Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Hai năm qua, giá heo hơi rớt thảm hại khiến nhiều hộ chăn nuôi điêu đứng, thậm chí có hộ phá sản. Từ tháng 4.2018 đến nay, giá heo hơi đã tăng trở lại, có thời điểm đạt đến 4,6 triệu đồng/tạ. Dù vậy, nhiều người chăn nuôi ngần ngại đầu tư, thậm chí không có ý định tái đàn.
Người chăn nuôi phải tự mổ heo đem bán ven đường khi heo xuống giá vào năm 2016 (ảnh minh hoạ).
THĂM DÒ THỊ TRƯỜNG
Giá heo đang ở mức cao, khoảng 4,5 triệu đồng/tạ, khiến người chăn nuôi phấn khởi. Tuy nhiên, ngược lại cũng không ít người buồn, vì đàn heo của họ đã được “gả” cách đó không lâu với giá 2,4 triệu đồng/tạ. Giá bán quá thấp, người nuôi thua lỗ nặng. Do vậy, vào thời điểm hiện tại, đa phần người chăn nuôi đã “treo” chuồng, một số hộ tái đàn nhưng trong lòng không yên.
Bà Phạm Thị Thuý, ngụ khu phố Ninh Thành, phường Ninh Sơn cho biết, cách đây không lâu, gia đình bà nuôi gần 20 con heo thịt, chi phí đầu tư khá cao cho chuồng trại, giống và thức ăn; nhưng khi xuất chuồng, giá heo giảm mạnh, chỉ còn 2,3 triệu đồng/tạ, khiến gia đình thua lỗ gần 90 triệu đồng. Lo sợ tình trạng lên xuống thất thường của giá heo, gia đình bà quyết định treo chuồng, không tái đàn.
Chị Nguyễn Thị Nhung- cùng khu phố chia sẻ, thấy giá heo lên cao, nên gia đình đã đầu tư con giống, tiếp tục nuôi gần 30 con.
Tuy nhiên, “nuôi thì nuôi vậy, nhưng bản thân vẫn thấy lo lắng, giá cả lên xuống thất thường, chỉ có người chăn nuôi là chịu thiệt thòi, định hướng thị trường đối với người chăn nuôi heo hầu như không có.
Giá heo hơi đang lên, ai cũng đua nhau tái đàn, lúc đó cung vượt cầu là điều không thể tránh khỏi”, chị Nhung than thở.
Còn anh Phạm Ngọc Huyền, ấp Suối Muồn, xã Thái Bình, huyện Châu Thành cho hay, lứa heo vừa rồi anh lỗ gần cả trăm triệu đồng nên chẳng còn “mặn mà” với nghề chăn nuôi heo.
Trong chuồng giờ còn 30 con heo gần tới lứa, đợt này bán xong, anh bàn với gia đình nghỉ nuôi. Anh Huyền ngán ngẩm nói: “Nghề chăn nuôi heo mang lại thu nhập khá ổn định cho người dân ở vùng nông thôn nhiều năm nay, nhưng bây giờ ai cũng ngán do giá heo không ổn định”.
Trang trại heo của ông Thu (xã Lộc Hưng, huyện Trảng Bàng) có quy mô hơn 200 con heo thịt và 30 con nái. Ðợt mất giá vừa qua, ông lỗ khoảng 600 triệu đồng.
Ông rất tiết kiệm trong chăn nuôi, như mua thức ăn trực tiếp từ công ty, tự thực hiện việc gieo tinh heo... để giảm giá thành, nếu không còn lỗ nặng hơn. Hiện trong chuồng còn khoảng 60 con heo thịt và 10 con heo nái, dù giá heo đã tăng cao nhưng ông không có ý định tái đàn quy mô như trước.
Ông Thụ cho biết, kinh nghiệm chăn nuôi heo lâu năm nên khi giá cả thị trường “nhảy múa” trong thời gian vừa qua, ông không khỏi lo nghĩ, giá heo đang bị thương lái “thao túng”.
Ví dụ, ngày hôm trước, thương lái đến mua 4,5 triệu đồng/tạ, nhưng chỉ ngày hôm sau, họ lại mua với giá 4 triệu đồng/tạ. Bài học từ đợt rớt giá vừa qua khiến ông phải đắn đo, nếu tái đàn với quy mô lớn mà heo rớt giá nữa thì cầm chắc phá sản.
Trong thời gian tới, ông vẫn tiếp tục nuôi heo nhưng “thăm dò” chỉ vài chục con heo thịt và vài con heo nái, nếu thị trường có chiều hướng khả quan mới mạnh dạn tái đàn.
KHUYẾN CÁO KHÔNG TĂNG ÐÀN HEO
Theo Chi cục Chăn nuôi - Thú y tỉnh, ngày 27.4, Cục Chăn nuôi đã có văn bản gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc kiểm soát vấn đề tăng đàn heo và chất lượng thức ăn chăn nuôi.
Theo đó, vào những ngày đầu tuần tháng 4.2018, giá heo có dấu hiệu tăng trở lại. Cục Chăn nuôi đã đi khảo sát thực tế, tìm hiểu các yếu tố liên quan đến nguồn cung cầu và nhu cầu mặt hàng thịt heo, trong đó có làm việc trực tiếp với một số đối tác lớn ảnh hưởng chi phối tới thị trường thịt heo trong nước như CP, Massan, Hội Chăn nuôi Việt Nam, Hội Chăn nuôi Ðồng Nai...
Qua đó, thống nhất đánh giá, giá thịt heo trong nước chịu sự chi phối bởi các yếu tố cung cầu trong nước, xuất khẩu tiểu ngạch sang Lào, Campuchia không đáng kể
Giá heo hơi tăng lên là kết quả của giải pháp cân đối cung cầu mặt hàng thịt heo mà Bộ NN&PTNT đã chỉ đạo, khuyến cáo các địa phương triển khai kiểm soát giảm đàn heo nái từ cuối năm 2016 và trong năm 2017. Do đó, hiện nay là thời điểm giải pháp trên tác động làm giảm nguồn cung heo ra thị trường.
Những ngày gần đây, giá heo tăng nhanh bất thường, có dấu hiệu người chăn nuôi “ghìm” hàng, chờ giá tăng thêm, tạo nên hiệu ứng khan hiếm giả nguồn cung. Nếu không có các giải pháp điều tiết, sẽ có thể gây thêm rủi ro cho ngành.
Với giá cả và khối lượng tiêu thụ mặt hàng heo thịt như hiện tại, người kinh doanh, người chăn nuôi và người tiêu dùng trong nước đều chấp nhận được.
Ðây có thể là ngưỡng về quy mô đàn heo, và giá sản phẩm chăn nuôi phù hợp với cung cầu trong nước và tương quan của thị trường các nước xung quanh.
Nhiều hộ chăn nuôi heo đang có ý định “treo chuồng” dù giá heo tăng cao (ảnh minh hoạ).
Cục Chăn nuôi dự báo, trong thời gian tới, nhu cầu tiêu thụ thịt heo các tháng mùa hè sẽ giảm và giá thức ăn chăn nuôi sẽ tăng, do các loại nguyên liệu chính như khô, đậu nành, bắp và đặc biệt các loại thức ăn bổ sung nhập khẩu tăng cao.
Cục Chăn nuôi đề nghị các Sở NN&PTNT tập trung chỉ đạo thống kê số heo nái và heo thịt, kịp thời khuyến cáo các thông tin về thị trường và quy mô đàn heo trên địa bàn để người chăn nuôi biết và có giải pháp điều chỉnh phù hợp.
Trong đó, không khuyến khích tăng đàn, tăng quy mô đàn heo, chỉ cần đẩy mạnh các biện pháp tăng năng suất sinh sản, năng suất heo thịt là có thể nâng ngay được sản lượng thịt heo xuất chuồng đáp ứng nhu cầu thị trường.
Các đơn vị chức năng cần tăng cường công tác kiểm tra chất lượng, chống gian lận thương mại, lạm dụng kháng sinh và sử dụng chất cấm trong hoạt động sản xuất, kinh doanh thức ăn chăn nuôi trên địa bàn.
Ngoài ra, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thức ăn chăn nuôi cần tăng cường các biện pháp kiểm soát chất lượng, tiết kiệm chi phí sản xuất, bảo đảm duy trì chất lượng, an toàn thực phẩm và hạn chế tăng giá sản phẩm thức ăn chăn nuôi trong thời điểm hiện nay.
Song song đó, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan truyền thông, theo dõi sát diễn biến của thị trường để cung cấp thông tin sát thực, kịp thời và đưa ra các cảnh báo nhằm ổn định thị trường và sản xuất chăn nuôi, nhất là chăn nuôi heo.
THIÊN TÂM - THANH NHI
Do đó, trong thời gian tới, các cơ quan chức năng cần định hướng cho người chăn nuôi theo kiểu tập trung, không tự phát như hiện tại. Có như vậy, mới không còn xảy ra nguy cơ cung vượt cầu, dẫn đến thịt heo rớt giá thảm hại như 2 năm vừa qua.