Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Tổng cục Du lịch vừa phối hợp với Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, Trung tâm Nghiên cứu, bảo tồn và phát huy âm nhạc dân tộc tổ chức chương trình khảo sát, tọa đàm nhằm thực hiện chủ trương của Bộ VHTTDL kết nối bảo tàng với nhà hát để tạo ra sản phẩm du lịch mới thu hút khách du lịch.
Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam sẽ thu hút được được nhiều khách du lịch thông qua các sản phẩm, gắn kết mới.
Giải “căn bệnh” lâu năm
Tọa đàm với sự tham gia của hơn 50 doanh nghiệp lữ hành trong nước, với nhiều ý kiến tâm huyết. Trong đó, theo đại diện các công ty lữ hành thì đây là những hạn chế cố hữu của ngành bảo tàng.
Bởi lâu nay, không riêng Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, nhiều bảo tàng trên cả nước được đánh giá chưa chú trọng thiết kế không gian tổng thể khiến cho việc thu hút khách bị ảnh hưởng.
Mặc dù Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam tọa lạc tại một vị trí đẹp của Thủ đô có khuôn viên yên tĩnh, dưới những vòm cổ thụ.
Tuy nhiên, lượng khách đến để tìm hiểu nghệ thuật, thưởng thức những tác phẩm tranh, tượng điêu khắc của nghệ sĩ tên tuổi trong nước còn rất khiêm tốn. Trong đó, bản thân giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam Nguyễn Anh Minh cũng thừa nhận: “Dù bảo tàng nằm ở ngã ba đường Nguyễn Thái Học - Cao Bá Quát nhưng Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam ít được du khách biết đến do đây là đường một chiều”.
Cụ thể, theo ông Minh, lượng khách tham quan trong năm 2016 khoảng 54.000 lượt khách, trong đó 85% là khách quốc tế; trong khi khu Văn Miếu – Quốc Tử Giám ngay bên kia đường Nguyễn Thái Học đón hơn 1,5 triệu lượt khách. Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đang lưu giữ hơn 20.000 tác phẩm của nhiều họa sĩ nổi tiếng Việt Nam, trong đó có 8.000 tác phẩm chưa có điều kiện trưng bày.
“Khi khánh thành Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, Bộ VHTTDL lúc bấy giờ muốn truyền thông điệp tới thế giới rằng người Việt Nam yêu cái đẹp, không chỉ biết cầm súng chiến đấu mà còn biết cầm cọ vẽ. Đây là thông điệp về cái đẹp và hòa bình. Tuy nhiên, phối cảnh bên ngoài khiến nhiều người không biết đến đây là bảo tàng mỹ thuật”- ông Minh cho hay.
Cùng với đó, dưới góc nhìn du lịch theo đại diện các đơn vị lữ hành cũng nhìn nhận nguyên nhân vắng khách của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam là các chiêu thức quảng bá và kiểu thiết kế, trưng bày còn hạn chế, thụ động. Khối lượng di sản khổng lồ đang được trưng bày và lưu giữ tại đây vì thế cũng chưa được phát huy hết giá trị.
Bà Nguyễn Thị Kim Khánh - Chánh văn phòng Hiệp hội Đào tạo Du lịch Việt Nam nhìn nhận: Tôi thật sự bất ngờ khi nhận ra ở Hà Nội có một nơi yên tĩnh và đẹp đến vậy lại chưa được nhiều người biết tới.
Theo tôi, mỹ thuật là cái đẹp. Tòa nhà này vốn thiết kế theo công năng không phải để trưng bày mỹ thuật. Chính vì vậy, nơi đây cần được thay đổi từ vẻ đẹp bên ngoài đến lối bài trí và nội dung bên trong. Dẫn dụ khách phải từ các thiết kế ấn tượng, khiến bất cứ ai khi đặt chân đến đây, thậm chí chỉ đi qua cũng biết nơi đây là một bảo tàng mỹ thuật. Việc này tôi nghĩ thực hiện đơn giản và ít tốn kém.
Bà Khánh cũng đánh giá đối tượng khách châu Âu rất kỹ lưỡng trong việc tiếp nhận thông tin, trong khi tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam thông tin quá nhiều nhưng chỉ được giới thiệu qua lời hướng dẫn viên. Nếu thuyết minh cho mỗi người, mỗi quốc gia, mỗi ngôn ngữ e rằng sẽ không khả thi, khách vì thế không muốn quay lại lần thứ hai. Nên chăng, cần thiết sẽ phải áp dụng công nghệ du lịch thông minh để hài hòa các nhu cầu khác nhau của nhiều đối tượng khách trong một thời điểm.
Đồng quan điểm, ông Dương Xuân Tráng- Giám đốc Công ty Mai Phượng Vy cho rằng, bảo tàng nên có khu hội họa, điêu khắc để cho du khách trải nghiệm đến thăm bảo tàng là một lựa chọn có chủ định của đối tượng khách yêu thích và am hiểu nghệ thuật.
Sau khi nghe nhiều phần nội dung thuyết minh tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, đại diện đơn vị này khẳng định, kiến thức mỹ thuật của thuyết minh viên vẫn hạn chế. Trong khi, với mỗi hiện vật, tác phẩm, những người nghiên cứu chuyên sâu không muốn dừng lại ở việc chỉ được nghe phác thảo sơ lược và tóm tắt. Vì vậy, có thể học qua bảo tàng nước ngoài cách tạo những logo chuyên mục. Khách quan tâm hứng thú, quan tâm đến mục nào sẽ chọn đúng mục đó ấy để tìm hiểu sâu.
Nhận xét chung của các doanh nghiệp lữ hành đều cho rằng khâu quảng bá tuyên truyền bảo tàng còn yếu kém Do đó, việc quảng bá được đẩy mạnh từ trang web đến cổng chào, nội dung bên trong. Điều này cần sự thay đổi cách làm của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam như Bảo tàng Phụ nữ đã từng làm trong vài năm gần đây.
Tìm hướng đi hiệu quả
Thông qua những góp ý của đơn vị lữ hành, thời gian tới, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam sẽ triển khai dự án chỉnh trang lại mặt tiền, bổ sung dịch vụ và đầu tư trang thiết bị, hệ thống chiếu sáng, âm thanh.
Bảo tàng cũng sẽ phối hợp với Vụ Lữ hành (Tổng cục Du lịch) làm những tờ gấp, cuốn sách để giới thiệu về bảo tàng tới các công ty lữ du lịch. Cụ thể, theo giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam: Không chỉ hướng tới khách quốc tế, chúng tôi còn hướng đến khách Việt Nam, trọng tâm là trẻ em. Do đó, Bảo tàng sẽ dành không gian để cho học sinh trải nghiệm về vẽ tranh.
Bên cạnh đó, Bảo tàng cũng sẽ hướng tới khách đoàn thông qua công ty du lịch và sẽ có chính sách giảm giá phù hợp. Về phần công nghệ, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam dự định triển khai ứng dụng phần mềm, thiết bị audio Guide và APP vào năm 2018.
Qua đó, du khách có thể tự chiêm ngưỡng bức tranh, nghe thuyết minh các thứ tiếng về các tác phẩm trưng bày tại bảo tàng. Từ 1/10, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam cũng sẽ khai trương trang web mới với nhiều tiện ích để giới thiệu các tác phẩm nghệ thuật tới công chúng.
Đặc biệt, ông Nguyễn Quý Phương - Vụ trưởng Vụ Lữ hành (Tổng cục Du lịch) cho biết, Tổng cục Du lịch đang xây dựng chương trình kết nối các doanh nghiệp với các điểm đến là Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, Nhà hát Lớn Hà Nội, Nhà hát Múa rối Việt Nam, rạp hát Hồng Hà với show diễn “Tâm hồn làng Việt”.
Đây là những điểm có tiềm năng thu hút khách du lịch nhưng chưa kết nối bài bản tới doanh nghiệp du lịch. Do đó, Tổng cục Du lịch sẽ làm vai trò kết nối giữa các đơn vị trên với doanh nghiệp du lịch và điều chỉnh chương trình sao cho phù hợp với thị hiếu của khách, qua đó tạo dựng sản phẩm du lịch thu hút khách đến và ở lại Hà Nội lâu hơn, gia tăng các giá trị dịch vụ.
Nguồn Báo Đại Đoàn Kết