Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Bà Dơm kể, năm 1989, sau khi theo ông Lợi về Việt Nam, bà chỉ có mảnh giấy khai sinh. Từ sau sự cố nhà cháy năm 1992 ở ấp Giồng Cà, mảnh giấy đó cũng không còn. Từ đó, bà trở thành người không có giấy tờ hợp pháp, di cư tự do, kết hôn không giá thú. Gia đình trình báo với chính quyền địa phương, bà được chính quyền xã xác nhận, nhưng đến nay, bà vẫn là người tạm trú có thời hạn.
Bà Mơn Dơm (bên trái).
Từ lâu lắm rồi, người dân sống ở tổ 8, ấp Giồng Cà (xã Bình Minh, TP. Tây Ninh) đã quá quen thuộc với hình ảnh một người đàn bà dáng gầy, nước da đen nhẻm, tóc xoăn, đôi chân gân guốc vì hằng ngày phải lội bộ đi giẫy cỏ mì thuê trên những cánh đồng, bất kể nắng, mưa. Đó là bà Mơn Dơm (SN 1966), một người Khmer theo chồng là bộ đội Việt Nam- sau khi hoàn thành nghĩa vụ quốc tế trên chiến trường Campuchia về đây sinh sống.
Gần 30 năm sống đời tạm trú
Men theo con đường đất đỏ 785 đầy sình lầy, nối liền chợ xã Bình Minh vào ấp Giồng Cà, chúng tôi cùng anh Lê Phước Long- Trưởng Ban công tác Mặt trận xã Bình Minh đến nhà bà Mơn Dơm và ông Huỳnh Tấn Lợi. Trước mắt chúng tôi là căn nhà tạm bợ, xiêu vẹo, nằm chơ vơ giữa cánh đồng mì bạt ngàn, rìa xã Bình Minh, giáp ranh xã Trà Vong, huyện Tân Biên.
Chuyện tình của ông Lợi - bà Dơm là mối tình đầy cảm động giữa anh bộ đội Việt Nam và cô gái Khmer mộc mạc, tại chiến trường Campuchia từ những năm 1986. Ông Lợi sinh năm 1968, quê Cái Bè (tỉnh Tiền Giang).
Ông cùng gia đình về Tây Ninh sinh sống sau những ngày giải phóng. Ngày 27.2.1986, ông được lệnh gọi nhập ngũ, sau đó được điều sang chiến trường Campuchia thực hiện nghĩa vụ quốc tế tại tỉnh Siem Reap.
Trên chiến trường đầy cam go, ác liệt, anh bộ đội tình nguyện Việt Nam và cô thôn nữ Khmer đã phải lòng nhau và đến với nhau dưới sự chứng kiến của anh chị em, bạn bè.
Chuyện tình của hai người tưởng chừng như dừng lại vào cuối năm 1988, khi quân tình nguyện Việt Nam rời đất Campuchia. Nhưng không, bởi sau đó, ông Lợi quay trở lại Siem Reap tìm và đưa bà Dơm về cùng chung sống tại ấp Giồng Cà, xã Bình Minh cho đến nay.
Bà Dơm kể, năm 1989, sau khi theo ông Lợi về Việt Nam, bà chỉ có mảnh giấy khai sinh. Từ sau sự cố nhà cháy năm 1992 ở ấp Giồng Cà, mảnh giấy đó cũng không còn. Từ đó, bà trở thành người không có giấy tờ hợp pháp, di cư tự do, kết hôn không giá thú. Gia đình trình báo với chính quyền địa phương, bà được chính quyền xã xác nhận, nhưng đến nay, bà vẫn là người tạm trú có thời hạn.
Năm 2005, vì mong muốn các con thuận tiện trong quá trình làm khai sinh, đi học, và cũng để “chính danh” trong hôn nhân, hai người đã đến UBND xã Bình Minh xin cấp giấy chứng nhận kết hôn, trong đó bà Dơm được ghi là “người Kinh”, “quốc tịch Việt Nam”.
Tuy nhiên, khi ông Lợi đến UBND xã Bình Minh xin bảo lãnh cho vợ được nhập khẩu, nhập quốc tịch, đồng thời xin thôi quốc tịch Campuchia, thì chưa được xã chấp nhận. Đến nay, bà Dơm vẫn không có bất cứ một giấy tờ tuỳ thân nào, do đó bà không dám đi đâu xa, muốn về thăm quê hương cũng không được.
Ông Nguyễn Minh Nhựt- cán bộ Tư pháp - Hộ tịch UBND xã Bình Minh cho biết, để có cơ sở giải quyết cho bà Mơn Dơm, Công an và Tư pháp xã đã phối hợp xác minh nguồn gốc bà, đồng thời hướng dẫn bà thực hiện các thủ tục theo quy định.
Hồ sơ xin nhập quốc tịch của bà Dơm cũng đã được chuyển về Phòng Tư pháp theo quy định. Năm 2014, hai bên tiến hành xác minh lại và hoàn chỉnh hồ sơ trình cấp có thẩm quyền xem xét.
Đến năm 2016, căn cứ quyết định của UBND thành phố Tây Ninh đề nghị triển khai giải quyết các vấn đề về quốc tịch, hộ tịch và giấy tờ tuỳ thân khác cho người di cư tự do từ Campuchia về thành phố Tây Ninh, Tư pháp và Công an xã đã rà soát, hướng dẫn bà Dơm làm các thủ tục xin nhập quốc tịch Việt Nam.
Đối với trường hợp bà Dơm, chính quyền địa phương đã thực hiện đầy đủ hồ sơ theo trình tự, thủ tục, nhưng không hiểu vì sao đến nay vẫn chưa được giải quyết.
Tiếng nói của người có trách nhiệm
Chủ tịch UBND tỉnh- đại biểu HĐND tỉnh Phạm Văn Tân: “Tạo điều kiện để bà Dơm được nhập tịch đúng theo quy định của pháp luật”.
Vào tháng 6.2017, tại buổi tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thứ tư HĐND tỉnh, cử tri ấp Giồng Cà- xã Bình Minh đã kiến nghị về trường hợp của bà Dơm. Ông Phạm Văn Tân- Chủ tịch UBND tỉnh, đại biểu HĐND tỉnh đã chỉ đạo chính quyền xã Bình Minh xác minh và hướng dẫn cụ thể các thủ tục pháp lý, đồng thời tạo điều kiện để bà Dơm được nhập quốc tịch đúng quy định của pháp luật.
Ông Nguyễn Hữu Mỹ- Phó Chủ tịch UBND TP.Tây Ninh: “Cần phải được hướng dẫn cụ thể”.
Trước chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh và trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri, ông Nguyễn Hữu Mỹ- Phó Chủ tịch UBND thành phố Tây Ninh cho biết, trong trường hợp Việt kiều Campuchia xuất trình được một trong các loại giấy tờ có giá trị chứng minh quốc tịch Việt Nam, hoặc giấy tờ khác do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam xác nhận đương sự còn giữ quốc tịch Việt Nam theo quy định, chính quyền địa phương có trách nhiệm hướng dẫn công dân đến Đội Cảnh sát QLHC về TTXH Công an TP.Tây Ninh để đăng ký theo Luật Cư trú. Ngược lại, nếu công dân không xuất trình được bất kỳ giấy tờ nào thì đến liên hệ Sở Tư pháp làm thủ tục xác nhận có quốc tịch Việt Nam.
Sau khi được Sở Tư pháp cấp giấy xác nhận, công dân đến Đội cảnh sát QLHC về TTXH Công an TP. Tây Ninh để được hướng dẫn đăng ký thường trú theo Luật Cư trú.
Theo ông Nguyễn Hữu Mỹ, trường hợp của bà Dơm, UBND xã Bình Minh cần phải đến Đội Cảnh sát QLHC về TTXH Công an TP. Tây Ninh để được hướng dẫn cụ thể.
Ông Vương Văn Trợ- Phó Giám đốc Sở Tư pháp: Phải bảo đảm đầy đủ các yếu tố theo Luật Quốc tịch.
Hiện nay, trên địa bàn Tây Ninh còn khá nhiều trường hợp đang sinh sống nhưng chưa nhập quốc tịch Việt Nam. Theo quy định, những người muốn nhập quốc tịch Việt Nam phải bảo đảm yêu cầu đã cắt hộ tịch tại nước trước đó đã đăng ký hộ tịch, sau đó phải có đơn xin nhập quốc tịch Việt Nam.
Tất cả những hồ sơ liên quan của người xin nhập quốc tịch Việt Nam sẽ được trình Bộ Tư pháp và Văn phòng Chủ tịch nước xem xét.
Ông Trợ giải thích thêm, hiện, Sở Tư pháp đang khảo sát, rà soát lại từng trường hợp cụ thể. Việc nhập quốc tịch phải thực hiện theo Luật Quốc tịch, nghĩa là phải bảo đảm có đầy đủ các giấy tờ để chứng minh cá nhân người đó đã hoặc chưa có quốc tịch.
Thay lời kết
Tại hội nghị tư pháp các tỉnh có chung đường biên giới Việt Nam - Campuchia lần thứ nhất (được tổ chức tại Tây Ninh vào ngày 29.8 vừa qua), bà Đặng Hoàng Oanh- Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế Bộ Tư pháp Việt Nam phát biểu: “Đến thời điểm hiện nay, Bộ Tư pháp chưa có hoạt động hợp tác nào với Campuchia trong lĩnh vực hộ tịch, quốc tịch, chứng thực, mặc dù trong thời gian qua, Bộ Tư pháp đã tích cực phối hợp với các cơ quan hữu quan của Việt Nam nghiên cứu, đề xuất giải pháp để giải quyết vấn đề về hộ tịch, quốc tịch và giấy tờ tuỳ thân khác cho người dân di cư tự do từ Campuchia về nước nhằm thực hiện chủ trương của Chính phủ Việt Nam về việc giúp người di cư tự do từ Campuchia trở về…”.
Điều chúng tôi mong mỏi là chính quyền cũng như ngành chức năng ở Tây Ninh quan tâm để bà Dơm và những người có cùng hoàn cảnh như bà được nhập tịch Việt Nam, có được giấy tờ tuỳ thân hợp pháp để họ dần ổn định cuộc sống. Bởi vì, đây là nơi gắn bó đã nhiều năm.
Tâm Giang - Hoa Lư