Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Nguyên lãnh đạo Chi cục THADS huyện Tân Châu:
Gây ra hậu quả nghiêm trọng sẽ bị xử lý như thế nào ?
Thứ hai: 05:20 ngày 10/07/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Đến nay, Chi cục THADS huyện Tân Châu còn phải thi hành số tiền cho ông Trọng trên 3,8 tỷ đồng, bà Thuý trên 1 tỷ đồng (chưa tính lãi suất) và phần đất 10.000m2 chưa được bồi thường. Hậu quả này sẽ được xử lý như thế nào và ai sẽ là người phải gánh chịu? Và hành vi xoá ngăn chặn chuyển dịch tài sản rồi làm chứng bán đất của nguyên quyền Chi cục trưởng Chi cục THADS Đoàn Văn Muôn, dẫn đến các bản án kéo dài 7, 8 năm chưa được thi hành, sẽ xử lý ra sao?

Như Báo Tây Ninh đưa tin, ngày 16.6, Cục Thi hành án dân sự (THADS) tỉnh đã ban hành văn bản kết luận tố cáo đối với ông Đoàn Văn Muôn, nguyên quyền Chi cục trưởng (nay là Chi cục phó) Chi cục THADS huyện Tân Châu.

Trong đó, xác định ông Muôn đã ban hành công văn xoá bỏ ngăn chặn, chuyển nhượng tài sản phải kê biên để thi hành án, tạo điều kiện cho người phải thi hành án chuyển nhượng 19 tài sản là quyền sử dụng đất (QSDĐ) cho người khác, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người được thi hành án.

Điều đáng nói là sau khi ký ban hành công văn xoá ngăn chặn với tư cách người đứng đầu đơn vị, trực tiếp chỉ đạo tổ chức THA, ông Muôn lại đứng ra ký xác nhận làm chứng trong hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ để “làm tin” cho người mua tài sản. Hành vi này của ông Muôn, kết luận tố cáo của Cục THADS tỉnh xác định là vi phạm Điều 21 Luật THADS, nên sẽ được kiểm điểm làm rõ trách nhiệm để xử lý theo quy định pháp luật.

Theo kết luận của Cục THADS tỉnh, tại Bản án số 378/2009/PTDS (Bản án số 378) ngày 15.12.2009 của TAND tỉnh, ông Mai Văn Méo, bà Nguyễn Thị Lợi phải có trách nhiệm trả cho ông Trần Minh Trọng trên 340 triệu đồng; bà Nguyễn Thị Lợi và bà Nguyễn Thị Kim Hoa có trách nhiệm liên đới trả cho ông Trần Minh Trọng số tiền trên 3,5 tỷ đồng.

Ngày 5.1.2011, Bản án số 02/2011/DSPT của TAND tỉnh tuyên buộc ông Méo, bà Lợi phải trả cho bà Nguyễn Thị Thanh Thuý trên 2,2 tỷ đồng. Tiếp đến, theo Quyết định số 176/2010/QĐST-DS ngày 23.1.2010 của TAND huyện Tân Châu, ông Méo, bà Lợi phải trả cho bà Trương Thị Ánh Tuyết trên 69 triệu đồng và Quyết định số 212/2010/QĐST-DS ngày 13.8.2010 của TAND huyện Tân Châu buộc ông Méo, bà Lợi trả cho bà Nguyễn Thị Cách trên 298 triệu đồng. Như vậy, tổng số tiền ông Méo, bà Lợi và bà Hoa có trách nhiệm thi hành án lên đến trên 6,3 tỷ đồng, chưa tính lãi suất ngân hàng, án phí.

Thời điểm Bản án số 378 của TAND tỉnh có hiệu lực pháp luật, ông Méo, bà Lợi, bà Hoa phải thi hành cho ông Trọng số tiền trên 3,8 tỷ đồng nhưng chấp hành viên chỉ kê biên 5 tài sản là QSDĐ của ông Méo, bà Lợi, sau này được định giá với số tiền trên 1,7 tỷ đồng là chưa tương xứng với số tiền mà ông Méo, bà Lợi phải thi hành. Trong khi đó, tại thời điểm này, ông Méo, bà Lợi còn 19 tài sản khác là QSDĐ đã được chấp hành viên Lê Doãn Lâm ban hành công văn ngăn chặn, không được chuyển dịch. Thế nhưng sau đó, ngày 24.6.2010, cấp trên của chấp hành viên là ông Muôn đã ban hành Công văn số 269/THA xoá ngăn chặn đối với 19 tài sản này. Để rồi, ngày 20.10.2010 khi ông Trần Quốc Vũ, bà Nguyễn Thị Mộng Đào đã làm hợp đồng chuyển nhượng số tài sản này cho ông Nguyễn Văn Á, bà Nguyễn Thị Tươi thì ông Muôn ký tên là người làm chứng cho ông Á, bà Tươi đặt cọc 100 triệu đồng. Và đến ngày 26.10.2010, ông Muôn lại tiếp tục ký tên trong bản hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ giữa ông Vũ, bà Đào và ông Á, bà Tươi (chú thích trong bản hợp đồng này là giao nhận tiền - NV) để hai bên giao nhận 2,9 tỷ đồng.

Sau khi số tài sản nêu trên được chuyển nhượng với sự “trợ giúp” của nguyên quyền Chi cục trưởng Chi cục THADS huyện Tân Châu, đến ngày 5.1.2011, Bản án số 02/2011/DSPT của TAND tỉnh có hiệu lực pháp luật, tuyên buộc ông Méo, bà Lợi phải trả cho bà Nguyễn Thị Thanh Thuý trên 2,2 tỷ đồng, trong đó, toà tuyên “ưu tiên” thi hành án cho bà Thuý khi phát mãi tài sản.

Như thế, nếu ông Muôn làm đúng quy định pháp luật, không xoá kê biên 19 tài sản của ông Méo, bà Lợi thì ông Trần Minh Trọng, người được thi hành án theo Bản án số 378, sẽ là người đầu tiên nhận đủ số tiền thi hành án (trên 3,8 tỷ đồng). Khi 19 tài sản trên “được” giải toả, ông Trọng cứ ngỡ mình sẽ được thi hành phần còn lại (5 tài sản của ông Méo, bà Lợi đã kê biên) với số tiền trên 1,7 tỷ đồng, nhưng sau đó Bản án số 02 tuyên ưu tiên thanh toán cho bà Thuý, ông Trọng là người bị ảnh hưởng quyền lợi nặng nề nhất- trắng tay.

Khi bản án số 02 có hiệu lực pháp luật, bà Thuý làm đơn yêu cầu thi hành án, nhưng Chi cục THADS huyện Tân Châu (thời điểm này, ông Đoàn Văn Muôn là quyền Chi cục trưởng) đã cố tình trì hoãn, kéo dài trái pháp luật không thi hành án, dù rằng Bản án số 02 không có kháng nghị của cơ quan có thẩm quyền.

Do bà Thuý khiếu nại gay gắt, Ban chỉ đạo THADS tỉnh tổ chức họp bàn cách giải quyết. Tại cuộc họp, nhiều ý kiến của các cơ quan liên quan cho rằng bản án tuyên ưu tiên trả cho bà Thuý là không đúng quy định pháp luật.

Tuy nhiên, do bản án có hiệu lực pháp luật, chưa bị kháng nghị nên hội nghị thống nhất “phải chi trả tiền cho bà Thuý theo quy định pháp luật”, đồng thời có văn bản gửi TANDTC đề nghị xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm.

Thời điểm này, Chi cục THADS huyện Tân Châu cũng có văn bản kiến nghị TANDTC xem xét bản án theo thủ tục giám đốc thẩm, mà “không nhận ra rằng”, chính mình là người đã làm ảnh hưởng quyền lợi của những người được thi hành án, khi tự ý giải toả trái pháp luật các tài sản đã kê biên.

Sau đó, Chi cục THADS huyện Tân Châu buộc phải trả cho bà Thuý 1,2 tỷ đồng, dù tài sản bán đấu giá đến 1,9 tỷ đồng (bản án buộc phải “ưu tiên” trả cho bà Thuý số tiền trên 2,2 tỷ đồng).

Sau khi bà Thuý được chi trả 1,2 tỷ đồng, ngày 18.2.2014, TANDTC đã có Quyết định số 39/2014/DS-GĐT quyết định giám đốc thẩm huỷ Bản án số 02. Rồi đến ngày 28.9.2015, TAND tỉnh ban hành Quyết định số 42/QĐ-PT đình chỉ xét xử phúc thẩm vụ án dân sự này, xác định Bản án số 81/2010/DSST của TAND huyện Tân Châu trước đó có hiệu lực pháp luật. Như vậy, sau khi có quyết định này, bà Thuý không còn được ưu tiên thanh toán khi phát mãi tài sản của ông Méo, bà Lợi, trong khi trước đó, Chi cục THADS huyện Tân Châu đã thi hành cho bà Thuý 1,2 tỷ đồng (!?).

Điều đáng nói hơn, trong vụ việc này, số tài sản mà bà Thuý mua trúng đấu giá (tài sản ông Méo, bà Lợi) với số tiền trên 1,7 tỷ đồng, đến nay, Chi cục THADS huyện Tân Châu vẫn chưa giao đủ cho bà Thuý với diện tích khoảng 10.000m2. Kết luận của Cục THADS tỉnh xác định sai sót này do Chi cục THADS huyện Tân Châu làm sai trong quá trình kê biên bán đấu giá.

Do việc TANDTC tuyên huỷ Bản án số 02, làm ảnh hưởng quyền lợi bà Thuý nên bà liên tục làm đơn tố cáo ông Đoàn Văn Muôn đến Cục THADS tỉnh, Tổng cục THADS- Bộ Tư pháp. Bà Thuý cho rằng, ông Muôn là người làm cho bà Thuý, ông Trọng… mất quyền lợi, không được thi hành đầy đủ số tiền mà Toà án đã tuyên. Trên cơ sở đơn tố cáo của bà Thuý, Cục THADS đã kết luận tố cáo của bà Thuý là đúng và xác định sẽ xử lý các cá nhân sai phạm, trong đó có nguyên quyền Chi cục trưởng Chi cục THADS huyện Tân Châu Đoàn Văn Muôn theo quy định pháp luật.

Theo Cục THADS tỉnh, số tiền bán đấu giá tài sản của ông Méo, bà Lợi, cộng với tiền lãi ngân hàng phát sinh là trên 2 tỷ đồng, sau khi trừ các chi phí trong quá trình thi hành án, số tiền còn lại, Chi cục THADS huyện Tân Châu đã thi hành cho bà Trương Thị Ánh Tuyết trên 15 triệu đồng, bà Nguyễn Thị Cách trên 68 triệu đồng, bà Nguyễn Thị Thanh Thuý 1,2 tỷ đồng.

Như vậy, đến nay, Chi cục THADS huyện Tân Châu còn phải thi hành số tiền cho ông Trọng trên 3,8 tỷ đồng, bà Thuý trên 1 tỷ đồng (chưa tính lãi suất) và phần đất 10.000m2 chưa được bồi thường. Hậu quả này sẽ được xử lý như thế nào và ai sẽ là người phải gánh chịu? Và hành vi xoá ngăn chặn chuyển dịch tài sản rồi làm chứng bán đất của nguyên quyền Chi cục trưởng Chi cục THADS Đoàn Văn Muôn, dẫn đến các bản án kéo dài 7, 8 năm chưa được thi hành, sẽ xử lý ra sao?

ĐỨC TIẾN

Khoản 2, 3 Điều 21 Luật THADS nêu rõ, những việc pháp luật quy định công chức không được làm là: “Tư vấn cho đương sự, người có quyền lợi và nghĩa vụ có liên quan đến việc thi hành án trái pháp luật. Can thiệp trái pháp luật vào việc giải quyết vụ việc thi hành án hoặc lợi dụng ảnh hưởng của mình tác động đến người có trách nhiệm thi hành án”.

Theo Điều 306, Bộ luật Hình sự, tội cản trở việc thi hành án quy định như sau: 1. Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn cố ý cản trở việc thi hành án gây hậu quả nghiêm trọng, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm. 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến năm năm: a) Có tổ chức; b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng. 3. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ một năm đến năm năm.

Tin cùng chuyên mục