Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Hiện giá gà công nghiệp đã tăng lên, người chăn nuôi tuy không còn lỗ nhưng vẫn chưa có lời.
Trại gà Phan Thanh Thúy nuôi gà Tam hoàng lạnh đã bị lỗ khoảng 1 tỷ do giá gà xuống thấp.
Người chăn nuôi lao đao
Theo thông tin từ một số trang trại, khoảng hơn một tuần nay, giá gà có dấu hiệu phục hồi. Cụ thể, giá gà công nghiệp tăng lên mức 24.000-25.000 đồng/kg bán tại trại, giá gà lông màu (gà ta, gà tam hoàng) từ 34.000 - 36.000 đồng/kg bán tại trại. Với mức giá này, người chăn nuôi tuy đã không còn lỗ nhưng vẫn chưa có lời. Giá gà phải tăng thêm từ 3.000 - 5.000 đồng/kg mới có lời.
Bà Minh, một hộ nuôi gà tại xã Suối Đá, huyện Dương Minh Châu cho biết, giá thịt gà tăng trở lại, có thể do nhu cầu tiêu thụ tăng, sau khi heo của các trang trại bán ra hết, người chăn nuôi không tái đàn vì ảnh hưởng của dịch tả heo châu Phi.
Trước đó, giá gà trên địa bàn tỉnh rớt thê thảm, gà lông trắng được thương lái thu mua với giá chỉ khoảng 14.000 -15.000 đồng/kg, gà lông màu cũng không khấm khá hơn, chỉ từ 21.000 - 26.000 đồng/kg, với mức giá này người chăn nuôi chịu lỗ khoảng 10.000 -11.000 đồng/kg.
Theo đó, trọng lượng tối đa đủ chuẩn của một con gà xuất bán là 2,5kg, tính ra mỗi con gà người chăn nuôi lỗ tới 20.000-22.000 đồng. Thậm chí, đối với loại gà trắng có trọng lượng quá khổ trên 3-4kg/con, giá bán chỉ 11.000 đồng/kg.
Anh Dương Quyền Trần Phú, quản lý 2 trại gà của Phan Thanh Thuý tại huyện Châu Thành cho biết, trung bình một lứa, trang trại nuôi khoảng 40.000 con với mức đầu tư khoảng 5 tỷ đồng. Nhưng trong đợt vừa qua, trang trại chỉ nuôi 22.000 con, đầu tư khoảng 2,5 tỷ đồng, giá gà xuống thấp làm trang trại bị ảnh hưởng nặng do vốn bỏ ra cao, lỗ 1 tỷ đồng.
Anh Phú cho biết thêm, mặc dù giá gà có dấu hiệu phục hồi, nhưng giá bán ngoài thị trường cao, ngoài ra, lượng thịt gà nhập khẩu và gà xuất bán với giá rẻ trước đó vẫn còn, nên cũng chưa “chạy hàng”. Trước đây mỗi ngày, trang trại xuất bán khoảng 7.000 con, hiện nay chỉ khoảng 1.000 con.
Giá thịt gà vẫn giữ mức cao
Gà rớt giá nhưng khi bán lẻ đến tay người tiêu dùng cũng không giảm nên không khuyến khích được sức mua. Tại các chợ trên địa bàn thành phố Tây Ninh, giá gà công nghiệp làm sẵn nhập về các chợ vào khoảng 40 - 45 ngàn đồng/kg, giảm khoảng 5.000 đồng/kg (nguyên con) so với cách đây gần 1 tháng. Tuy nhiên, giá thịt gà các loại như: đùi, cánh, ức gà... vẫn ở mức cao, không có nhiều biến động.
Cụ thể, giá thịt gà các loại như: đùi, cánh, ức gà... vẫn ở mức 40-60.000 đồng/kg. Tại các siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch, giá gà ta loại nguyên con hàng bình ổn thị trường 84.000 đồng/kg, gà ta mái 120.000 đồng/kg. Gà công nghiệp được pha lóc thành má đùi giá trung bình 45.000 đồng/kg; đùi góc tư giá khoảng 59.000 đồng/kg; đùi tỏi khoảng 77.000 đồng/kg, cánh gà khoảng 82.000 đồng/kg…
Giá gà tại các chợ không giảm, theo tiểu thương, do qua nhiều khâu trung gian.
Chị Thanh, một người bán gà làm sẵn tại chợ Tây Ninh cho biết: “Tôi nghe thông tin nói về giá gà hơi giảm một nửa so với trước đây. Nhưng hiện tôi vẫn mua loại gà này với 50.000-60.000 đồng/kg, sau đó về làm sạch thì phải tính công, cộng với chi phí vận chuyển, hao hụt nữa… nên phải bán ra giá 80.000 - 90.000 đồng/kg, tôi mới có lời được”.
Đầu ra khó, vẫn nuôi
Mặc dù giá gà chưa khởi sắc, đầu ra chưa ổn định nhưng một số hộ chăn nuôi đã bắt đầu chuyển sang nuôi gà ta vì cho rằng giá cả ổn định hơn, phù hợp với thói quen khẩu vị của đại đa số người dân. Gà ta được nuôi trong điều kiện chăn thả, thức ăn tự nhiên, thời gian nuôi lâu nên thịt dai, chắc hơn gà công nghiệp. Vì vậy, giá gà ta thường giữ ổn định, khoảng 65.000 - 70.000 đồng/kg bán tại trại.
Anh Đỗ Đăng Chinh - ngụ ấp Hiệp Phước, xã Hoà Thạnh, huyện Châu Thành cho hay, sau một thời gian nuôi gà tam hoàng, gà trắng cho lợi nhuận không cao, giá cả bấp bênh, vừa qua, gia đình anh quyết định nuôi thử nghiệm 5.000 con gà ta. Tuy nhận định giá cả gà ta ổn định, nhưng anh Chinh cũng chưa biết sẽ bán cho ai và giá thành thế nào, mà chỉ đặt niềm tin vào phía công ty cung cấp cám.
“Tôi chưa biết được bán ra thị trường nào nhưng do phía công ty cám bảo đảm bao tiêu đầu ra nên mới đánh liều thử nuôi. Lứa đầu tiên tôi chuyển đổi nên rất lo lắng, nhưng vẫn phải theo, tới lúc nào hay lúc đấy chứ cũng không nắm chắc được điều gì” - anh Chinh nói.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Nam Hùng, Trưởng trạm chăn nuôi thú y huyện Châu Thành khuyến cáo, trước tình hình chăn nuôi gặp nhiều khó khăn, người dân nên thành lập hoặc tham gia vào các hiệp hội chăn nuôi, tổ hợp tác để chăn nuôi tốt, tìm được đầu mối tiêu thụ tốt hơn. Người dân cũng cần thận trọng khi tăng đàn, không nên chạy theo phong trào mà phải tìm hiểu kỹ thị trường trước khi đầu tư.
Vũ Nguyệt