Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Euro/USD biến động chưa từng có: Bí ẩn khiến nhà giàu lo sợ
Thứ hai: 11:17 ngày 11/09/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Chưa bao giờ đồng Euro lại giảm xuống đáy lịch sử rồi lại tăng nhanh như vậy so với đồng USD. Đang có những thay đổi rất lớn từ chính sách của các nước làm biến động thị trường tài chính toàn cầu. Điều này khiến cho những người giàu có quen tích trữ ngoại tệ luôn trong tình trạng lo lắng. Các DN kinh doanh xuất nhập khẩu với thị trường này luôn trong tình trạng căng thẳng tính toán.

Cú đảo chiều lịch sử

Đồng euro của châu Âu vừa trải qua một đợt tăng giá nhanh chưa từng có trong vòng một thập kỷ qua. Chỉ trong một khoảng thời gian rất ngắn kể từ đầu năm đến nay, đồng euro đã đảo chiều hoàn toàn, từ một đồng tiền bị nghi ngờ về khả năng tồn tại, trở thành đồng tiền mạnh nhất trong năm 2017.

Xu hướng tăng giá kéo dài cả thập kỷ qua của đồng USD so với Euro bỗng chốc đã thay đổi hoàn toàn.

Trước đó, hồi cuối 2016 và đầu 2017, giới đầu tư chứng kiến một đợt tuột dốc không phanh của đồng euro. Có những thời điểm, euro giảm nhanh, về gần tới ngưỡng ngang bằng so với USD.

Đồng USD giảm giá mạnh so với euro.

Giữa tháng 12/2016, lần đầu tiên đồng USD đã có cơ hội tiến sát tới ngưỡng ngang giá với euro. Người du lịch Mỹ đã suýt có thể sang châu Âu và đổi tiền với tỷ lệ 1 USD đổi 1 euro, thay vì 1 euro đổi 1,4 USD đầu 2014, hay 1 euro đổi 1,6 USD hồi giữa 2008.

Tuy nhiên, đồng tiền chung châu Âu đã chứng kiến một cú bứt phá ngoạn mục trong 8 tháng đầu năm 2017 do kinh tế châu Âu bất ngờ tăng mạnh hơn dự báo, rủi ro chính trị suy giảm và các đồng tiền chính khác giảm giá.

Tính từ đầu năm tới nay, đồng euro đã tăng khoảng 15% so với USD và hiện đã phá vỡ ngưỡng cản quan trọng 1,2 USD đổi 1 euro. Đây cũng là mức tỷ giá được áp dụng khi đồng euro mới được đưa vào giao dịch lần đầu tiên trong lịch sử. Đồng euro cũng tăng khoảng 9% so với bảng Anh, 7% so với đồng Franc Thụy Sỹ.

Sự tăng giá của đồng euro trên thị trường tài chính thế giới đã đảo lộn dự báo của nhiều chuyên gia kinh tế rằng việc Fed tăng lãi suất sẽ làm đồng đô la Mỹ mạnh lên.

Trong khi nền kinh tế châu Âu ổn định hơn, thì tình hình kinh tế Mỹ biến động theo chiều ngược lại. Đồng USD xuống mức thấp nhất nhiều tháng do tình hình căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên và một số phát biểu thận trọng của các quan chức Cục Dữ trữ Liên bang Mỹ (Fed).

Trong nước, giá euro tại các ngân hàng thương mại tăng nhanh và đang ở mức cao nhất trong hơn 2,5 năm trở lại đây đã tác động khá mạnh đến hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp.

So với đầu năm, giá euro đã tăng khoảng 3,5 ngàn đồng, tương đương với mức tăng khoảng 15%. Từ mức giá 24,1 ngàn đồng (giá ngân hàng bán ra), đồng euro đã tăng lên mức hơn 27,6 ngàn đồng như ở vào thời điểm hiện tại.

Đồng euro tăng giá mạnh đã tác động tiêu cực tới nhiều doanh nghiệp đang vay nợ bằng đồng tiền này. Xi măng Bỉm Sơn (BCC), Bút Sơn (BTS), Nhiệt điện Nhơn Trạch (NT2)… đều đang có dư nợ bằng euro. NT2 vừa báo lỗ do trích lập dự phòng tỷ giá lên tới gần 130 tỷ đồng…

Ẩn số chính sách của nước Mỹ

Đồng euro tăng nhanh trở lại so với rổ các đồng tiền chủ chốt khác một phần rất lớn là do đồng USD suy giảm mạnh trong thời gian gần đây. Sau một thời gian tăng dữ dội hồi cuối năm ngoái, đồng USD đã rơi vào thời kỳ giảm giá kéo dài.

Tỷ giá biến động mạnh.

Đồng bạc xanh giảm và chưa có tín hiệu hồi phục là do giới đầu tư bán tháo đồng tiền này. Giới đầu tư trên thị trường đã đánh mất kỳ vọng về triển vọng một nền kinh tế Mỹ tươi sáng hơn dựa trên những cam kết thúc đẩy thúc đẩy tăng trưởng của Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Hàng loạt các cam kết chính sách kinh tế của ông Trump vẫn chưa thể trở thành hiện thực và có thể sẽ rất khó trở thành hiện thực bởi Nhà Trắng vẫn đang trải qua giai đoạn khó khăn trong việc thuyết phục đảng đối lập và quốc hội về các chính sách của mình.

Euro tăng và có thể sẽ giữ vững ngôi vị là đồng tiền mạnh nhất năm 2017 còn do nền kinh tế khu vực đồng tiền chung châu Âu đang ấm lên và tỷ lệ thất nghiệp giảm đi thấy rõ, đặc biệt ở Đức và Pháp.

Trong phiên họp chính sách vừa qua, Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) vẫn giữ chính sách tiền tệ không đổi: lãi suất thấp và chưa cắt giảm chương trình mua trái phiếu. Tuy nhiên, tăng trưởng kinh tế năm 2017 được nâng từ 1,9% trước đó lên 2,2%. Hàng loạt các đánh giá cho rằng, nền kinh tế khu vực eurozone đang hồi phục vững chắc.

Một điều quan trọng nữa là, nước Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump chủ trương giảm thâm hụt thương mại với các nước, mà muốn gia tăng xuất khẩu, thì một đồng tiền yếu ở mức vừa phải là thượng sách.

Lần đầu tiên trong 4 đời tổng thống Mỹ, ông Donald Trump tính đảo ngược chính sách “đồng USD mạnh”. Điều đó có nghĩa là đồng USD có thể sẽ được dùng như một vũ khí trong quan hệ thương mại giữa Mỹ và các nước, thách thức Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật và cả châu Âu.

Ông Trump đã từng buộc tội cả Nhật, Đức và Trung Quốc về việc duy trì các đồng tiền yếu hoặc/và phá giá đồng tiền khu vực để giành lợi thế cạnh tranh và đạt thặng dư thương mại với Mỹ trong các năm trước đó.

Gần đây, ông Trump cũng đã khởi động 1 cuộc chiến thương mại giữ 2 nền kinh tế số 1 và số 2 trên thế giới bằng việc ký sắc lệnh ủy quyền tiến hành điều tra cáo buộc về những vi phạm bản quyền trí tuệ Mỹ của Trung Quốc.

Không chỉ ông Trump, nhiều đại diện Fed gần đây đều cho biết, Fed có phần trách nhiệm đối với việc lương tăng chậm và lạm phát thấp. Hiện tại, lạm phát của Mỹ thấp hơn nhiều so với mục tiêu đặt ra, vì vậy Fed sẽ tiếp tục cẩn trọng về việc nâng lãi suất. Điều này khiến đồng USD giảm mạnh.

Hiện tại, tỷ lệ đặt cược vào khả năng Mỹ điều chỉnh lãi suất thêm một lần nữa trong tháng 12 đã giảm xuống dưới mức 30%.

Nguồn vietnamnet

Từ khóa:
Tin cùng chuyên mục