bắc Kinh đối với dân tộc của họ.
Bắc Kinh lo ngại về ETIM ở hai khía cạnh: Sự lan truyền tư tưởng cực đoan trong cộng đồng Duy Ngô Nhĩ ở nước Afghanistan láng giềng và sự đe dọa của các phần tử Hồi giáo cực đoan đối với sáng kiến “Vành đai và Con đường” trong khu vực.
Các chiến binh Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ của ETIM phất cờ của mình tại chiến trường Syria. Ảnh: Ảnh: Facebook.
“Con đường Tơ lụa” có 6 mạng lưới, trong đó 4 mạng lưới bắt nguồn từ hoặc đi qua Tân Cương. Các con đường này nhằm kết nối Trung Quốc với Nga, Trung Á, Nam Á, và Tây Á, vươn tới Địa Trung Hải.
Bốn mạng lưới nói trên bao gồm Hành lang Kinh tế Trung Quốc-Pakistan (CPEC) (đi qua Tân Cương), Hành lang Kinh tế Trung Quốc-Trung Á-Tây Á, Hành lang Kinh tế Cầu đất Á-Âu mới, và Hành lang Kinh tế Trung Quốc-Mông Cổ-Nga.
Chính quyền ông Trump cho rằng ETIM không tồn tại, nhưng một báo cáo gần đây của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc cho thấy ETIM không những tồn tại và hoạt động ở Afghanistan mà còn đang theo đuổi một “chương trình nghị sự xuyên quốc gia”.
Theo báo cáo này, ETIM nằm trong số các nhóm khủng bố nước ngoài nổi bật nhất hoạt động ở Afghanistan. Báo cáo nói rằng ETIM đóng chủ yếu ở các tỉnh Badakhshan, Kunduz và Takhar, và rằng Abdul Haq (Memet Amin Memet) vẫn là thủ lĩnh của nhóm này.
Báo cáo cho biết, xấp xỉ 500 chiến binh ETIM hoạt động ở khu vực phía bắc và đông bắc của Afghanistan, chủ yếu ở các quận Raghistan và Warduj, Badakhshan, với nhân tố tài chính của họ nằm ở Raghistan. Các khu vực phía bắc này kết nối với Trung Quốc thông qua hành lang Wakhan nhỏ hẹp – đây là tuyến đường tiềm năng cho các chiến binh xâm nhập Tân Cương.
Báo cáo của Liên Hợp Quốc còn nói rằng ETIM cộng tác với Lashkar-e-Islam vàTehrik-e-Taliban Pakistan – hai nhóm chiến binh Pakistan bị cấm hoạt động.
Báo cáo có đoạn: ETIM “có một chương trình nghị sự xuyên quốc gia nhắm tới Tân Cương (Trung Quốc) và Hành lang Kinh tế Trung Quốc-Pakistan, cũng như Chitral, Pakistan, và điều này tạo ra mối đe dọa cho Trung Quốc, Pakistan, và các quốc gia khác trong vùng”.
Đối sách của Trung Quốc
Hồi năm 2008, Bộ Công an Trung Quốc công bố danh sách 8 “kẻ khủng bố” có mối liên hệ với ETIM cùng các cáo buộc chi tiết chống lại họ, bao gồm các đe dọa đánh bom Thế vận hội Bắc Kinh 2008.
Bắc Kinh đã và đang theo đuổi một chiến lược đa diện nhằm chống lại mối đe dọa từ ETIM. Một mặt, Trung Quốc nhấn mạnh Mỹ và NATO phải rút quân một cách có trách nhiệm theo nghĩa việc rút quân đó chỉ được thực hiện sau khi đạt được một thỏa thuận chính trị giữa chính phủ Afghanistan hiện nay và phái Taliban. Mặt khác, Trung Quốc đã chủ động thiết lập quan hệ với cả hai phe ở mức độ ngang nhau.
Trung Quốc đã đề nghị với Kabul đào tạo và cố vấn cho lực lượng an ninh của Afghanistan. Tin tức trên truyền thông Trung Quốc thậm chí còn đề cập khả năng Trung Quốc triển khai quân ở Afghanistan nhằm ngăn ngừa các chiến binh ETIM sử dụng hành lang Wakhan ở tỉnh Badakhshan để dễ dàng vượt biên vào Tân Cương. Nhưng đồng thời Trung Quốc cũng đề xuất mang đến Taliban “sự phát triển” để đổi lại hòa bình.
Định nghĩa của Bắc Kinh về hòa bình không chỉ nói đến việc tránh nội chiến ở Afghanistan mà còn và chủ yếu là nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc không cung cấp thiên đường trú ẩn cho các chiến binh ETIM.
Trung Quốc vẫn gặp khó
Giới quan sát nghi ngờ Taliban sẽ chấp nhận đẩy ETIM ra khỏi Afghanistan theo yêu cầu của Bắc Kinh. Trái lại, chính Taliban sẽ lại cần thật nhiều chiến binh về phe mình để giành chiến thắng trong cuộc chiến đánh chiếm Kabul. Hiện đang có các tin tức nói về tình trạng binh sĩ quốc gia Afghanistan đang đào tẩu sang phe Taliban khi lực lượng này tiến về phía bắc trong lúc Mỹ rút dần quân khỏi đây.
Điều đó có nghĩa rằng ETIM sẽ không chỉ hưởng lợi lớn từ việc Taliban thiết lập được một Vương quốc Hồi giáo ở Afghanistan mà còn có khả năng sẽ tạo cho mình không gian để tiếp tục chiến dịch thân Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương.
Ngoài ra, vị thế của ETIM sẽ được củng cố thêm nhờ vào sự hiện diện của các chiến binh thánh chiến, bao gồm nhóm khủng bố quốc tế al-Qaeda và “Nhà nước Hồi giáo ở Afghanistan” (IS-K), cả hai đều đồng cảm với “sự nghiệp Duy Ngô Nhĩ”.
Năm 2017, tổ chức IS ở Iraq và Syria công bố một đoạn video ghi cảnh những người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ Trung Quốc đang đe dọa hồi hương và “làm cho máu tuôn như sông”. Video 30 phút này ghi cảnh các chiến binh Duy Ngô Nhĩ đang huấn luyện xen lẫn với hình ảnh bên trong quê hương Tân Cương của cộng đồng dân tộc này cùng với cảnh công an Trung Quốc đi tuần tra.
Việc Mỹ rút ETIM khỏi danh sách khủng bố có thể tạo điều kiện để ETIM phát triển các nguồn lực hậu cần và tài chính, nhân lực, và vũ khí.
Yếu tố Thổ Nhĩ Kỳ
Ngoài ra còn có các dấu hiệu về việc Thổ Nhĩ Kỳ - nơi có cộng đồng Duy Ngô Nhĩ đáng kể, bao gồm hàng ngàn người chạy khỏi Tân Cương, có thể đóng vai trò quân sự và ngoại giao trực tiếp ở Afghaistan sau khi Mỹ rút khỏi đây. Khả năng này cũng tạo thêm rủi ro cho Trung Quốc.
Thổ Nhĩ Kỳ hiện nay đang theo đuổi các tham vọng “tân Ottoman” liên Hồi giáo. Nước này đã cổ xúy cho sự nghiệp Duy Ngô Nhĩ trong một thời gian nhất định. Khi Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị thăm Thổ Nhĩ Kỳ vào tháng 3/2021, khoảng 1.000 người biểu tình Duy Ngô Nhĩ được phép tụ tập ở Istanbul để phản đối sự hiện diện của ông Vương Nghị.
Như vậy, Trung Quốc không chỉ đối mặt vài trăm chiến binh ETIM ở Afghanistan. Họ còn có thể đối diện với một lực lượng kết hợp gồm hàng ngàn chiến binh thánh chiến được hậu thuẫn bởi các nhân tố nhà nước và phi nhà nước với khả năng tiếp cận trực tiếp lãnh thổ Tân Cương thông qua ngả Afghanistan.
Giới phân tích cũng cho rằng vị thế của Trung Quốc bị tổn hại thêm do thiếu các mạng lưới tình báo con người trên thực địa có hiệu quả và khả năng ngăn chặn các đội khủng bố chống Trung Quốc ở Afghanistan.
Các báo cáo mới đây cho thấy Bắc Kinh đang cố gắng nắm tình hình ở Afghanistan. Hồi tháng 12/2020, báo chí Afghanistan cho hay, một “ổ gián điệp” Trung Quốc đã bị bắt giữ ở Afghanistan. Dù Bắc Kinh phủ nhận cáo buộc này, Giám đốc Cục An ninh Quốc gia Afghanistan - Ahmad Zia Saraj, đã xác nhận trước quốc hội Afghanistan rằng thực sự có những cuộc bắt giữ như vậy.
Nguồn VOV.VN biên dịch
Nguồn: Asia Times