Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Giá heo tăng cao, người nuôi “hồi hộp” tái đàn
Thứ ba: 18:11 ngày 07/01/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Những cơ sở tái đàn tự phát không đăng ký hoặc không thực hiện đúng cam kết về bảo đảm an toàn sinh học trong chăn nuôi sẽ không được nhận hỗ trợ của Nhà nước một khi dịch tả heo châu Phi tái phát.

Người chăn nuôi tái đàn heo.

Thời gian qua, do ảnh hưởng của dịch tả heo châu Phi, nguồn cung thịt heo trong và ngoài tỉnh giảm mạnh, trong khi chỉ còn chưa đầy 3 tuần nữa là đến Tết Nguyên đán 2020 - thời điểm nhu cầu thịt heo tăng cao nhất. Chính vì vậy, khoảng một tháng trở lại đây, giá heo hơi trên địa bàn tỉnh liên tục ở mức cao kỷ lục, có lúc lên đến hơn 9 triệu đồng/tạ. Với mức giá này, người nuôi heo có lãi từ 5 - 6 triệu đồng mỗi con heo 100kg, điều này khiến nhiều người chăn nuôi khó cưỡng lại được việc tái đàn dù nguy cơ dịch tả heo châu Phi quay trở lại là rất cao.

Giá heo tăng cao chưa từng có

Từ đầu tháng 11 năm 2019 đến nay, giá heo hơi trên địa bàn tỉnh liên tục lập đỉnh mới, từ 60.000 đồng/kg đến hơn 90.000 đồng/kg. Có thể thấy, trong dịp Tết Nguyên đán 2020 sắp tới, nếu các cơ quan chức năng không tìm được nguồn cung thịt thay thế thì giá thịt heo sẽ còn những diễn biến khó lường.

Theo ông Đ.T.H - người nuôi heo lâu năm tại ấp Cầy Xiêng (xã Đồng Khởi, huyện Châu Thành), từ trước đến nay chưa bao giờ giá heo hơi vượt qua mức 60.000 đồng/kg chứ đừng nói là gần cả 100.000 đồng/kg như hiện nay. Với mức giá này, heo nuôi vừa đủ 100kg, người chăn nuôi có thể kiếm lời trên 6 triệu đồng mỗi con, đây có thể nói là mức lợi nhuận “không tưởng” đối với người chăn nuôi.

Ông B.T, người chăn nuôi tại ấp Bến Cừ (xã Ninh Điền, huyện Châu Thành) là một trong những hộ còn đàn heo sót lại sau đợt dịch tả heo châu Phi vừa qua cho biết, nhờ thực hiện nhiều biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học thường xuyên cộng thêm “chút may mắn” nên đàn heo của gia đình ông vượt qua đợt dịch an toàn. Đàn heo của ông có 2 con nái và 12 con heo con, trọng lượng trung bình trên 10 - 15kg/con.

Hiện có nhiều thương lái và người chăn nuôi tìm đến nhà trả giá cao, trung bình mỗi con 10kg được trả giá tới 2 triệu đồng nhưng ông chưa bán. Theo ông, thường thì giá heo con sẽ cao gấp 2 đến 2,5 lần giá heo thịt, thêm vào đó là đàn heo chăn nuôi nhỏ lẻ trong dân hiện gần như không còn nhiều, nên heo con được thương lái gạ mua với giá như vậy là chưa đúng với giá thực tế.

Còn theo một số thương lái tại huyện Châu Thành và thành phố Tây Ninh, do ảnh hưởng của dịch tả heo châu Phi nên số lượng đàn heo trong dân không còn nhiều, “mười người nuôi thì nay chỉ còn chưa được một”, trong khi nhu cầu tiêu thụ thịt heo tăng đẩy giá heo tăng cao. Dù vậy, việc tìm được heo để mua không hề dễ, nhiều trường hợp thấy giá heo tăng lên từng ngày, người chăn nuôi không muốn bán vì muốn đợi giá lên cao hơn nữa.

"Dè dặt" tái đàn

Mặc dù giá heo hơi đang ở mức cao ngất ngưởng, hứa hẹn người chăn nuôi có lãi cao nhưng nhiều người chăn nuôi vẫn còn đang dè dặt tái đàn do lo ngại dịch tả heo châu Phi quay trở lại.

Trong đợt dịch vừa qua, trại heo gần 600 con của gia đình ông Lê Tấn Nhật (ấp Voi, xã An Thạnh, huyện Bến Cầu) gần như chết sạch, khiến ông mất trắng gần 2 tỷ đồng. Vì thế, dù hiện tại giá heo hơi tăng cao nhưng ông vẫn không dám tái đàn vì lo dịch tả heo châu Phi sẽ quay trở lại.

Đã có trường hợp tái đàn sau dịch tả heo châu Phi để rồi tiếp tục trắng tay vì dịch bệnh. Cụ thể như trường hợp ông T.V.H, là người chăn nuôi tại ấp Cầy Xiêng (xã Đồng Khởi, huyện Châu Thành). Cuối tháng 11.2019 vừa qua, sau khi tình hình dịch tả heo châu Phi tại địa phương tạm lắng, ông đã vay tiền mua được 50 con heo con để tái đàn với hy vọng  kịp bán Tết. Thế nhưng, ông vừa bắt heo về nuôi được vài ngày thì toàn bộ 50 con heo này cũng bệnh chết khiến ông chới với, đành phải phơi chuồng cho đến nay.

Anh Nguyễn Văn Huy (ngụ ấp Bình Trung, xã Bình Minh, TP. Tây Ninh) vừa bắt 10 con heo con về nuôi được nửa tháng nhưng anh hết sức lo lắng. Anh cho biết, dịch tả heo châu Phi “viếng thăm” trại heo của gia đình hồi tháng 10 vừa qua làm chết gần 100 con, ước tính thiệt hại hơn 200 triệu đồng. Sau khi thu dọn và thực hiện các biện pháp vệ sinh tiêu độc khử trùng, anh liều mua 10 con heo về nuôi thử .

“Vừa nuôi vừa hồi hộp sợ dịch trở lại, nhưng để trống chuồng thì chẳng biết làm gì để có nguồn thu nên tôi đánh liều nuôi lại. Nếu an toàn thì trong thời gian tới, tôi sẽ vay mượn thêm để tái đàn, với mức giá như hiện tại hy vọng sẽ gỡ gạc phần nào thiệt hại trước đó”.

Thận trọng khi tái đàn

Theo ông Nguyễn Thành Thúc - Phó Chi cục Chăn nuôi và Thú y, trường hợp người nuôi muốn tái đàn phải tuân thủ các quy định về điều kiện tái đàn, đặc biệt bảo đảm điều kiện về an toàn sinh học trong chăn nuôi. Đồng thời, theo quy định, các cơ sở trên phải có đơn đăng ký với UBND xã, phường nơi tổ chức chăn nuôi và phải thực hiện các bước kiểm tra, chỉ được phép tái đàn khi đủ các điều kiện chăn nuôi an toàn sinh học.

Những cơ sở tái đàn tự phát không đăng ký hoặc không thực hiện đúng cam kết về bảo đảm an toàn sinh học trong chăn nuôi sẽ không được nhận hỗ trợ của Nhà nước một khi dịch tả heo châu Phi tái phát.

Minh Dương

Tin cùng chuyên mục