Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Đừng nghĩ nông dân, nông nghiệp là cứ cặm cụi làm, mớ cá bó rau, rồi chợ xép chợ tỉnh, mà cần những nghiên cứu để nông nghiệp trở thành một thị trường đúng nghĩa.
Theo dõi việc làm và các phát biểu của bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan vừa qua thấy nhiều điều rất thú vị.
Ông chính là người chủ trương "đưa chợ về vườn", đưa thị trường về tận ao cá, thửa ruộng, vườn cây. Và điều ấy đã đúng khi chúng tôi về vùng vải Lục Ngạn và khu sản xuất giống lúa ở tỉnh Thái Bình của Thaibinh Seet mấy năm trước.
Hồi ấy, mà chắc chắn là giờ vẫn vậy, mùa vải, cả Lục Ngạn là một cái chợ, những "dòng sông vải" trôi lừ lừ mỗi buổi sáng, đến nỗi ông chủ tịch sáng tác hẳn bài thơ "dòng sông đỏ" và được một nhạc sĩ phổ nhạc, thành bài... huyện ca.
Và giờ, mấy ngày nay, liên tục nghe ông Lê Minh Hoan nói về nghiên cứu khoa học nông nghiệp. Những là "Giá trị của nghiên cứu khoa học là ra đồng, vô rừng, vào hộ chăn nuôi", những là "Nhà khoa học hãy gặp nông dân, có vô số ý tưởng" vân vân...
Lâu nay, đành phải nói thật, thôi thì cũng có những nghiên cứu có thể áp dụng ngay vào đời sống, nhưng quả là, khá nhiều nghiên cứu buồn cười, để rồi cho ra những quy định rất trời ơi, từ những luận án tiến sĩ đầy chất "khoa học" kiểu như "Nghiên cứu nhận thức của sinh viên Đại học Sư phạm về sức khỏe sinh sản"; "Nghiên cứu các giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh của trang tin điện tử T…"; "Các biện pháp tổ chức hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp cho học sinh trung học phổ thông"; "Tắm giặt cho chiến sỹ miền núi"; "Xây dựng chương trình thể thao ngoại khóa cho sinh viên Trường ĐH Hùng Vương tỉnh Phú Thọ", và mới nhất là luận án tiến sĩ của ông Vương Tấn Việt mà bộ Giáo dục đào tạo yêu cầu báo cáo khẩn mà vẫn chưa nhận được trả lời vân vân…, tới những quy định ngực lép thì không lái xe, đếm cỗ cưới, đếm vòng hoa đám ma, quan tài không lắp ô kính, cấm bán thịt sau giết mổ 8 giờ, bà mẹ Việt Nam anh hùng được cộng điểm thi đại học, người bán hàng rong phải có giấy chứng nhận sức khỏe... cũng vân vân vì nó khá nhiều.
Còn các nghiên cứu khoa học của các trường đại học, các cơ quan cấp tỉnh hàng năm có dành phần kinh phí cấp cho việc này, thì cũng quả là, chưa có ai thống kê xem có bao nhiêu "công trình" áp dụng được vào thực tế, bao nhiêu công trình nghiệm thu xong lại cất vào tủ, vào kho, làm tư liệu cho... các đời sau, kiểu như: vài suy nghĩ về, vài ý kiến về, những nhận thức chung về...
Thế nên những điều ông Lê Minh Hoan nói và yêu cầu, nó được sự cộng hưởng, nó được tán đồng, bởi nó đúng, nó là kết quả của sự sâu sát thực tế, hiểu thực tế, của người luôn luôn trăn trở, suy nghĩ, đầy kinh nghiệm thực tế.
Về nông nghiệp, rất nhiều tỉnh trăn trở việc "trồng cây gì nuôi con gì", rồi chọn con chọn cây, rồi huy động rồi nhân rộng. Nhưng vấn đề quan trọng không kém, là trồng, là nuôi, là nhân rộng, là phát triển, xong rồi đi đâu. Tức cái món đầu ra, chúng ta quên bẵng, hoặc coi nhẹ.
Tôi lên Sơn La, một tỉnh nghèo triền miên, ngày xưa nghe nói tới là hình dung ngay nó xa lăng lắc. Ông bà ngoại tôi ở Ninh Bình, đẻ 9 anh chị em. Mẹ tôi là chị đầu vào Thanh Hóa, dì thứ 5 lên Sơn La, cùng làm cán bộ, tức có điều kiện đi lại, thế mà cũng phải mấy chục năm chị em mới gặp lại nhau. Giờ khi thế hệ thứ hai, là chúng tôi và con dì gặp nhau thì Sơn La khác vô cùng. Các em kể, đời sống cả cá nhân và tỉnh khá lên từ hồi Sơn La quyết biến mình thành vựa cây của cả nước. Cả nước có cây trái gì hấp dẫn, đặc sản, là Sơn La mang về, tất nhiên phải có chọn lọc, nghiên cứu, và những loại trái cây ấy về Sơn La không chỉ giữ nguyên chất lượng mà trọng lượng còn nhiều hơn, có những quả bơ nửa cân, rồi thanh long, nhãn, xoài, cam, chanh leo vân vân. Hiện nay, theo thống kê, Sơn La đã vươn lên trở thành vựa cây ăn quả lớn thứ 2 cả nước với 84.752 ha cây ăn quả phục vụ xuất khẩu (Số liệu của báo Sơn La). Và quan trọng là, trước khi biến tỉnh mình thành vựa trái cây, lãnh đạo tỉnh đã "nhìn xa" bằng cách mở các nhà máy chế biến nông sản từ lớn tới nhỏ, liên hoàn trong tỉnh, và hiện họ đang hướng tới để thành trung tâm chế biến nông sản vùng Tây Bắc.
Đấy chính là thành quả của nghiên cứu khoa học đúng, trúng và sát thực tiễn, được áp dụng ngay vào thực tiễn, và cả hai bên cùng có lợi. Mà chả hai bên, nhiều hơn nữa.
Đã qua cái thời tính... tôm trên đĩa, kiểu như thế giới có từng ấy người, từng ấy người ăn tôm thì chúng ta sẽ bán được từng ấy con tôm, mà người nông dân bây giờ cần các nhà khoa học nhập cuộc vào chính đời sống của họ, vào chính cái họ cần để giúp họ, chính xác là liên kết với họ để cùng có lợi. Nói cách khác, nông dân đặt hàng nhà khoa học để nhà khoa học nghiên cứu áp dụng ngay vào công việc người nông dân, cùng phát triển, cùng có lợi...
Lâu nay thi thoảng lại có bác nông dân mày mò nghiên cứu ra cái này cái kia, áp dụng vào công việc của họ, hay phết, thuận lợi phết, thế là dư luận lại ồn lên, các nhà khoa học thua nông dân.
Tôi nghĩ không hẳn thế, có điều, một là nhà khoa học chưa nghiên cứu đúng cái thị trường cần, xã hội cần, và hai, điều này cũng quan trọng, là các nhà khoa học cũng có nhiều loại, có người biết nghiên cứu và có người... không. Cái này lại cũng do xã hội "phân công" vì bằng cấp loạn quá.
Nhân đây lại nhớ, có hồi chúng ta cũng hay nói kiểu miệt thị: Việt Nam không sản xuất nổi cái ốc vít ô tô. Vào thăm tập đoàn ô tô Trường Hải, ông nhà văn Nguyễn Một, giám đốc truyền thông nói với tôi: vấn đề là sản xuất làm gì, bán cho ai, là bởi nếu sản xuất có lãi thì phải hàng triệu sản phẩm mỗi ngày, mà Việt Nam thì với số lượng ấy, làm gì cho hết. Ngay các hãng sản xuất máy bay, có phải họ tự sản xuất hết đâu, họ nhập cái gì cần nhập, nên máy bay nó chính là một liên hiệp linh kiện của nhiều nước...
Tóm lại là, đừng nghĩ nông dân, nông nghiệp là cứ cặm cụi làm, mớ cá bó rau, rồi chợ xép chợ tỉnh, mà cần những nghiên cứu để nông nghiệp trở thành một thị trường đúng nghĩa. Và lúc ấy chúng ta sẽ có những nông dân mới, nông dân công nghệ, với những ấn nút, những dây chuyền, những enter...
*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả
Nguồn nguoiduatin