Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Các hoạt động nằm trong khuôn khổ Hội nghị Thượng đỉnh G20 năm 2023 (diễn ra tại Ấn Độ) đều thất bại trong việc ra một tuyên bố chung, với nhiều lý do khác nhau.
Cả Hội nghị các Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương lẫn Hội nghị các Bộ trưởng Ngoại giao Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) - các hoạt động nằm trong khuôn khổ Hội nghị Thượng đỉnh G20 năm 2023 (diễn ra tại Ấn Độ) đều thất bại trong việc ra một tuyên bố chung, với nhiều lý do khác nhau. Tuy nhiên, ở một khía cạnh nào đó, có lẽ cũng đã có một tuyên bố chung được đưa ra trong âm thầm: Tuyên bố về sự chia rẽ, dưới lớp vỏ vẫn còn gắn kết.
1. Ở Hội nghị các Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương G20, vào ngày 25/2, nguyên nhân khiến các đại biểu tham dự hội nghị không thể thống nhất nội dung tuyên bố chung là “sự bất đồng về các từ ngữ được sử dụng” trong văn bản ấy.
Đó là một cách sử dụng uyển ngữ khéo léo, từ nước chủ nhà Ấn Độ. Thực tế, tất cả các hãng tin lớn hàng đầu thế giới (Reuters, AP, AFP) đều tường thuật một cách thống nhất: Phía Nga cáo buộc Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và Nhóm các nước phát triển công nghiệp (G7) cản trở cuộc họp của các Bộ trưởng Tài chính, bằng cách cố gắng áp đặt thông qua một tuyên bố chung về tình hình Ukraine. Bộ Ngoại giao Nga tuyên bố thẳng thừng: “Chúng tôi lấy làm tiếc rằng các hoạt động của G20 tiếp tục bị tác động bởi phương Tây và được sử dụng theo hướng chống Nga”.
Nhiệm vụ nhọc nhằn của nước chủ nhà Ấn Độ.
Ở chiều ngược lại, dĩ nhiên, là những lời công kích từ thế giới phương Tây nhắm về phía Moscow. Cuối cùng, khi Nga và Trung Quốc từ chối ký tuyên bố chung, việc thiếu sự đồng thuận tuyệt đối giữa các thành viên G20 khiến Ấn Độ bắt buộc phải đưa ra một “bản tóm tắt của chủ tọa”. Theo đó, “có những quan điểm về cách đánh giá khác nhau về tình hình, cũng như các biện pháp trừng phạt...”.
Lập trường trung lập và những cố gắng kết nối vẫn được Ấn Độ nỗ lực duy trì, tại Hội nghị các Bộ trưởng Ngoại giao G20, nơi căng thẳng Nga - phương Tây tiếp tục được đẩy lên cao trong các phòng họp. Như bất cứ ai cũng có thể dự đoán, mọi chuyện chẳng có gì thay đổi, trừ những lời chỉ trích được đưa ra công khai và mạnh mẽ hơn.
Ngày 2/3, một loạt vấn đề đạt được đồng thuận sau phiên họp cuối, nhưng thông cáo chung vẫn không thể được đưa ra. Thay vào đó, hội nghị lại cũng bắt buộc phải thông qua Tài liệu tóm tắt và kết quả của chủ tọa. Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ S.Jaishankar nêu rõ: Những tài liệu này phản ánh quyết tâm của G20 trong việc đối phó với những thách thức toàn cầu cấp bách. Ông nhấn mạnh: Hội nghị đã tập trung vào những khía cạnh có thể "giúp đoàn kết" các bên.
Xét cho cùng, với không chỉ một mình nước Nga, “G20 không phải là diễn đàn để giải quyết các vấn đề an ninh” (điều đã từng được đề cập trong tài liệu mang tên Tuyên bố Bali), cho dù họ thừa nhận rằng “các vấn đề an ninh có thể gây ra những hậu quả đáng kể cho nền kinh tế toàn cầu”.
2. Dù vậy, kể cả khi bỏ qua các thông điệp mang nhiều màu sắc ngoại giao hơn là thực chất, Hội nghị Thượng đỉnh G20 năm 2023 cũng đã chứng kiến một vài những động thái thực tế rất đáng chú ý.
Đơn cử, vào ngày 2/3, vượt qua mọi mâu thuẫn, Hội nghị các Bộ trưởng Ngoại giao đã nhất trí: Liên minh châu Phi (AU) sẽ trở thành thành viên đầy đủ của nhóm. Đây là thông tin được chính Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov xác nhận: “Chúng tôi đã nhất trí rằng từ nay AU sẽ trở thành thành viên đầy đủ của G20, giống như Liên minh châu Âu (EU) vài năm trước”. Điều đáng chú ý là: Từ ngày 9/12/2022, người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ John Kirby đã hé lộ: Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ kêu gọi đưa AU vào G20, với quy chế thành viên đầy đủ, nhằm trao cơ hội cho các quốc gia ở châu lục này tham gia sâu hơn vào nhiều vấn đề chung toàn cầu.
Ông Kirby nói rõ: Mỹ cần nhiều tiếng nói của châu Phi hơn trong các cuộc đối thoại quốc tế, như kinh tế, khí hậu, chính sách y tế và an ninh quốc gia. Cũng rất đáng chú ý: AU có 55 quốc gia thành viên, nhưng chỉ có duy nhất Nam Phi là thành viên G20.
Hội nghị thượng đỉnh G20 lần này thể hiện rõ thêm rạn nứt Đông – Tây.
Sự đồng thuận này giữa Moscow với Washington thực ra cũng không có gì đáng ngạc nhiên. Đặt nó vào bối cảnh châu Phi đang trở thành một “điểm đến” tấp nập những chuyến công du, từ cả các nhân vật lãnh đạo cao cấp của Mỹ, Nga, Trung Quốc, EU..., ta có thể thấy rõ sức nóng của một cuộc cạnh tranh ảnh hưởng gay gắt, mà việc ủng hộ trao quy chế thành viên G20 đầy đủ cho AU là điều không nhà ngoại giao chuyên nghiệp nào lại phản đối. Chính sự đồng thuận này, cho dù là với mục đích gì, cuối cùng cũng sẽ thúc đẩy việc chung tay giải quyết những vấn đề còn liên hệ mật thiết đến sự tồn vong của loài người hơn là chiến dịch quân sự đặc biệt ở Donbass. Ta có thể hình dung, những dòng đầu tư và các kế hoạch phát triển đổ vào “Lục địa Đen” sẽ có thể ảnh hưởng tích cực đến cuộc chiến chống lại đói nghèo cũng như các nguy cơ khủng hoảng lương thực hay nhân đạo, xóa nhòa những khoảng cách, thúc đẩy phát triển bền vững, hạn chế các tác động của tiến trình biến đổi khí hậu và cả chuyện tăng cường sản xuất năng lượng sạch. Điểm cuối cùng, từ nửa sau năm 2022, các dự án “nhiên liệu xanh” đã được không ít nước châu Âu thúc đẩy xây dựng tại châu Phi, song song với việc mở rộng các nguồn cung dầu và khí đốt tự nhiên hóa lỏng.
3. Bên cạnh đó, nếu Ấn Độ không thể hoàn tất được nhiệm vụ nhọc nhằn là tạo nên đồng thuận trong các thông cáo chung bế mạc, thì bên lề những cuộc họp, lợi ích mà họ nhận được là việc Trung Quốc khẳng định coi trọng mối quan hệ với Ấn Độ. “Trung Quốc và Ấn Độ là những nền văn minh cổ đại và cả hai đều có hơn một tỷ dân. Chúng tôi là láng giềng và đều là những nền kinh tế mới nổi. Mối quan hệ Trung Quốc - Ấn Độ lành mạnh đáp ứng lợi ích cơ bản của cả hai quốc gia và người dân hai nước” - người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh nhấn mạnh, ngày 2/3. Ngay sau đó, Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ S. Jaishankar và người đồng cấp Trung Quốc Tần Cương tập trung thảo luận về việc giải quyết những thách thức hiện nay đối với quan hệ song phương, đặc biệt là hòa bình và ổn định tại khu vực biên giới, trong một cuộc gặp riêng.
Khi những mối dây liên kết ấy giữa các nền kinh tế mới nổi trở nên chặt chẽ hơn, đủ để Trung Quốc lên tiếng kêu gọi thúc đẩy chủ nghĩa đa phương “thực chất; thúc đẩy phát triển toàn cầu hóa; tạo sự đồng thuận; hiện thực hóa các kết quả đã đạt được tại hội nghị thượng đỉnh G20 ở Bali (Indonesia) vào tháng 11 năm ngoái”, thì trong nội bộ thế giới phương Tây, những khác biệt về quan điểm lại hé lộ.
Ngày 3/3, Đại diện cấp cao về chính sách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) Josep Borrell cho rằng "cần duy trì biện pháp đối thoại hoặc ít nhất là lắng nghe nếu không đối thoại" với Nga. Đồng thời, ông cũng khẳng định sẽ phản đối mọi nỗ lực loại Nga khỏi G20 - vốn là cơ cấu đại diện cho các nền kinh tế lớn của thế giới.
Vị đại diện cấp cao của EU cũng hé lộ: Ông thấy có một "sự cải thiện nhỏ" trong quan hệ ngoại giao với Moscow khi Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và người đồng cấp Nga Sergei Lavrov có trao đổi ngắn bên lề cuộc họp.
Rõ ràng, kể cả khi sau đó họ cũng vẫn “đấu khẩu” với nhau dữ dội trong chương trình nghị sự thì việc duy trì những kênh đối thoại vẫn luôn là điều tối cần thiết. Hay nói như Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Shunichi Suzuki: “Việc chúng tôi không thể đưa ra tuyên bố chung không có nghĩa là G20 mất đi ý nghĩa. Tôi tin rằng chúng ta sẽ tiếp tục những cuộc thảo luận theo hình thức hiện tại và theo đuổi các thỏa thuận khi có thể”.
Song, kể cả như vậy thì “sự cải thiện nhỏ” này cũng chưa nói lên được điều gì, còn tương lai gần của hợp tác phát triển toàn cầu thì vẫn khá mịt mờ. Phủ cái bóng quá lớn của mình xuống những Hội nghị Thượng đỉnh G20 gần đây, các vấn đề địa chính trị vẫn đang đẩy hầu như mọi tiến trình vào bế tắc, khi tất cả các bên đều tỏ ra không khoan nhượng.
Và, sự làm rõ rạn nứt Đông - Tây (trong khi cộng đồng các quốc gia Nam bán cầu còn chưa kịp vươn mình để gánh vác những sứ mệnh quan trọng hơn) trên quỹ đạo xác lập một trật tự thế giới mới, có thể nói, chính là một kiểu “Tuyên bố chung không lời”.
Nguồn CAND