Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Thật đáng ngạc nhiên khi đọc bản tin ngắn trên Báo Tây Ninh (ngày 12.6.2019) rằng thiệt hại 1,5 tỷ đồng sau 3 ngày mưa giông từ ngày 2 đến 4.6 trên địa bàn các huyện Hoà Thành, Trảng Bàng, Dương Minh Châu và TP. Tây Ninh.
Mà đấy là tin chính thức từ Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Tây Ninh. Xem thêm vài chi tiết, như ở huyện Dương Minh Châu: “Có 93 căn nhà bị tốc mái, ước tổng giá trị thiệt hại khoảng 1 tỷ đồng… Trên địa bàn Thành phố có 51 căn nhà bị tốc mái và một số thiệt hại khác với tổng giá trị khoảng 120 triệu…”. Chẳng lẽ nhà của dân Tây Ninh mình rẻ thế này sao! Tính ra, ở nông thôn, bộ mái mỗi căn chỉ trên 10 triệu đồng. Ở Thành phố còn rẻ hơn nữa, có gần hai triệu rưỡi.
Nhưng đắt, rẻ vẫn chưa phải là điểm chính. Điều quan trọng nhất trong vụ mưa giông này là Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn của tỉnh đã không tính đến giá của những cây xanh đô thị bị gãy đổ hoặc bật gốc trên đường. Cũng ở một bản tin khác của Báo Tây Ninh ngày 8.6 thì: “Từ đầu mùa mưa năm nay, đã có 29 cây sao, dầu bên trái tuyến (đường 30.4) bị ngã đổ và 8 cây có nguy cơ ngã đổ”.
Mà không phải là cây mới trồng hay cây "niên thiếu" gì đâu, toàn là cây đang sung sức "tráng niên" hoặc sắp thành cổ thụ. Như trên đoạn từ ngã tư bùng binh biểu tượng đến mũi Tàu là những cây dầu cao ngang 4 tầng nhà. Còn ở đoạn từ ngã ba với Hoàng Lê Kha đến Mít Một cũng toàn cây sao, dầu có đường kính thân sát gốc tới 40 phân hoặc gần nửa mét. Vậy mà giá trị của những cây này đã không hề được tính vào. Điều này có lẽ cũng “kỳ kỳ” như tour du lịch 0 đồng mà một số địa phương Tây Ninh gần đây đã gặp.
Tập hợp vài thông tin kể trên cũng là để những hộ dân bị tốc mái nhà được an ủi phần nào. Thì ra, cái giá từ 2,5 đến 10 triệu đồng cho cái mái nhà mình cũng chưa đến nỗi nào. Cái giá của cây xanh đô thị mới là rẻ nhất. Mà cây xanh lại thuộc về cộng đồng, chẳng phải của riêng ai!
Tôi cũng mới vừa đọc lại bài về đình An Hoà, một di tích lịch sử văn hoá cấp tỉnh, sau khi từ nơi ấy trở về. Đọc lại vì mới vừa được nghe tràn ngập tiếng chim dưới một khoảng rừng xanh toàn những cây cổ thụ vươn cao lừng lững. Vậy mà bài viết về giá trị di tích ấy đã không có một dòng nào viết về những cái cây, dù chúng đã tồn tại cùng ngôi đình suốt cả trăm năm. Đã biết mấy đời người, biết bao câu chuyện kể về sự tích đình làng cùng những dấu tích của một thời vang bóng. Thế mới biết rằng, nhiều người Tây Ninh đã không có khái niệm giá trị của cây xanh. Vậy nên khi có điều gì cần tính toán trên những khu đất, hoặc dự án gì đó bỗng nhiên quên mất. Hay là tại vì quê ta vốn nhiều “nước ngọt đất màu” (lời Trịnh Hoài Đức), cây cứ tự mọc lên mà sống nên không cần tính đến.
Ôi, cái giá của cây! Chắc là có bạn đã từng choáng váng khi ngửa cổ lên mà ngắm “cây di sản” trên Vườn quốc gia Lò Gò - Xa Mát. Với tôi thì không cần đi xa đến thế, chỉ ngắm cây ở ngay TP. Tây Ninh cũng đủ choáng rồi! Như khi đứng trước cây sộp ở đình Thái Ninh phường 1; trước hàng cây sao dẫn vào đình Hiệp Ninh, hay trước cây dầu nay vẫn còn hiên ngang toả bóng trên đường Tua Hai sau miếu Ngũ Hành. Có những cái cây, nay đã mất đi rồi nhưng vẫn còn toả bóng mát trong lòng người nhiều thế hệ cư dân thành phố. Như cây dầu trước đình Thái Bình- di tích cấp quốc gia, hoặc cây trôm ở miếu ngũ hành Xóm Hố (nay thuộc khu phố 5, phường 1).
Ban quý tế đình Thái Bình tiếc cái cây (duy nhất còn lại) này quá, nên xin phép cấp có thẩm quyền biến cây thành kỷ niệm của đình xưa bằng một cách giản dị thôi là đem xẻ cây ra thành hai bộ ván gỗ, bày ở trong đình. Thế là “xuân thu nhị kỳ” ai đến dự lễ kỳ yên hay cầu bông, hoặc tết đến cúng đình cũng đều có thể xoa tay trên từng phiến gỗ mát rượi của cái cây hồi trước. Và như thế cái bóng hiên ngang, quắc thước khổng lồ của cây bỗng nhiên hiển hiện. Và cùng với cây là tiếng chim hót, ong bay như một bầu trời đầy kỷ niệm đã về kia.
Cây rẻ quá! Hay là cây trở thành vô giá?
NGUYỄN