Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Những kết quả bước đầu quan trọng sau 7 năm thực hiện Nghị quyết số 18 trên địa bàn tỉnh đã tạo chuyển biến tích cực trong quá trình sắp xếp tổ chức, bộ máy theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Bám sát định hướng sắp xếp theo yêu cầu của Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25.10.2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII (Nghị quyết số 18), yêu cầu của Ban Chỉ đạo Trung ương về tổng kết thực hiện nghị quyết này, Tây Ninh đã xây dựng phương án, các đề án và chuẩn bị các điều kiện cần thiết để sắp xếp tổ chức, bộ máy, cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC), người lao động khi có quyết định của cấp có thẩm quyền.
PGS.TS Nguyễn Quốc Dũng- Giám đốc Học viện Chính trị khu vực II Thành phố Hồ Chí Minh trả lời phỏng vấn báo chí.
Những kết quả bước đầu quan trọng sau 7 năm thực hiện Nghị quyết số 18 trên địa bàn tỉnh đã tạo chuyển biến tích cực trong quá trình sắp xếp tổ chức, bộ máy theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
KẾT QUẢ SAU 7 NĂM THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT 18-NQ/TW
Theo báo cáo của UBND tỉnh, sau 7 năm thực hiện nghị quyết, với quyết tâm chính trị cao, sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, quyết liệt của Tỉnh uỷ, UBND tỉnh và tinh thần chủ động, sự vào cuộc tích cực của hệ thống chính trị, các cơ quan, đơn vị, địa phương của tỉnh đã triển khai, tổ chức thực hiện đồng bộ, nghiêm túc, chặt chẽ, có trọng tâm và lộ trình phù hợp.
Thực hiện Đề án sắp xếp các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, UBND cấp huyện theo Nghị quyết số 18 và các đơn vị sự nghiệp công lập theo Nghị quyết số 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII, tính đến 30.9.2024, toàn tỉnh đã giảm được 40 tổ chức bên trong thuộc các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh (phòng, ban, chi cục và tương đương); giảm 9 cơ quan chuyên môn cấp huyện; giảm 1 xã (sáp nhập xã Phước Lưu và Bình Thạnh thành xã Phước Bình, thị xã Trảng Bàng) và giảm 139 đơn vị sự nghiệp.
Việc thực hiện thí điểm mô hình mới về tổ chức bộ máy và kiêm nhiệm chức danh của địa phương theo Thông báo kết luận số 16 của Bộ Chính trị cũng được tỉnh triển khai nghiêm túc. Đến nay, Tây Ninh vẫn tiếp tục duy trì nhiều chức danh kiêm nhiệm như: Bí thư Tỉnh uỷ kiêm Chủ tịch HĐND tỉnh, Bí thư Huyện uỷ kiêm Chủ tịch HĐND huyện, Phó Bí thư Huyện uỷ kiêm Chủ tịch HĐND huyện, trưởng các Ban Đảng kiêm trưởng các Ban HĐND tỉnh, huyện, Bí thư Đảng uỷ xã kiêm Chủ tịch HĐND cấp xã, Phó Bí thư Đảng uỷ xã kiêm Chủ tịch HĐND cấp xã, Bí thư Đảng uỷ xã kiêm Chủ tịch UBND xã. Việc bố trí kiêm nhiệm chức danh lãnh đạo, quản lý giúp giảm đầu mối, tiết kiệm ngân sách Nhà nước, bảo đảm vai trò lãnh đạo của cấp uỷ và hiệu lực quản lý, điều hành của chính quyền cơ sở.
Lãnh đạo UBND tỉnh và các sở, ngành bàn về phương án sáp nhập tổ chức, bộ máy theo phương án của tỉnh.
Về tinh giản biên chế, giai đoạn 2015-2024, tỉnh đã thực hiện giảm 219 biên chế công chức, đạt tỷ lệ 10,89% và trên 2.740 biên chế viên chức, đạt tỷ lệ giảm 14,21%. Đối với việc thực hiện tinh giản số lượng cấp phó, trong giai đoạn 2015-2024, toàn tỉnh đã giảm 926 trường hợp.
Tuy nhiên, theo UBND tỉnh, việc thực hiện tinh giản biên chế CBCC trong giai đoạn gần đây chưa bảo đảm chỉ tiêu đề ra (giai đoạn 2021-2024, tỉnh chưa giảm được biên chế CBCC so với chỉ tiêu giai đoạn 2021-2026 phải giảm 5% so với năm 2021).
Trên nền tảng những kết quả đã đạt được trong giai đoạn 2017-2024, nhiệm vụ sắp xếp, tinh gọn tổ chức, bộ máy theo tinh thần Nghị quyết số 18 được Tỉnh uỷ xác định là một trong những ba nhiệm vụ trọng tâm của năm 2025. Bám sát định hướng sắp xếp theo yêu cầu của Nghị quyết số 18, yêu cầu của Ban Chỉ đạo Trung ương về tổng kết thực hiện Nghị quyết số 18, Tây Ninh đã xây dựng phương án, chuẩn bị các điều kiện cần thiết để sắp xếp tổ chức, bộ máy, CBCCVC, người lao động khi có quyết định của cấp có thẩm quyền.
Ở khối chính quyền tỉnh, tại phiên họp thường kỳ tháng 1.2025, trên cơ sở các đề án hợp nhất, tổ chức lại các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh do Sở Nội vụ trình, lãnh đạo UBND tỉnh và các sở, ngành thảo luận, góp ý đối với phương án sáp nhập bộ máy hoặc sáp nhập một số chức năng, nhiệm vụ và các vấn đề sau sáp nhập (con người, trụ sở, cơ sở vật chất, nhiệm vụ…) của các ngành Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Giáo dục và Đào tạo, Y tế, Giao thông Vân tải, Lao động - Thương binh và Xã hội…
Chỉ đạo nội dung này, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Ngọc quán triệt lại quan điểm, tinh thần chỉ đạo của Trung ương, đó là phải thực hiện gấp rút, “vừa chạy, vừa xếp hàng”, với phương châm sắp xếp, hợp nhất tổ chức bộ máy phải đi đôi với tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả của tổ chức, bộ máy.
Sau sắp xếp, tổ chức lại, bộ máy mới phải tốt hơn bộ máy máy cũ, đi vào hoạt động ngay, không để ngắt quãng công việc, không để bỏ trống địa bàn, lĩnh vực, không để ảnh hưởng đến các hoạt động bình thường của xã hội, của người dân…
Trung tâm hành chính công tỉnh Tây Ninh hướng dẫn người dân làm thủ tục. Ảnh: Vũ Nguyệt
NHIỀU VẤN ĐỀ CẦN LƯU Ý
“Nghị quyết số 18 ra đời cách đây 7 năm, tuy nhiên, do công tác chỉ đạo và nhận thức nên việc triển khai còn chậm. Nghị quyết là ý Đảng thì phải thực hiện, nhất là trong bối cảnh thực tế bộ máy của chúng ta còn rất cồng kềnh kìm hãm sự phát triển như Tổng Bí thư Tô Lâm đã nói: 70% ngân sách đầu tư nuôi bộ máy, con người trong hệ thống chính trị (trong khi đó trên thế giới mức chi này chỉ khoảng từ 40%-45%).
Như vậy, chỉ còn khoảng 30% cho quốc kế dân sinh, chắc chắn nguồn lực dành cho đầu tư phát triển và các hoạt động khác sẽ bị hạn chế. Do đó, yêu cầu đặt ra phải tinh gọn bộ máy theo hướng tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả”- PGS.TS Nguyễn Quốc Dũng - Giám đốc Học viện Chính trị khu vực II Thành phố Hồ Chí Minh khẳng định.
Theo PGS.TS Nguyễn Quốc Dũng, ngay từ cuối tháng 12.2024 và đầu năm 2025 đã có một số nơi đã tiến hành sáp nhập. Đây là việc cần phải làm nhanh chóng để bộ máy sớm đi vào hoạt động ổn định và phát triển. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy cần thận trọng, nghiêm túc, trách nhiệm, không để sơ sót, làm đúng theo chủ trương của Đảng, Nhà nước và không để có những điểm “sốc” xảy ra.
Giai đoạn đầu trước mắt là sắp xếp lại, sau đó từ từ thực hiện theo Nghị định 178/2024/NĐ-CP chính sách với CBCCVC, lực lượng vũ trang khi sắp xếp bộ máy theo đúng lộ trình và cần xem xét kỹ lưỡng về đời sống, tâm tư nguyện vọng của CBCCVC của các cơ quan, đơn vị thuộc diện sắp xếp, sáp nhập.
Các cơ quan, đơn vị, địa phương khi thực hiện sáp nhập, sắp xếp tổ chức bộ máy trước hết phải làm tốt công tác tư tưởng cho chính đội ngũ CBCCVC của mình, bảo đảm những CBCCVC sau khi ra khỏi bộ máy vẫn cảm thấy vui vẻ, hoàn thành nhiệm vụ, được Đảng, Nhà nước trân trọng, thậm chí là một sự vinh dự khi nhường cơ hội phát triển cho lớp cán bộ trẻ, giỏi, tiềm năng vì sự phát triển chung của cơ quan, đơn vị, địa phương.
Còn đối với những người ở lại phải thực sự là những người có năng lực, có đạo đức, phẩm chất tốt, thực sự là “vừa hồng, vừa chuyên”, không nên để xảy ra tiêu cực như lợi dụng việc này để “đẩy” những người “không cùng cánh” ra khỏi bộ máy hoặc bộ máy nhà nước là “vùng trú ẩn an toàn” cho những người yếu kém.
“Thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy lần này thực sự mang tính cách mạng; mà đã làm cách mạng thì phải có sự hy sinh. Trong thời bình, sự hy sinh ở đây không phải là sự chết chóc mà là hy sinh là về quyền lợi, về lợi ích cá nhân vì sự nghiệp chung của Đảng, vì sự phát triển của đất nước”- PGS.TS Nguyễn Quốc Dũng- Giám đốc Học viện Chính trị khu vực II Thành phố Hồ Chí Minh nhấn mạnh.
Phương Thuý