Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Giá thức ăn chăn nuôi tăng vọt, nông dân đau đầu duy trì chăn nuôi
Thứ hai: 16:50 ngày 24/05/2021

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Những năm qua, tình hình dịch bệnh trên gia súc, gia cầm có nhiều diễn biến phức tạp, gây không ít thiệt hại cho người chăn nuôi. Với những nổ lực không ngừng nghỉ của người nông dân và ngành chăn nuôi, thời gian gần tình hình chăn nuôi đã dần đi vào ổn định. Tuy nhiên, từ cuối năm 2020 đến nay, giá cả các loại thức ăn gia súc, gia cầm liên tục tăng mạnh, trong khi giá thành các sản phẩm chăn nuôi lại quay đầu giảm, khiến người chăn nuôi đối diện nguy cơ thua lỗ, khó duy trì đàn vật nuôi.

Người dân mua thịt heo tại chợ (ảnh minh hoạ).

Giá thức ăn chăn nuôi tăng 7 lần liên tiếp.

Theo chủ một đại lý thức ăn chăn nuôi tại ấp Thanh Đông, xã Thanh Điền, huyện Châu Thành, giá các mặt hàng thức ăn chăn nuôi gia súc, gia cầm bắt đầu tăng mạnh từ tháng 10 năm 2020, với nhiều đợt tăng liên tiếp, trung bình mỗi lần tăng từ 5.000 đồng đến 10.000 đồng/bao (25kg), tính đến nay, giá thức ăn chăn nuôi đã tăng 7 liên tiếp, mức giá chênh lệch đã lên đến hơn 60.000 đồng đến hơn 100.000 đồng/bao so với trước.

Còn theo ông N.T.Đ, chủ một đại lý thức ăn chăn nuôi tại Thị trấn Châu Thành, tất cả các loại thức ăn chăn nuôi cho cả heo, gà, vịt tại đại lý của ông nhập về từ đầu năm đến nay đều tăng, loại rẽ nhất cũng tăng ít nhất là 25%. Trong khi đó, những loại có nhãn hiệu trên thị trường như Con Cò, Cargill, GreenFeed hay Hi-gro thì giá đã tăng trên 30% so với cùng thời điểm năm 2020.

Bà Thu Nga, chủ một đại lý thức ăn chăn nuôi tại xã Long Giang, huyện Bến Cầu cho biết, đại lý của bà chủ yếu bán cám nhãn hiệu Hi-Gro, cũ thể, hiện giá bán cám hỗn hợp dạng viên cho heo nái mang thai có giá khoảng 270.000 đồng/bao (cao hơn 60.000 đồng so với cùng kỳ năm trước), loại dành heo thịt loại đành cho heo từ 15 đến 30 kg có giá khoảng 330.000 đồng/bao và loại dành cho heo từ 30kg trở lên có giá 315.000 đồng/bao (cao hơn khoảng 80.000 đồng so với năm 2020), riêng loại cám dành cho heo con tập ăn có giá lên đến 470.000 đồng bao, (cao hơn đến 110.000 đồng so với cùng kỳ).

Theo khảo sát của người viết tại một số đại lý thức ăn chăn nuôi các huyện Châu Thành, Dương Minh Châu, Bến Cầu, Gò Dầu và Thành phố Tây Ninh, hiện mức giá các loại thức ăn chăn nuôi đã tăng trên 30% so với thời điểm cuối tháng 10 năm 2020. Trong đó, giá thức ăn cho heo ghi nhận mức tăng nhiều nhất, một số thương hiệu tăng cao là Greenfeed, deheus, Hi-gro, Cargill, Con Cò...

Đặc biệt là thức ăn hỗn hợp cho heo con hiện giá thấp nhất trên thị trường cũng trên 460.000 đồng/bao, rẻ nhất là thức ăn cho heo nái mang thai cũng có giá 270.000 đồng/bao, còn những loại thức ăn cho heo thịt có giá giao động từ 300.000 – 370.000 đồng/bao, tuỳ thương hiệu và trọng lượng heo sử dụng. Giá các loại thức ăn cho gà, vịt, cá cũng ở mức trung bình trên 350.000 đồng/bao.

Phun thuốc khử trùng tiêu độc chuồng chăn nuôi (ảnh minh hoạ).

Một nhân viên tiếp thị thức ăn chăn nuôi tên T, tại huyện Dương Minh Châu cho biết, theo thông tin từ nhà máy, trong thời gian tới, giá thức ăn chăn nuôi sẽ còn tiếp tục tăng do nguồn cung nguyên liệu chế biến phải nhập khẩu gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Do đó, các đại lý nên tranh thủ nhập nhiều trong lần để tránh nhiều đợt tăng giá liên tiếp. Theo ông T, với giá thức ăn chăn nuôi hiện nay có thể nói là mức cao kỷ luật trong 10 năm qua, điều này chắc chắn sẽ gây không ít khó khăn cho người chăn nuôi.

Người chăn nuôi khó duy trì.

Sau đợt càng quét của dịch tả heo châu Phi, nhiều nông dân lầm vào cảnh kiệt quệ, nợ nần chồng chất, nhưng với niềm đam mê, nhiều người vẫn cố gắng chạy vại, vay mượn để tái đàn. Thế nhưng, chưa kịp gượng dậy thì nay cơn bão giá thức ăn chăn nuôi lại tiếp tục làm người nông dân thua lỗ, nguy cơ phá sản cận kề.

Ông T.VH, ngụ ấp Cầy Xiêng, xã Đồng Khởi, huyện Châu Thành cho biết, trong đợt dịch tả heo châu Phi, hơn 200 con heo của gia đình ông buộc phải tiêu huỷ toàn bộ, sau khi nhận tiền hỗ trợ của Nhà nước, ông còn âm lại hơn 100 triệu tiền thức ăn chăn nuôi.

Tuy nhiên, vì đã gắn bó với nghề hơn 20 năm, nên sau khi địa phương công bố hết dịch, ông đã vay mượn gần 300 triệu đồng để tái đàn, nhờ giá heo tăng cao thời gian qua nên ông đã trả hết được nợ. Tuy nhiên, với việc giá thức ăn cho heo đã tăng quá cao trong khi giá heo hơi lại quay đầu giảm khiến ông lại tiếp tục lâm vào cảnh nợ nần.

“Hiện tôi đang nợ đại lý khoảng 70 triệu tiền cám, đây là tiền thiếu mới cho một đợt mua gần nhất. Những lần trước tôi điều trả thẳng, vì giá heo hơi cao nên bán đi là tôi có tiền trả ngay, thế nhưng đợt này giá heo hơi xuống thấp dưới 6,5 triệu đồng/tạ, lại bị thương lái làm nũng nên tôi đang cố nuôi thêm khoảng 1 tuần mới bán và hy vọng tới lúc đó giá heo sẽ tăng trở lại”, ông H chia sẻ thêm.

Một người chăn nuôi tại tại Thị trấn Dương Minh Châu cho biết, trước đây gia đình ông có 2 trang trại, nuôi hơn 1.000 con gà và khoảng 200 con heo. Tuy nhiên, từ đầu năm 2021 đến nay ông đã ngưng hẳn việc nuôi gà, do không có lãi, nếu tục nuôi có thể thua lỗ. Riêng trại heo cũng giảm số lượng xuống dưới 100 con.

Theo người này, việc giá thức ăn tăng cao như hiện nay, mà giá sản phẩm gia súc, gia cầm không tăng thì người chăn nuôi cầm chắc thua lỗ, ông lấy ví dụ như: gà, hiện nay giá cám thức ăn  trung bình là hơn 320.000 đồng/bao.

Người chăn nuôi lo thua lỗ vì giá thức ăn chăn nuôi tăng quá cao.

Như vậy để có 1000 con gà đến lúc xuất chuồng, người chăn nuôi phải bỏ gần 100 triệu đồng, chưa kể, tiền con giống, thuốc thú y, nhân công và các loại chi phí khác (điện, nước...) với giá gà thả vườn vẫn chỉ khoảng 90.000 đồng/kg thì cầm chắc người nuôi sẽ ôm lỗ không dưới 20 triệu đồng.

Còn theo ông Đ, ngụ thị xã Trảng Bàng, để nuôi một con heo đạt đủ tạ (100kg), thì lượng thức ăn trung bình mỗi con tiêu thụ khoảng hơn 10 bao thức ăn (loại 25kg/bao), tính trung bình, người chăn nuôi phải đầu tư gần 4 triệu đồng tiền thức ăn cho mỗi con heo mới có thể xuất bán được.

Đó là chưa kể đến các loại chi phí về vắc-xin phòng ngừa bệnh, hoá chất dùng vệ sinh khử trùng tiêu độc thường xuyên... đồng thời, gần như các hộ chăn nuôi theo kiểu gia đình thường là “lấy công làm lời”. Vì vậy, việc giá thức ăn chăn nuôi tăng sẽ khiến các hộ chăn nuôi rơi vào khó khăn. Thậm chí thua lỗ nếu thời gian tới, giá heo quay về mức dưới 6 triệu đồng/tạ.

Theo tính toán của nhiều hộ chăn nuôi có thâm niên, thức ăn chăn nuôi chiếm 80% trong giá thành sản phẩm trong chăn nuôi. Vì vậy, khi giá các mặt hàng thức ăn chăn nuôi biến động (tăng hoặc giảm) sẽ có tác động rất lớn đến chi phí sản xuất và lợi nhuận của người chăn nuôi, giá thức ăn chăn nuôi tăng một sẽ kéo theo chi phí chăn nuôi tăng gấp đôi, trong khi tình hình dịch bệnh còn nhiều phức tạp, khiến giá bán thực phẩm không thể tăng theo, thậm chí còn quay đầu giảm. Tình trạng này nếu kéo dài sẽ khiến người chăn nuôi nguy cơ thua lỗ hoặc phá sản, không còn ai dám tái đàn, dẫn đến thiếu hụt nguồn cung thịt cho người tiêu dùng.

Giá heo hơi đang trên đà giảm khiến người chăn nuôi khó cầm cự.

Hiện nay, tình hình chăn nuôi đang trên đà phục hồi sau dịch bệnh, giá các sản phẩm thịt duy trì ổn định. Trong đó, giá heo heo hơi bắt đầu quay đầu giảm từ cuối tháng 3 đến nay, theo một số thương lái, hiện heo hơi mua trong các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ giao động khoảng 6,3 đến 6,6 triệu đồng/tạ, trong các trại lớn có thể cao hơn nhưng cũng không quá 7 triệu đồng/tạ, mức giá này đã giảm gần 1 triệu đồng so với thời điểm sau tết.

Trong thời gian tới, diễn biến thị trường sẽ rất khó đoán khi dịch covid-19 còn nhiều diễn biến phức tạp. Do vậy, các cơ quan chức năng cần có giải pháp bình ổn thị trường, bảo đảm giá cả bình ổn tất cả các mặt hàng thiết yếu, góp phần hỗ trợ người dân vượt qua giai đoạn khó khăn.

Thiện Đức

Tin cùng chuyên mục