Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Phòng trưng bày của Bảo tàng Việt Nam này có khoảng gần 300 hiện vật đặc trưng nhất của 3 trung tâm văn hoá nổi tiếng ở Việt Nam vào thời điểm trước và sau Công Nguyên. Đó là: văn hoá Đông Sơn ở miền Bắc, văn hoá Sa Huỳnh ở miền Trung và văn hoá Đồng Nai - Óc-eo ở miền Nam…
Trống đồng Đông Sơn- hiện vật được trưng bày tại Bảo tàng.
Thật là một sự trùng hợp ngẫu nhiên thú vị, đầu tháng 7 vừa qua, chúng tôi rủ nhau đi du lịch nước Nga trúng vào thời gian Bảo tàng quốc gia hai nước Nga - Việt thực hiện “Năm chéo quan hệ Việt - Nga 2019” tại Bảo tàng nghệ thuật Hermitage. Chúng tôi đã tình cờ gặp gỡ và xúc động tự hào khi được chiêm ngưỡng một số báu vật của đất nước Việt Nam mình ngay giữa lòng “Biệt điện hiu quạnh” (*) trong Cung điện Mùa Đông ở Saint Petersburg - Nga nằm bên vịnh Phần Lan xa xôi.
Bảo tàng Hermitage ở thành phố St.Petersburg, Liên bang Nga.
Tạm biệt Moskva, chúng tôi đến thành phố St.Petersburg bằng tàu điện cao tốc Sapsan. Đón đoàn là một trung niên cao mảnh khảnh người Nga tên Vladimir, râu quai nón, tuổi khoảng 40, giới thiệu có tên Việt Nam là “Đức”, thời trai trẻ từng học ở Trường đại học Tổng hợp St. Petersburg, khoa Phương Đông học.
Dáng ngoài là hướng dẫn viên du lịch, nhưng khi Vladimir thuyết minh lại như một nhà nghiên cứu mô phạm, rất ít khi chọc cười. Có lẽ như vậy cũng đúng, vì những nơi đoàn đến tham quan phần lớn là di tích lịch sử, cung điện, bảo tàng, nhà thờ thánh... luôn cần mọi người giữ thái độ lịch sự, trầm mặc, tôn nghiêm.
Pháo đài Petropavlovskiy trên đảo Thỏ, phía bờ Bắc sông Neva - niềm tự hào của người dân Nga.
Theo chương trình tham quan, đoàn chúng tôi tiếp tục khám phá thành phố St.Petersburg và tham quan Bảo tàng nghệ thuật Hermitage trong không gian Cung điện Mùa Đông. Mặc dù đã tìm hiểu trước (các thông tin) về Cung điện Mùa Đông nhưng khi nhìn thấy tận mắt, tôi thật sự choáng ngợp trước vẻ nguy nga, tráng lệ và đồ sộ về mặt quy mô lẫn kiến trúc của nó.
Trong khi xếp hàng chờ mua vé tham quan, tiếng thuyết minh giọng Hà Nội của Vladimir từ tai nghe vẫn phát ra âm thanh nhỏ nhẹ, đều đều, nghiêm nghị: “Người đông lắm, phức tạp lắm! Quý khách coi chừng bị móc túi!...
Thưa quý khách! Toạ lạc ngay quảng trường St. Petersburg, Cung điện Mùa Đông được xây dựng trên khuôn viên rộng hơn 90 nghìn mét vuông theo lệnh của Nữ hoàng Elizaveta I theo phong cách nghệ thuật Baroque.
Tác giả tại phòng trưng bày Báu vật sông Hồng Việt Nam.
Bất chấp những khủng hoảng kinh tế, tài chính do nước Nga tham gia vào cuộc Chiến tranh Bảy năm và thời tiết khắc nghiệt, Cung điện Mùa Đông vẫn được hoàn thành theo lệnh của Nữ hoàng. Trải qua nhiều biến cố thăng trầm lịch sử từ thế kỷ 18 đến 20, đây từng là nơi ở của các triều đại Nga hoàng. Đến sau khi chế độ Nga hoàng sụp đổ thì Cung điện Mùa Đông trở thành nơi họp hành, làm việc của Chính phủ lâm thời, và ngày nay trở thành Bảo tàng nghệ thuật của St.Petersburg, đang bảo tồn hơn 3 triệu tác phẩm nghệ thuật vô giá của thế giới”.
Vừa xếp hàng, tôi vừa quan sát. “Biệt điện hiu quạnh” mà không hiu quạnh tí nào. Nhiều hàng dài người xếp hàng. Đông nhất vẫn là người Trung Quốc, kế đến là người các nước Đông Nam Á, một số vận sắc phục đạo Hồi, người Ấn, người châu Âu, người châu Phi và người Nga. “Những ngày Bảo tàng Hermitage và Cung điện Mùa Đông mở cửa, bình quân mỗi ngày đón khoảng 20.000 lượt khách đến tham quan, nghiên cứu, tìm hiểu...”- vẫn tiếng của Vladimir đều đều qua tai nghe.
Trống đồng Đông Sơn - hiện vật “đinh” của triển lãm.
Nhận vé xong, sau khi qua cửa với thủ tục kiểm tra soi chiếu cẩn thận, chúng tôi lọt vào bên trong Bảo tàng Hermitage. Vẫn cơ man là người. Vladimir bảo: “Phía trước chúng ta có đến hai, ba đoàn Trung Quốc, vậy mời quý khách rẽ sang phải, theo cờ của tôi”...
- Cái gì đây Đức ơi, sao giống trống đồng Việt Nam quá vậy?
- Vâng! Đây là phòng trưng bày của Bảo tàng Việt Nam tại Bảo tàng Hermitage. Theo kế hoạch, triển lãm diễn ra từ ngày 17.5.2019 đến ngày 22.9.2019, nhằm kỷ niệm 129 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19.5.1890 - 19.5.2019). Triển lãm này là một nội dung quan trọng trong Chương trình “Năm chéo quan hệ Việt - Nga 2019”, thưa quý khách”.
Tôi quan sát nhanh tấm pa-nô lớn treo trên vách trái phòng trưng bày thấy mấy dòng giới thiệu bằng hai thứ chữ cỡ lớn Nga và Anh. Tiếng Nga thì tôi “chịu” vì chưa từng học, còn tiếng Anh thì đọc hiểu được như sau: “Bảo tàng Nhà nước Hermitage - Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam” “KHO BÁU SÔNG HỒNG - Bộ sưu tập khảo cổ từ Bảo tàng Việt Nam”.
Du thuyền trên sông Neva. Phía sau là Cung điện Mùa Đông.
Tiếng thuyết minh của Vladimir êm nhẹ trong tai nghe: “Phòng trưng bày của Bảo tàng Việt Nam này có khoảng gần 300 hiện vật đặc trưng nhất của 3 trung tâm văn hoá nổi tiếng ở Việt Nam vào thời điểm trước và sau Công Nguyên. Đó là: văn hoá Đông Sơn ở miền Bắc, văn hoá Sa Huỳnh ở miền Trung và văn hoá Đồng Nai - Óc-eo ở miền Nam. Cho Đức xin lỗi vì chỉ giới thiệu sơ lược thôi, bởi trọng tâm chính của chúng ta là cả nghìn phòng trưng bày hơn 60 nghìn hiện vật trong tổng số 3 triệu cổ vật của Bảo tàng Hermitage còn ở phía trước”.
Tôi như thấy hồn thiêng sông núi Việt Nam mình đang ngự giữa trung tâm một thành phố nổi tiếng nằm bên vịnh Phần Lan xa xôi, nỗi xúc động tự hào bất chợt trào dâng trong lòng. Và... nghẹn ngào vì ý muốn dừng lại thật lâu tại đây không thành, bởi thời gian không cho phép, tôi tranh thủ chụp vài kiểu ảnh rồi ba chân bốn cẳng sải theo lá cờ hướng dẫn của Vladimir đang thấp thoáng giữa dòng người đông nghẹt phía trước.
Hú vía! Suýt lạc đoàn...
(Trích nhật ký hành trình Nga du)
PHẠM ĐĂNG KHOA
(*) “Biệt điện hiu quạnh”: Tên gọi ban đầu của Bảo tàng Hermitage.