Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Fitch Ratings nâng triển vọng nền kinh tế Việt Nam lên mức Tích cực
Chủ nhật: 08:47 ngày 21/05/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Ngân hàng Nhà nước vừa cho biết, Tổ chức đánh giá tín nhiệm Fitch Ratings tiếp tục xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam ở mức BB- và nâng triển vọng tín nhiệm của Việt Nam lên Tích cực từ mức Ổn định trước đó.

Xếp hạng của Việt Nam cho thấy sự tăng trưởng và triển vọng kinh tế mạnh mẽ, thặng dư tài khoản vãng lai bền vững, chi phí vay nợ có thể kiểm soát được và dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) được duy trì ổn định.

Fitch Ratings nâng triển vọng kinh tế Việt Nam lên mức Tích cực do Việt Nam thể hiện rõ mục tiêu hoạch định chính sách nhằm bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô. Cụ thể là cho phép tỷ giá hối đoái linh hoạt hơn và kiềm chế lạm phát ổn định đã thu hút mạnh nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài và giữ được đà tăng trưởng kinh tế cao.

GDP thực của Việt Nam tăng 6,2% năm 2016, mức tăng trưởng bình quân GDP 5 năm tăng 5,9%, cao hơn so với mức tăng trưởng bình quân 3,4% (của các nước có xếp hạng BB).

Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam còn được hỗ trợ bởi lĩnh vực sản xuất để xuất khẩu và sự mở rộng ổn định của khối dịch vụ, mặc dù lĩnh vực khai thác mỏ còn yếu do những khó khăn của ngành khai thác dầu và khí gas.

Fitch kỳ vọng tăng trưởng GDP thực của Việt Nam sẽ cao hơn so với dự báo, lên mức 6,3% vào năm 2017 và 6,4% năm 2018; FDI tiếp tục được đầu tư vào ngành sản xuất và tiêu dùng tư nhân tăng mạnh.

Dự trữ ngoại hối của Việt Nam tiếp tục được cải thiện, đạt mức 37 tỷ USD vào cuối năm 2016, so với mức 28,6 tỷ USD thời điểm cuối năm 2015, nhờ cơ chế điều hành tỷ giá mới được áp dụng từ đầu năm 2016, nhằm tăng tính linh hoạt cho tỷ giá hối đoái cùng với thặng dư tài khoản vãng lai mạnh mẽ và nguồn vốn FDI dồi dào.

Chính phủ Việt Nam đã cam kết mạnh mẽ việc duy trì nợ công dưới mức trần cho phép bằng các biện pháp tài khóa và hạn chế phát hành bảo lãnh. Tiền lãi từ chương trình cổ phần hóa có thể giúp kiềm chế nợ công phát sinh trong những năm tới.

Fitch cũng dự báo thâm hụt ngân sách năm 2016 là 5,7% GDP, thấp hơn so với mức 6,2% của năm 2015. Chính phủ Việt Nam đã cam kết giảm mạnh thâm hụt và nợ trong kế hoạch ngân sách giai đoạn 2016 – 2020. Fitch kỳ vọng Việt Nam tiếp tục duy trì được mức thâm hụt ngân sách 5,7% so với GDP trong giai đoạn 2017 – 2018.

Fitch cũng cho rằng, việc nới lỏng điều kiện kinh doanh sẽ giúp cho Việt Nam đang tiến sát đến mức xếp hạng bình quân “BB”.

Fitch đánh giá triển vọng của lĩnh vực ngân hàng ở mức ổn định, nhưng vẫn còn một số thách thức như cần thời gian hoàn thiện khung pháp lý để xử lý nợ xấu. Fitch tin rằng sự cải thiện về các hoạt động kinh tế có thể hỗ trợ giảm nợ xấu, nhưng cũng cần đề phòng việc tăng trưởng tín dụng nhanh và kéo dài có thể gây rủi ro cho sự ổn định tài chính trong trung hạn.

Nguồn Báo Nhân dân

Tin cùng chuyên mục