Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Giá trị vĩnh cửu của bản Tuyên ngôn độc lập 1945
Thứ sáu: 23:10 ngày 02/09/2022

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Tuyên ngôn độc lập không còn chỉ dành riêng cho dân tộc Việt Nam mà đó còn là sự cổ vũ, lời khẳng định thiêng liêng của tất cả các dân tộc trên thế giới, đặc biệt là các dân tộc nhỏ yếu đang chịu sự cai trị của chủ nghĩa thực dân.

Chúng ta đang sống trong những ngày mùa thu lịch sử của dân tộc. Trong khi một số người Việt ở trong nước hoặc ở nước ngoài không ngừng tấn công, bôi đen về sự kiện lịch sử mùa thu tháng Tám và thoá mạ vị lãnh tụ, linh hồn của cuộc cách mạng thì chính những người ở các quốc gia từng đem quân xâm chiếm Việt Nam lại thừa nhận sự vĩ đại của Người.

Năm 2020, một tờ báo dẫn lời ông Phạm Văn Trà- nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng kể lại với báo chí rằng, năm 2003, khi còn giữ trọng trách bộ trưởng, ông sang thăm và làm việc tại nước Mỹ. Tại đây, ông cùng đoàn công tác phải trả lời hàng loạt những câu hỏi hóc búa của chính giới Mỹ đặt ra.

Trong đó có câu hỏi: “Tại sao đoàn của các ông lại đến thăm đài tưởng niệm cố Tổng thống Washington, Tổng thống đầu tiên của Mỹ?”. Ông Phạm Văn Trà trả lời, nguyên văn: “Chúng tôi rất quý trọng cố Tổng thống Washington. Bác Hồ của chúng tôi đã lấy một câu trong tuyên ngôn độc lập của nước Mỹ vào Bản Tuyên ngôn độc lập của chúng tôi.

Đó là câu “Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hoá cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”. Câu đó phù hợp với dân tộc chúng tôi, chính vì thế chúng tôi quý trọng và đến thắp hương tưởng nhớ”. Sau khi ông trả lời xong, nhiều người Mỹ có mặt đã vỗ tay tán dương.

Một chuyện khác, do một cán bộ ngoại gia từng công tác tại Uỷ ban Đối ngoại của Quốc hội kể lại, năm 1982, tức chỉ 7 năm sau khi đất nước thống nhất, một người Mỹ, vốn là sĩ quan tình báo đã xin lãnh đạo của nước ta lúc đó vào lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Tại thời điểm đó, chiến tranh kết thúc chưa lâu, quyết định để cho một cựu sĩ quan tình báo Mỹ vào viếng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh là điều không đơn giản. Hoá ra, người cựu sĩ quan tình báo này, do cơ duyên của lịch sử, ông là người được chính Bác Hồ mời tham dự lễ Tuyên ngôn độc lập tại Hà Nội, mùa thu năm 1945.

Trước khi vào viếng Lăng Bác, người ta hỏi ông, lý do vì sao lại vào viếng và ông trả lời: “Tôi đi gặp lại bạn cũ, gặp lại người bạn vĩ đại của tôi”. Khi đến trước lăng, thấy hàng chữ viết bằng tiếng Việt, người cựu sĩ quan không hiểu, vị cán bộ ngoại giao đã dịch cho ông biết hàng chữ đó là “Không có gì quý hơn độc lập tự do”. Nghe dịch xong, người cựu sĩ quan Mỹ nói rằng, câu nói của Bác Hồ là giá trị chung của nhân loại, tất nhiên, có cả nước Mỹ.

Một điều nữa cũng cần nói, Tuyên ngôn độc lập- áng thiên cổ hùng văn có một câu rất tinh tế, đó là câu Bác nói: “.... suy rộng ra, câu ấy có ý nghĩa là, tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng....”. Tuyên ngôn độc lập của nước Mỹ chỉ nói “mọi người sinh ra có quyền bình đẳng”, trong khi Tuyên ngôn độc lập của Việt Nam khẳng định không chỉ “mọi người” bình đẳng mà mọi dân tộc đều bình đẳng. Đây là một thông điệp mà Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi đến các đại cường lúc đó, rằng mọi dân tộc, quốc gia đều có quyền bình đẳng như nhau, các ông đừng rắp tâm xâm chiếm đất nước chúng tôi!

Còn 23 năm nữa, Tuyên ngôn độc lập do Chủ tịch Hồ Chí Minh viết và đọc tại Hà Nội tròn 100 năm. Càng lùi xa, càng thấy giá trị bất hủ của bản tuyên ngôn này. Chúng ta biết rằng, Tuyên ngôn độc lập của nước Mỹ năm 1776 và Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền năm 1789 được ra đời từ sau cuộc đấu tranh giành độc lập của 13 bang thuộc địa Anh ở Bắc Mỹ và cuộc đại cách mạng tư sản Pháp.

Trên cơ sở kế thừa những tư tưởng tiến bộ thời kỳ Khai sáng, hai bản tuyên ngôn của nước Mỹ và Pháp là lời khẳng định đầy sức thuyết phục về quyền con người, quyền dân tộc, về nguyên tắc “chủ quyền nhân dân” trong cuộc đấu tranh chống lại chế độ phong kiến chuyên chế hướng con người vươn tới các giá trị dân chủ, giá trị nhân văn cao cả về tự do, bình đẳng, bác ái.

Trong bản Tuyên ngôn độc lập nước Mỹ, tác giả Thomas Jefferson (sau này là Tổng thống Mỹ) khẳng định các nước thuộc địa phải có quyền là quốc gia tự do và độc lập, việc xoá bỏ quyền thống trị của thực dân Anh. Hai bản tuyên ngôn đánh mốc dấu son trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và giải phóng con người. Bản Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền của cách mạng Pháp năm 1791 nêu rõ: “Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi, và phải luôn luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi”.

Trong Tuyên ngôn độc lập năm 1945 của Việt Nam, từ những dòng đầu tiên, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trích dẫn những câu nổi tiếng nhất trong hai bản tuyên ngôn lịch sử đó với thái độ rất trân trọng: “Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hoá cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc…”.

Ở đây, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xuất phát từ những giá trị nhân văn mang tính phổ quát toàn nhân loại làm cơ sở, mục tiêu cho cuộc đấu tranh của dân tộc Việt Nam. Người khẳng định cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc Việt Nam cũng là nhằm thực hiện những quyền chính đáng, thiêng liêng không ai có thể xâm phạm, là sự tiếp nối của lá cờ giải phóng dân tộc, giải phóng con người mà các cuộc cách mạng Pháp, cách mạng Mỹ đã giương cao.

Không chỉ kế thừa, Chủ tịch Hồ Chí Minh mở rộng, phát triển vượt bậc những giá trị của các bản tuyên ngôn trước đó trong thời đại mới. Có nhà nghiên cứu chỉ ra, Tuyên ngôn độc lập của nước Mỹ, nguyên bản câu “tất cả mọi người” là “tất cả đàn ông” (all men).

Nguyên bản của câu đó là đặt trong bối cảnh nước Mỹ những năm cuối thế kỷ XVIII khi chế độ nô lệ, tệ phân biệt chủng tộc còn tồn tại, những người đàn ông có quyền mà Tuyên ngôn đề cập đến chỉ là những người đàn ông da trắng. Như vậy, các quyền cơ bản của con người, quyền vốn có ấy chỉ dành cho đàn ông da trắng. Trong khi Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định một cách rõ ràng, quyền là dành cho “tất cả mọi người”, không phân biệt địa vị, thành phần, tôn giáo, giới tính, sắc tộc. Đó là sự mở rộng tuyệt đối, đem lại những giá trị to lớn và phù hợp với sự phát triển tiến bộ của nhân loại.

Trong Tuyên ngôn độc lập đọc tại Hà Nội năm 1945, Hồ Chí Minh mở rộng nội hàm khái niệm quyền dân tộc cả chiều rộng và chiều sâu. Xuất phát từ hoàn cảnh nước Việt Nam thuộc địa vừa mới giành độc lập và bối cảnh lịch sử quốc tế bấy giờ, Hồ Chí Minh khẳng định: quyền dân tộc không chỉ là quyền dân tộc tự quyết, mà còn là quyền bình đẳng, quyền tự do, quyền thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ.

Độc lập dân tộc đã gắn bó mật thiết với các nguyên tắc dân tộc bình đẳng và tự quyết, với quyền sống và quyền hạnh phúc của mỗi dân tộc. Hơn nữa, quyền độc lập, bình đẳng ở đây phải được xác lập trong mối quan hệ với tất cả các nước trên thế giới, không phân biệt lớn nhỏ, mạnh yếu hay khác nhau về thể chế chính trị. Vì thế, Tuyên ngôn độc lập không còn chỉ dành riêng cho dân tộc Việt Nam mà đó còn là sự cổ vũ, lời khẳng định thiêng liêng của tất cả các dân tộc trên thế giới, đặc biệt là các dân tộc nhỏ yếu đang chịu sự cai trị của chủ nghĩa thực dân.

Từ quyền con người suy rộng ra quyền dân tộc, Tuyên ngôn độc lập đã góp phần tạo lập và khẳng định một nền pháp lý và công lý mới của văn minh nhân loại, hướng tới công bằng, bình đẳng, xoá bỏ ách áp bức, bóc lột, bất công trên bình diện quốc gia và quốc tế. Công lý ấy về sau không chỉ trở thành nguyên tắc lập Hiến của Việt Nam, của nhiều quốc gia khác mà trở thành điều khoản pháp lý quốc tế khi nó được ghi vào các công ước quốc tế liên quan đến chủ quyền quốc gia, về quyền độc lập dân tộc và quyền tự quyết.

Trong Chương trình giáo dục phổ thông năm 2000, Tuyên ngôn độc lập được in toàn văn, nguyên văn và dạy rất kỹ trong sách giáo khoa Ngữ văn lớp 12. Tuyên ngôn độc lập xuất hiện nhiều lần trong đề thi tốt nghiệp THPT. Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018, Tuyên ngôn độc lập là một trong sáu tác phẩm (rất ít) bắt buộc phải dạy, gồm: Nam quốc sơn hà, Hịch tướng sĩ, Bình Ngô đại cáo, Truyện Kiều, Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc và Tuyên ngôn độc lập.

Nói như vậy để thấy giá trị của áng thiên cổ hùng văn này không chỉ trên phương diện chính trị, lịch sử, ngoại giao, pháp lý mà còn có giá trị cao về nghệ thuật. Trong đó, nghệ thuật lập luận của bản Tuyên ngôn được đánh giá là mẫu mực, kinh điển, văn phong hiện đại. Việc một số ý kiến cho rằng Tuyên ngôn độc lập không được dạy kỹ trong Chương trình giáo dục phổ thông là hoàn toàn sai sự thật.

Việt Đông

Tin cùng chuyên mục