Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
GDP bình quân đầu người ở Việt Nam đạt 2.590 USD
Thứ hai: 22:34 ngày 20/05/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Báo cáo của Chính phủ tại Quốc hội cho biết: Năm 2018, Việt Nam có tốc độ tăng trưởng kinh tế top đầu khu vực và thế giới.

Trình bày báo cáo đánh giá bổ sung kết quả kinh tế - xã hội năm 2018, tình hình những tháng đầu năm 2019 và nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thời gian tới, tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV (sáng 20/5), Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình cho biết, năm 2018 đã và vượt toàn bộ 12 chỉ tiêu chủ yếu, trong đó 3 chỉ tiêu đạt, 9 chỉ tiêu vượt và nhiều chỉ tiêu đạt cao hơn số đã báo cáo Quốc hội.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình báo cáo trước Quốc hội.

GDP bình quân đầu người đạt 2.590 USD, kinh tế tăng trưởng top đầu khu vực

Cụ thể, tốc độ tăng trưởng GDP đạt 7,08%, cao nhất kể từ năm 2008, thuộc nhóm các nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng cao nhất khu vực và thế giới. GDP bình quân đầu người đạt 2.590 USD. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện đạt 19,1 tỷ USD, tăng 9,1%.  

Kim ngạch xuất khẩu tăng 13,2%, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt trên 480 tỷ USD và xuất siêu 6,8 tỷ USD, cao nhất từ trước tới nay. Thu ngân sách nhà nước (NSNN) vượt 8% so với dự toán; bội chi ngân sách 3,46% GDP; nợ công ở mức 58,4% GDP.

Theo Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình, năm 2019 là năm bứt phá để hoàn thành kế hoạch 5 năm 2016 - 2020 và kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chính phủ đã xác định phương châm "kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, bứt phá, hiệu quả".

Những tháng đầu năm 2019, kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát; chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 4 tháng tăng 2,71%, thấp nhất trong 3 năm qua.

Tăng trưởng kinh tế (GDP) quý I đạt 6,79%. Xuất khẩu 4 tháng đạt 78,8 tỷ USD, tăng 5,8%; xuất siêu 711 triệu USD…

Thời gian qua, chúng ta cũng thu hút mạnh doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; tích cực thực hiện các chương trình, đề án mới về phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Đến nay đã có 72 huyện và 4.340 xã đạt chuẩn nông thôn mới (đạt 48,7%).

Cùng với phát triển kinh tế, Chính phủ cũng chú trọng chỉ đạo thực hiện các chính sách phát triển văn hóa, xã hội và tập trung giải quyết các vấn đề xã hội; tiếp tục thực hiện tốt chính sách ưu đãi người có công, bảo đảm an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững. Đời sống đồng bào miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, vùng bị thiên tai được quan tâm, chăm lo.

Bên cạnh đó, Chính phủ cũng tiến hành rà soát, xử lý các dự án chậm đưa đất vào sử dụng, để lãng phí đất đai. Quản lý chặt chẽ nguồn thu từ đất đai, khoáng sản, tài nguyên nước. Không để xảy ra sự cố đáng tiếc về môi trường; kiên quyết không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng…

Nhức nhối vi phạm về đạo đức nhà giáo, bạo lực học đường

Bên cạnh những kết quả đạt được, lãnh đạo Chính phủ đề cập đến nhiều tồn tại, hạn chế, trong đó kinh tế vĩ mô chưa thực sự ổn định vững chắc do giá dầu thô, xung đột thương mại, căng thẳng địa chính trị ở nhiều nơi diễn biến bất ổn, khó lường.

"Sản xuất nông nghiệp gặp khó khăn; dịch tả lợn châu Phi lan rộng và tình trạng nắng nóng, thiếu nước ảnh hưởng lớn đến sản xuất và đời sống", Phó Thủ tướng nói.

Còn những hành vi, vi phạm về đạo đức nhà giáo, bạo lực học đường, dâm ô trẻ em và biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống, văn hóa ứng xử, gian lận thi cử, lợi dụng tôn giáo, tín ngưỡng… gây bức xúc xã hội.

Tình trạng sử dụng rượu, bia, ma túy gây tai nạn giao thông, tội phạm nghiêm trọng liên tục xảy ra trong thời gian qua…

Kỷ luật, kỷ cương thực thi công vụ ở nhiều cơ quan, đơn vị chưa nghiêm; phối hợp công tác hiệu quả chưa cao; còn tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm.

Tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà, tham nhũng vặt của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức chưa được ngăn chặn hiệu quả.

Thanh tra, làm rõ việc tăng giá điện

Về nhiệm vụ, giải pháp thời gian tới, Chính phủ đề ra 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp, trong đó kiên định mục tiêu củng cố nền tảng vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng.

Liên quan việc tăng giá điện, Phó Thủ tướng cho biết, các cơ quan chức năng đang thanh tra, làm rõ việc tăng giá điện, phương pháp tính và thu tiền điện, bảo đảm công khai, minh bạch, đúng quy định pháp luật.

Về các nhóm giải pháp tiếp theo, Chính phủ thực hiện quyết liệt cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh. Trong đó, phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; thúc đẩy hình thành những tập đoàn kinh tế tư nhân lớn, tiềm lực mạnh, có năng lực cạnh tranh khu vực, quốc tế.

Ngoài ra, Chính phủ chú trọng phát triển văn hóa, xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân; Tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu; Đẩy mạnh cải cách hành chính, thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo; tăng cường phòng, chống tham nhũng, lãng phí; Tăng cường quốc phòng, an ninh; nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế; Chủ động đẩy mạnh thông tin và truyền thông; tăng cường công tác phối hợp giữa Chính phủ với các cơ quan của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể.

“Triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng chống lợi ích nhóm, tiêu cực, tham nhũng, lãng phí, nhất là trong các lĩnh vực đất đai, tài nguyên, đầu tư công, các dự án BT, BOT, cổ phần hóa DNNN, công tác quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ... và tình trạng “tham nhũng vặt” trong thực thi công vụ; kiên quyết phòng chống, xử lý nghiêm mọi hình thức chạy chức, chạy quyền” – Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, Chính phủ cũng tiếp tục đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng lớn, thu hồi triệt để tài sản bị thất thoát; có cơ chế xử lý kịp thời tài sản liên quan đến các vụ án kinh tế, tham nhũng, không để tài sản xuống cấp, đóng băng, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của Nhà nước và các tổ chức, cá nhân liên quan.

Phát huy vai trò kiểm tra, giám sát, phản biện của các cơ quan dân cử, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể, báo chí và nhân dân trong phòng chống tham nhũng, lãng phí./.    

Nguồn VOV

Tin cùng chuyên mục