Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Trong nỗ lực chống tin giả, Facebook cung cấp nhiều mẹo cho hàng triệu người dùng để họ biết được tin tức nào là sai sự thật.
Khi truy cập ứng dụng Facebook trên di động, người dùng tại 14 quốc gia sẽ nhìn thấy hướng dẫn xác định tin giả mạo. Thời gian gần đây, mạng xã hội bị chỉ trích vì chưa làm đủ để ngăn chặn tin xuyên tạc lan truyền trên nền tảng. Dù đã thử nghiệm hệ thống cảnh báo trước các liên kết có vấn đề cũng như cắt quảng cáo đến những website chứa tin giả, Facebook vẫn muốn làm thêm nhiều điều để người dùng đưa ra quyết định đúng.
Adam Mosseri, Phó Chủ tịch phụ trách Quản lý sản phẩm Facebook, viết trên blog: “Tin sai sự thật gây hại tới cộng đồng, khiến thế giới được thông tin ít hơn, làm xói mòn lòng tin. Tất cả chúng ta – doanh nghiệp công nghệ, công ty truyền thông, hãng tin, giáo viên – có trách nhiệm giải quyết điều đó”.
Facebook hi vọng với các mẹo mới, mọi người sẽ quyết định đúng đắn nên đọc, tin và chia sẻ tin tức nào. Điểm đáng chú ý trong thông báo của mạng là thuật ngữ “tin sai sự thật” (false news) thay vì “tin giả mạo” (fake news). Fake news là từ ưa thích của Tổng thống Mỹ Donald Trump khi công kích một số hãng thông tấn. Tháng trước, CEO Tim Cook trả lời The Telegraph trong một cuộc phỏng vấn rằng tin giả mạo đang “giết chết tâm trí mọi người”.
10 mẹo giúp nhận biết tin sai sự thật của Facebook: 1. Để ý tít bài: Tít bài tin tức giả mạo thường rất “kêu” và chứa nhiều ký tự viết hoa, từ cảm thán. Nếu tít nghe phi thực tế, nội dung có thể cũng như vậy. 2. Quan sát kỹ URL: Nhiều tin giả mạo mô phỏng nguồn tin xác thực bằng cách tạo ra một số thay đổi nhỏ trên URL. Bạn có thể truy cập vào website để so sánh URL với nguồn đáng tin cậy. 3. Kiểm tra nguồn tin: Bảo đảm câu chuyện đến từ nguồn có uy tín. Nếu nó đến từ một trang bạn chưa nghe qua bao giờ, hãy vào mục “About” để tìm hiểu thêm. 4. Tìm kiếm định dạng bất thường: Nhiều tin giả mạo thường chứa lỗi ngữ pháp và chính tả cũng như bố cục rất kinh khủng. 5. Kiểm tra ảnh bài viết: Tin giả mạo thường chứa các ảnh/video đã được chỉnh sửa. Đôi lúc, đây là ảnh thật nhưng được đặt không đúng bối cảnh. Bạn có thể thực hiện lệnh tìm kiếm trên Internet để xem nguồn gốc. 6. Kiểm tra ngày tháng: Tin giả mạo có thể chứa các mốc thời gian vô nghĩa hoặc ngày tháng sai, bị chỉnh sửa. 7. Kiểm tra bằng chứng: Kiểm tra nguồn tin của tác giả để xác nhận thông tin chính xác. Nếu không có bằng chứng hay phụ thuộc vào chuyên gia giấu tên, nó có thể là một dấu hiệu của tin giả mạo. 8. Xem các bài viết khác: Nếu không có hãng nào đưa tin về câu chuyện này, rất có thể đây là tin sai sự thật. 9. Đây là câu chuyện đùa? Thi thoảng một bài viết giả mạo rất khó để phân biệt với các bài báo hài hước. Bạn nên kiểm tra xem nguồn tin có chuyên viết chuyện hài không hay các chi tiết và giọng điệu của bài viết. 10. Một số câu chuyện sai có chủ đích: Hãy suy nghĩ thận trọng về bài báo bạn đọc và chỉ chia sẻ những gì mà bạn biết là đáng tin. |
Nguồn ICTNews