Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Một ngày giữa tháng 9, phiên toà xét xử vụ án giết người xảy ra cách đây 5 năm. Bị cáo chịu mức án 20 năm tù.
Toà tuyên án
Tại phiên toà, lời bị cáo như thước phim chậm quay lại thời điểm 5 năm trước. Gia đình bị hại đã từng là nơi bị cáo đến và ngủ lại. Với mối quan hệ thân thiết này, vào khoảng năm 2010, bị cáo đã cho cha mẹ bị hại mượn 30 triệu đồng. Khi cần tiền, bị cáo đòi lại nhưng phía gia đình bị hại nhiều lần khất hẹn.
Đêm 31.12.2013, bị cáo cũng đến và ngủ lại nhà bị hại. Sáng ngày 1.1.2014, nhớ lại món nợ trước đây cha mẹ bị hại mượn nhưng chưa trả, bị cáo đã nghĩ đến việc giết người trả thù. Khi người cha đi vắng, bị cáo đã bóp cổ đến chết đứa bé gái chưa tròn 6 tuổi, rồi dùng dao đâm người mẹ bị thương, tiếp sau, bị cáo tự đâm vào ngực mình tự tử.
Nếu dừng lại ở đây, có lẽ, đây là vụ án gây phẫn uất trong dư luận. Nó cũng như nhiều vụ giết người chỉ vì những mâu thuẫn không đáng mà xã hội đã từng lên án. Nhưng, theo kết luận của Viện Pháp y tâm thần Trung ương Biên Hoà: đương sự bị bệnh loạn khí sắc (F34.1-ICD.10), trước, trong và sau khi gây án.
Theo Thông tư 34, ngày 28.10.2013 của Bộ Y tế ban hành danh mục bệnh cần chữa trị dài ngày, mã bệnh F34 - rối loạn khí sắc - nằm trong danh mục bệnh tâm thần. Nghĩa là bị cáo gây án trong tình trạng nhận thức và điều khiển hành vi bị hạn chế. Vậy là vụ án gây ra bởi người bệnh tâm thần...
Sau 5 năm áp dụng biện pháp điều trị bắt buộc, bệnh đã ổn, bị cáo có đủ năng lực nhận thức và điều khiển hành vi để làm việc với cơ quan pháp luật. Tại phiên toà, vị Hội thẩm nhân dân hỏi bị cáo có những triệu chứng gì trước khi gây án. Bị cáo trả lời hoàn toàn không hề biết mình đang bị mắc bệnh loạn khí sắc, chỉ biết, lúc đó, bản thân luôn cảm thấy mình là người vụng về, vô dụng và bị mọi người ghét bỏ. Bị cáo thường xuyên có ý định bỏ đi nơi xa, bắt đầu cuộc sống mới. “Muốn tìm nơi khác sống - nơi không ai biết để không ai có thể ghét bỏ. Luôn mang theo sổ hộ khẩu mỗi khi ra khỏi nhà là vậy”- bị cáo cho biết. Điều này phần nào lý giải việc bị cáo thường bỏ nhà (Hoà Thành) sang nhà bị hại (Bến Cầu) để ở lại.
Ngồi dưới hàng ghế của phòng xử án, mẹ bị cáo như hoá đá. Đôi mắt bà ráo hoảnh nhưng lòng đau đáu. “Tôi cứ lo làm, nhà cửa còn khó khăn lắm cô. Tôi ráng gói ghém không để nợ nần. Nó bị vầy là do tôi. Tôi làm mẹ mà không để ý đến con mình”- bà dằn vặt.
Bị cáo là con út trong gia đình 4 anh chị em. Trong 4 người con, chỉ duy nhất người con lớn được học đến đại học. Năm 2000, chồng bà bị tai biến. Suốt gần 20 năm qua, ông nằm đó. Cảnh nhà đã nghèo lại nghèo thêm. Một mình bà nấu rượu, gánh vác gia đình nên 3 đứa con sau, bà chỉ lo được đến hết lớp 12 rồi các con tự lo, tự học. Dù vậy, cả 3 người đều học xong trung cấp, cao đẳng và có việc làm. Đứa con út của bà cũng từng có việc làm ổn định.
Nhưng từ năm 2013, khi con nghỉ việc, rồi đi điều trị bệnh đường ruột về, bà thấy con lạ hơn trước: chỉ ở trong phòng, ít ra ngoài giao tiếp. “Tôi cứ nghĩ, con nó mới mổ chưa khoẻ nên chưa đi làm được. Tôi cũng không biết gì về bệnh rối loạn khí sắc. Lúc trước tôi có nghe nó nói với đứa anh họ, nó sợ đám đông. Giờ nhớ lại, những ngày anh chị nó về nhà đông đủ là nó bỏ đi. Nó bị vầy mà tôi không hay biết gì, chỉ đến khi sự việc xảy ra, 1 tháng sau công an báo là con tôi bị bệnh tôi mới biết. Tôi dở vậy đó”- người mẹ vẫn không thôi day dứt.
Bị cáo cho biết thêm, dù mượn tiền, nhưng mỗi tháng cha của bị hại đều đưa cho bị cáo 1 đến 1,5 triệu đồng. Sau đó, ông đã trả cho bị cáo 10 triệu đồng. Mối quan hệ giữa bị cáo và gia đình bị hại không căng thẳng đến mức bị cáo có thể gây ra cái chết cho cháu bé.
“Việc mượn tiền có thoả thuận trước, khi nào bị cáo cần tiền sẽ lấy lại. Nhưng do gia đình bị hại trì hoãn khiến bị cáo bị ức chế. Đây cũng là lúc bị cáo đã mắc bệnh loạn khí sắc nên nhận thức và điều khiển hành vi bị hạn chế. Mong HĐXX xem xét giảm nhẹ hình phạt so với mức án chung thân mà đại diện Viện Kiểm sát đưa ra”, vị luật sư được chỉ định bào chữa cho bị cáo nói.
Sau khi sự việc xảy ra, gia đình bị cáo đã bồi thường cho gia đình bị hại hơn 100 triệu đồng. Bị cáo chịu mức án 20 năm. Gây án thì phải chịu hình phạt. Nhưng với những vụ án do người mắc các bệnh tâm thần gây ra, khiến những ai chứng kiến cũng xót xa. Bởi không chỉ bị cáo phải chịu trách nhiệm, mà đó còn có phần lỗi của gia đình đã không quan tâm đến những bất thường của người thân.
Có thể nói, nếu người bị rối loạn tâm thần không được phát hiện sớm, điều trị kịp thời sẽ khó tránh khỏi những vụ án thương tâm khác.
Ngọc Diêu