Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Hơn một tháng qua, kể từ khi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có văn bản yêu cầu tạm dừng khai thác cát trong hồ Dầu Tiếng, trên thị trường, giá cát xây dựng tăng vọt lên gấp đôi, gây khó khăn cho doanh nghiệp và người dân.
Một điểm tập kết cát bên ngoài khu vực hồ Dầu Tiếng.
TĂNG… DO KHAN HIẾM?
Trong vai một người đi mua cát, tôi khi tìm đến các cửa hàng kinh doanh vật liệu xây dựng lớn tại khu vực thành phố Tây Ninh, được chủ cửa hàng cho biết, giá cát xây dựng bán ra khoảng 500 ngàn đồng/m3, thậm chí có cửa hàng còn “kêu” giá 540 ngàn đồng/m3. Chúng tôi thắc mắc, tại sao giá cát mới hồi tháng trước chỉ khoảng 300 ngàn đồng/m3, bây giờ lại tăng quá cao? Phần lớn các chủ cửa hàng đều cho rằng, do hồ Dầu Tiếng ngưng khai thác cát nên khan hiếm, từ đó đẩy giá lên cao, chứ cửa hàng không bán giá cao.
Các chủ cửa hàng còn cho biết, hầu hết các cửa hàng đều bán cát xây dựng khai thác ở hồ Dầu Tiếng với giá như trên chứ không có nơi nào bán rẻ hơn. Còn nếu có chỗ bán giá thấp hơn, có thể là cát được đưa từ miền Tây về trộn với cát hồ Dầu Tiếng để bán, chất lượng không tốt bằng.
Trong khi đó, hầu hết các doanh nghiệp khai thác cát trong hồ Dầu Tiếng đều khẳng định, họ không “đục nước, béo cò”, đẩy giá cát lên cao. Nhiều chủ bãi cát cho rằng, các “đầu nậu” và các cửa hàng kinh doanh vật liệu xây dựng cố tình tạo thông tin khan hiếm cát để đẩy giá lên cao. Và hiện nay, gần như các bãi cát không còn nhiều cát xây dựng, chỉ còn cát san lấp nền.
Một chủ doanh nghiệp khai thác cho biết thêm, do làm ăn lâu năm nên khi các cửa hàng kinh doanh vật liệu xây dựng cho xe vào mua cát, doanh nghiệp cũng chỉ bán với giá 250 ngàn đến khoảng 300 ngàn đồng/m3. Còn tại sao giá cát ngoài thị trường tăng lên 500 ngàn đồng/m3, doanh nghiệp không thể nào biết được.
VIỆC NHẬP KHẨU CÁT TỪ CAMPUCHIA
Một thầu xây dựng bức xúc cho biết, dù các doanh nghiệp khai thác cát cho rằng cát xây dựng hiện còn tồn rất ít, thế nhưng dọc theo các tuyến đường có hoạt động khai thác cát trong khu vực hồ Dầu Tiếng, không khó để bắt gặp các xe chở cát lưu thông. Bên cạnh đó, qua khảo sát trên các tuyến đường lớn, có khá nhiều điểm kinh doanh vật liệu xây dựng mọc lên nhưng chủ yếu chỉ kinh doanh cát. Tại các điểm này, cát xây dựng được trữ khá nhiều, nên thông tin khan hiếm là không hợp lý. Vị thầu xây dựng nghi vấn, có thể các chủ cửa hàng kinh doanh vật liệu xây dựng “bắt tay” với các doanh nghiệp khai thác cát và “đầu nậu” đưa giá cao lên cao.
Giá cát tăng, ảnh hưởng đến việc xây dựng nên đã có không ít doanh nghiệp, người dân chọn việc mua cát có nguồn gốc từ miền Tây, giá thấp hơn, dù nhiều người cho rằng chất lượng không bằng cát khai thác tại hồ Dầu Tiếng. Và đã có doanh nghiệp nhập khẩu cát xây dựng từ Campuchia về Tây Ninh để không phải lệ thuộc vào cát hồ Dầu Tiếng.
Giá cát tăng mạnh kể từ khi bắt đầu có chỉ đạo tạm ngưng việc khai thác cát trong khu vực hồ Dầu Tiếng cho đến nay.
Tìm hiểu thông tin này, chúng tôi đã liên hệ Chi cục Hải quan cửa khẩu Kà Tum và được xác nhận, đã có 1 doanh nghiệp làm thủ tục mở tờ khai nhập khẩu cát xây dựng về Việt Nam qua cửa khẩu này với khối lượng 800m3, nhưng chưa được thông quan. Theo Chi cục Hải quan cửa khẩu Kà Tum, do cát xây dựng không phải là loại hàng hoá cấm nhập khẩu vào Việt Nam nên doanh nghiệp được phép thực hiện thủ tục nhập khẩu. Tuy nhiên, để được thông quan, doanh nghiệp phải có chứng nhận về chất lượng sản phẩm, hàng hoá vật liệu xây dựng theo quy định của Bộ Xây dựng. Vì vậy, tạm thời 800m3 cát trên vẫn nằm ở kho ngoại quan.
Anh T- chủ một doanh nghiệp ở huyện Tân Châu cho biết, anh cũng đã tìm hiểu và chuẩn bị các thủ tục nhập khẩu cát xây dựng từ Campuchia về Việt Nam để kinh doanh. Theo anh T, sau khi thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ thuế, giá cát xây dựng nhập khẩu thấp hơn thị trường trong nước, chất lượng cát cũng khá tốt, đủ điều kiện để xây dựng.
KIỂM SOÁT CHẶT HOẠT ĐỘNG MUA BÁN CÁT
Trước việc giá cát tăng đột biến thời gian qua, tỉnh cũng đã chỉ đạo kịp thời để kiểm soát hoạt động mua bán cát trên thị trường. Ngày 6.5, Sở Công Thương ban hành văn bản đề nghị Cục QLTT tỉnh triển khai kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hoà Bình tại Thông báo số 142/TB-VPCP ngày 12.4.2019 của Văn phòng Chính phủ về tình hình vi phạm pháp luật trong hoạt động khai thác cát.
Trên cơ sở đó, Cục QLTT tỉnh đã có văn bản gửi đội QLTT các huyện, thành phố phối hợp chặt chẽ với cơ quan liên quan trên địa bàn tăng cường kiểm tra, kiểm soát, ngăn chặn việc vận chuyển, kinh doanh cát không rõ nguồn gốc. Kiểm tra việc niêm yết giá và bán theo giá niêm yết tại các cơ sở kinh doanh.
Đồng thời, các Đội QLTT các huyện, thành phố đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân hoạt động thương mại trên địa bàn thực hiện nghiêm việc không khai thác, vận chuyển kinh doanh cát trái phép, không bảo đảm điều kiện kinh doanh.
Qua trao đổi với một lãnh đạo Cục QLTTT tỉnh, được biết, các đội QLTT đã tiến hành kiểm tra hoạt động kinh doanh cát trên địa bàn. Tuy nhiên, khó khăn là ở chỗ, cát xây dựng không phải là mặt hàng kinh doanh có điều kiện, nên tự doanh nghiệp niêm yết giá bán. Khi có mặt đoàn kiểm tra, chủ doanh nghiệp đối phó bằng cách niêm yết giá, chứng minh nguồn gốc cát kinh doanh. Khi không có lực lượng chức năng, họ quay ngược bảng niêm yết lại.
Các doanh nghiệp khai thác khu vực hồ Dầu Tiếng cát cho biết, khối lượng cát xây dựng mà họ còn tồn sau khi tạm ngưng khai thác cát đến nay gần như đã hết (ảnh minh hoạ).
Trong thời gian tới, lực lượng QLTT tỉnh sẽ tiếp tục tăng cường kiểm tra, kịp thời phát hiện những trường hợp kinh doanh cát không niêm yết giá bán, cũng như kiểm tra nguồn gốc cát xây dựng vận chuyển, kinh doanh… để xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định pháp luật.
Doanh nghiệp khai thác cát khẳng định mình không “ghim hàng” để đầu cơ tăng giá bán cát xây dựng, trong khi các chủ cửa hàng kinh doanh vật liệu xây dựng lại nói, giá cát tăng do khan hiếm. Vậy nguyên nhân giá cát tăng mạnh là do đâu, ai hưởng lợi từ việc tăng giá cát… là những câu hỏi mà dư luận đang chờ câu trả lời từ các cơ quan có thẩm quyền.
THẾ NHÂN