Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Thế giới ghi nhận hơn 244.000 người chết vì nCoV trong gần 3,5 triệu ca nhiễm, một số nước bắt đầu nới phong tỏa sau khi qua đỉnh dịch.
212 quốc gia và vùng lãnh thổ hôm nay ghi nhận tổng cộng 3.478.152 ca nhiễm và 244.461 ca tử vong do nCoV, tăng lần lượt 134.850 và 5.955 so với hôm qua, trong đó hơn 1,1 triệu người đã hồi phục, theo thống kê của WorldoMeters.
Mỹ hiện là vùng dịch lớn nhất thế giới với 1.158.881 ca nhiễm nCoV, tăng 27.851 ca so với hôm trước, nhưng thấp hơn so với mức tăng 36.007 ca nhiễm mới hôm 1/5. Thêm 1.540 người chết vì nCoV, nâng tổng số lên 67.293.
New York là bang chịu ảnh hưởng nặng nhất từ Covid-19 với 319.213 ca nhiễm, tăng 3.991 so với hôm trước. Trong số này, thêm 299 người chết, cao hơn mức 289 hôm trước, nâng tổng số lên 24.368.
Khoảng một nửa số bang tại Mỹ đã nới các biện pháp hạn chế để ngăn dịch bệnh lây lan từ ngày 1/5, khi số ca nhiễm mới bắt đầu giảm hoặc đi ngang. Bang Texas cho phép các doanh nghiệp hoạt động trở lại từng phần, các cửa hàng bán lẻ và trung tâm thương mại được mở cửa trở lại với 25% công suất. Tại Georgia, gần như mọi doanh nghiệp đã hoạt động trở lại.
Tây Ban Nha xác nhận thêm 1.366 ca nhiễm nCoV, giảm nhẹ so với mức 1.781 ca hôm trước, nâng tổng người nhiễm lên 216.582, trong đó 25.100 người chết, tăng 276 ca trong 24 giờ qua. Nước này là vùng dịch lớn thứ hai thế giới và lớn nhất châu Âu.
Dân Tây Ban Nha được phép ra ngoài tập thể dục từ 2/5, sau 7 tuần phong tỏa. Tuy nhiên, giới chức Tây Ban Nha liên tục khuyến cáo người dân tránh tụ tập đông người khi nước này nới lỏng các biện pháp hạn chế xã hội.
Italy ghi nhận thêm 1.900 ca nhiễm và 474 ca tử vong, nâng tổng số lên lần lượt 209.328 và 28.710. Ca nhiễm mới tại Italy giảm nhẹ, song số người chết tăng đáng kể so với mức 269 hôm trước. Số bệnh nhân được chăm sóc tích cực tiếp tục giảm nhẹ từ 1.578 xuống 1.539.
Anh là vùng dịch lớn thứ tư thế giới với 182.260 ca nhiễm và 28.131 ca tử vong, tăng 4.806 và 621 so với hôm trước. Nước này có tỷ lệ tử vong vì nCoV cao thứ hai thế giới, sau Mỹ.
Thủ tướng Boris Johnson nói Anh đã qua đỉnh dịch nhưng vẫn còn quá sớm để nới lỏng lệnh phong tỏa được ban hành hôm 23/3. Chính phủ Anh hứng chỉ trích nặng nề từ phe đối lập vì sai lầm trong giai đoạn đầu của đại dịch.
Pháp xác nhận thêm 1.050 ca nhiễm và 166 ca tử vong, nâng tổng số lên 168.396 và 24.760. Số ca tử vong tại Pháp tiếp tục giảm và thấp nhất kể từ cuối tháng 3.
Nước này dự kiến nới phong tỏa và cho phép một số trường học mở cửa trở lại sau 11/5, song các cơ sở kinh doanh không thiết yếu sẽ tiếp tục phải dừng hoạt động. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cảnh báo đất nước chưa thể trở lại bình thường sau ngày 11/5 và đây chỉ là một trong các giai đoạn phục hồi.
Đức ghi nhận thêm 940 ca nhiễm và 94 ca tử vong, giảm so với mức 1.068 và 133 hôm trước. Tổng số ca nhiễm và chết vì nCoV tại Đức lần lượt là 161.703 và 1.639. Giới chức Đức sẽ họp vào ngày 6/5 để quyết định việc mở lại trường học, nhà hàng và tổ chức các trận bóng đá.
Nga báo cáo thêm 9.623 ca nhiễm nCoV, mức tăng ca nhiễm mới cao nhất từ trước tới nay, nâng tổng số lên 124.054. Thêm 53 người chết, giảm đáng kể so với mức 96 hôm trước, nâng tổng số lên 1.222. Nga đứng thứ 8 thế giới về số ca nhiễm song đứng thứ 20 về số ca tử vong.
Một số quan chức cấp cao Nga gồm Thủ tướng Mikhail Mishustin, Bộ trưởng Vladimir Yakushev và Thứ trưởng Dmitry Volkov dương tính với virus. Giới chức y tế Nga cảnh báo đợt bùng phát Covid-19 thứ hai tại nước này có thể diễn ra vào mùa thu năm nay.
Brazil là vùng dịch lớn nhất khu vực Mỹ Latin với 92.630 ca nhiễm và 6.434 ca tử vong, tăng lần lượt 521 và 24. Giới chức Brazil lo ngại số người chết vì nCoV có thể cao hơn báo cáo, trong khi các chuyên gia y tế tin rằng số ca nhiễm có thể cao hơn 12-15 lần do năng lực xét nghiệm của nước này bị hạn chế.
Mexico báo cáo 20.739 ca nhiễm và 1.972 ca tử vong, tăng lần lượt 1.515 và 113 so với hôm trước. Bất chấp số ca nhiễm mới gia tăng, lãnh đạo các doanh nghiệp đang kêu gọi chính phủ Mexico nới lỏng hạn chế với ngành công nghiệp ở nước này.
Tại Trung Đông, Arab Saudi xác nhận 1.362 ca nhiễm và 7 ca tử vong mới, nâng tổng số lần lượt lên 25.459 và 176. Arab Saudi nới lỏng lệnh giới nghiêm ban ngày trong tháng lễ Ramadan của đạo Hồi, song khu vực thánh địa Mecca vẫn bị phong tỏa 24/7.
Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) báo cáo 561 ca nhiễm mới và thêm 8 ca tử vong, nâng tổng số lên lần lượt 13.599 và 119.
Iran, vùng dịch lớn nhất châu Á, ghi nhận thêm 802 ca nhiễm nCoV, mức tăng thấp nhất kể từ hôm 10/3, nâng tổng số lên 96.448. Thêm 65 người chết, tăng nhẹ so với mức 63 hôm qua, nâng tổng số lên 6.156.
Thứ trưởng Y tế Iran Iraj Harirchi cảnh báo xu hướng giảm số ca nhiễm có thể nhanh chóng bị đảo ngược nếu dân chúng bất cẩn trong thực hiện các khuyến cáo phòng chống dịch. Iran đang mở cửa trở lại nền kinh tế theo từng giai đoạn và đang cân nhắc cho phép các trung tâm văn hóa, thể thao và tôn giáo hoạt động lại.
Trung Quốc và Hàn Quốc hôm nay chưa công bố báo cáo tình hình Covid-19. Hai nước thường thông báo số liệu vào khoảng 7h30-9h00 hàng ngày.
Hàng triệu người Trung Quốc đổ ra đường hoặc đi du lịch trong kỳ nghỉ 5 ngày dịp Quốc tế Lao động 1/5 với thái độ lạc quan và thận trọng. Tại các địa điểm nổi tiếng như Tử Cấm Thành, khách tham quan được yêu cầu giữ khoảng cách 2 mét, tránh tụ tập và không được khạc nhổ.
Tại Nam Á, Ấn Độ ghi nhận số ca nhiễm nCoV mới cao kỷ lục ở mức 2.293, nâng tổng số người nhiễm lên 37.366. Thêm 66 người chết, nâng tổng số ca tử vong lên 1.218.
Lệnh phong tỏa toàn quốc ở Ấn Độ đã kéo dài gần 6 tuần và dự kiến kết thúc vào cuối tuần này. Thủ tướng Narendra Modi cho phép nối lại một số hoạt động nông nghiệp và công nghiệp tại những khu vực ít chịu ảnh hưởng bởi đại dịch. Lệnh phong tỏa của Ấn Độ khiến hàng triệu người lâm vào ảnh thất nghiệp, thiếu lương thực và chỗ ở.
Đông Nam Á xác nhận thêm 1.007 ca nhiễm nCoV, nâng tổng số lên 47.185, trong đó 1.614 người chết, tăng 55 so với hôm trước. Singapore là vùng dịch lớn nhất khu vực với 17.548 ca nhiễm và 16 ca tử vong. Indonesia xếp thứ hai về số ca nhiễm nhưng đứng đầu khu vực về số ca tử vong, lần lượt là 10.843 và 831. Philippines ghi nhận 8.928 người nhiễm nCoV và 603 người chết.
Việt Nam, Lào, Campuchia và Đông Timor là các nước chưa ghi nhận ca tử vong nào do nCoV. Các quốc gia này cùng Brunei không có thêm ca nhiễm mới trong 24 giờ qua. Việt Nam không ghi nhận thêm ca nhiễm mới trong 8 ngày qua và 16 ngày không có ca lây nhiễm trong cộng đồng.
Nguồn VNE