Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Gánh bông súng của mẹ
Thứ bảy: 08:38 ngày 17/10/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Mấy hôm nay trời mưa dai dẳng, có bữa mới sáng sớm đã mưa. Mưa tuy không lớn lắm nhưng ảnh hưởng rất nhiều đến những người mua gánh bán bưng ở chợ. Cách đây hai ngày, tôi mắc mưa ở chợ, đứng trú tạm dưới cây dù của chị bán rau cải.

Cạnh đó là người phụ nữ đã ngoài 50 tuổi với trạc bông súng gồm hai màu tím đỏ và trắng tinh khôi. Bà co ro vì lạnh, còn bông súng thì tươi tắn hẳn lên, nở to như chào mời mọi người đến mua. Hình ảnh trái ngược ấy khiến ai cũng thương cảm và mua giúp bà.

Tuy không có tên trong thực đơn của ngày hôm đó nhưng tôi cũng mua hai bó để bà được về nhà sớm hơn cho đỡ lạnh. Hình ảnh người phụ nữ bán bông súng làm tôi nhớ đến mẹ, bởi ngày xưa ở quê, gánh bông súng của mẹ đã nuôi chị em tôi khôn lớn, học hành tới nơi tới chốn.

Bông súng là loài hoa hoang dại sống dưới nước. Thế nên mùa mưa cũng là mùa bông súng nở rộ. Ngày đó, mẹ tôi đi hái bông súng về ăn và một số đem ra chợ bán. Tôi nào hiểu bông súng mọc lên như thế nào, mẹ phải ngâm mình dưới nước bao lâu để hái mang về bán lấy tiền trang trải cho cuộc sống gia đình. Sau này có vài lần theo phụ mẹ hái bông súng, tôi mới hiểu những vất vả, cực nhọc mà mẹ chịu đựng trong một thời gian dài.

Trước đây tôi thường thấy bông súng trắng. Tuy là trắng nhưng được phân ra thành ba loại, một loại hoa trắng to, một loại hoa trắng nhỏ và bông súng chỉ. Gọi là bông súng chỉ vì cọng nó dài (có khi lên tới 1-2 mét) nhuyễn, màu tím, to hơn sợi chỉ đan lưới một chút. Cọng bông súng này cũng rất giòn. Còn loại hoa súng nhỏ chẳng ai hái.

Ngoài bông súng trắng còn có bông súng tím đỏ, bông và cọng to hơn bông súng trắng. Tước lớp vỏ bên ngoài, bên trong là phần ruột có màu hồng hồng và những lỗ rỗng. Loại này người ta thường trồng ở ruộng nhà, hiệu quả kinh tế khá cao. Trên những cánh đồng hoặc ao hồ đầy nước, bông súng thoả sức khoe sắc.

Tuy chỉ có hai màu trắng và tím đỏ nhưng hoa có vẻ đẹp “mê hồn” để các nhiếp ảnh gia sáng tạo những bức ảnh tuyệt vời. Thời điểm ngắm bông súng đẹp nhất là khi những tia nắng đầu ngày rải đều trên khắp không gian, làm tan dần những giọt sương còn sót lại ở những phiến lá đang phơi mình trên mặt nước. Đến gần trưa, những cánh hoa tự khép mình lại chờ đến sáng hôm sau. Chu kỳ này lặp đi lặp lại vài lần, hoa sẽ tàn, nhường chỗ cho những nụ hoa kế tiếp.

Mùa bông súng nở cũng đồng nghĩa với việc nhiều người dân quê có thêm nguồn thu nhập. Đây là mùa của những món ăn dân dã được bàn tay khéo léo của các mẹ, các chị trổ tài như: canh chua bông súng nấu với trái giác và cá rô đồng, cọng bông súng tươi giòn giòn chấm với mắm kho, gỏi bông súng, lẩu chua nấu với thịt gà hoặc cá linh non mà phần rau đi kèm không thể thiếu cọng bông súng...

Ngoài việc làm thức ăn cho con người, các bộ phận của cây bông súng còn dùng làm thuốc thanh nhiệt, chống say nắng, cầm máu... Theo y học cổ truyền, nó còn trị hiệu quả chứng co giật ở trẻ em, đau lưng mỏi gối cho người lớn tuổi. Trên thế giới hiện có hàng trăm loài hoa súng. Dù mọc ở đâu, chúng đều mang lại lợi ích cho con người cả về vật chất lẫn tinh thần.

Giờ đây mẹ tôi không còn nữa, nhưng khi mùa mưa đến, bông súng nở rộ ngoài đồng, lòng tôi lại bồi hồi nhớ mẹ. Nhớ gánh bông súng quằn vai của mẹ, đổi lấy tương lai cho những đứa con bé bỏng của mình.

NHÃ ĐAN

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục