Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Ngày 8.6, các bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng trung ương của Nhóm 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) nhóm họp tại Fukuoka, Nhật Bản. Đây là diễn đàn quan trọng để 20 nền kinh tế chủ chốt thảo luận về các vấn đề nóng của kinh tế thế giới.
Các bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng trung ương nhóm G20 thảo luận tại hội nghị.
Đối phó với trốn thuế
Theo Reuters, trong phiên làm việc đầu tiên hội nghị, nhóm bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng trung ương G20 đặt trọng tâm vào việc đối phó với hoạt động trốn thuế và đồng ý đẩy mạnh nỗ lực soạn thảo các quy định chung nhằm thu hẹp những thủ thuật trốn thuế mà các tập đoàn công nghệ khổng lồ đang sử dụng. Hiện các tập đoàn công nghệ lớn trên thế giới như Facebook, Google, Amazon cũng như nhiều công ty công nghệ cao khác đang hứng chịu hàng loạt chỉ trích của dư luận khi cắt giảm hóa đơn thuế mà doanh nghiệp phải trả bằng cách chuyển khai báo lợi nhuận sang các nước áp thuế thấp đối với doanh nghiệp - một hành động vốn được xem là không công bằng trong hoạt động doanh nghiệp. Các quy định mới cũng khiến nhiều quốc gia khó có thể thu hút được vốn đầu tư nước ngoài do không thể áp mức thuế suất thấp dành cho doanh nghiệp.
Ngoài việc đối phó với hoạt động trốn thuế, hội nghị còn tập trung vào các cuộc thảo luận gồm: Các rủi ro và thách thức đối với kinh tế toàn cầu; Các hành động cụ thể để tăng cường tiềm năng tăng trưởng trong trung hạn; Các phản ứng chính sách đối với những thay đổi về kinh tế và xã hội xuất phát từ sự đổi mới công nghệ và toàn cầu hóa. Dự kiến, các bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng trung ương G20 có thể sẽ nhất trí về việc soạn thảo các biện pháp bổ sung trong thời gian từ nay đến năm 2021 nhằm chống lại các hoạt động rửa tiền và tài trợ cho các nhóm khủng bố thông qua các tài sản mã hóa, tăng cường các quy định liên quan tới các công ty quản lý sàn giao dịch tiền ảo.
Giải quyết mâu thuẫn thương mại
Theo giới phân tích, hội nghị diễn ra trong bối cảnh các mâu thuẫn thương mại đang có xu hướng gia tăng cả về số lượng, quy mô và tính phức tạp. Do đó, mâu thuẫn thương mại và các giải pháp để xử lý mâu thuẫn thương mại được xem là một trong những chủ đề nóng tại hội nghị này. Với tư cách nước chủ nhà, Nhật Bản đã đề nghị xử lý tình trạng mất cân đối bên ngoài giữa các nền kinh tế, trong đó có mất cân đối cán cân vãng lai, vốn đang là nguyên nhân chủ yếu dẫn tới các mâu thuẫn thương mại.
Theo Phó Thủ tướng Nhật Bản Taro Aso, tình trạng mất cân đối bên ngoài được giải quyết tốt nhất bằng cách khôi phục cân bằng giữa tiết kiệm và đầu tư thông qua cơ chế hợp tác đa phương hơn là các biện pháp thương mại song phương.
Nhật Bản dự định thúc giục các nước giải quyết vấn đề này thông qua khuôn khổ đa quốc gia thay vì áp thuế quan lẫn nhau. Trong khi đó, Trung Quốc và Liên minh châu Âu (EU) muốn đưa vào tuyên bố chung của hội nghị lời kêu gọi chống lại chủ nghĩa bảo hộ trong bối cảnh Washington đã tăng thuế đối với nhiều mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc và một số mặt hàng nhập khẩu từ EU. Tuy nhiên, Mỹ lại muốn nhấn mạnh rằng nước này chống lại các thông lệ thương mại không công bằng. Vì vậy, làm thế nào để dàn xếp những bất đồng này là một nhiệm vụ không hề dễ dàng cho nước chủ nhà.
Một vấn đề khác mà Nhật Bản dự kiến đề cập và có thể nhận được sự đồng thuận của các nước, đó là các tác động tiêu cực của vấn đề già hóa dân số. Đây không chỉ là vấn đề của nước chủ nhà mà còn là vấn đề chung của một số nền kinh tế phát triển khác.
Nguồn SGGPO (tổng hợp)