Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Giai đoạn 2015 - 2020: Tây Ninh không xảy ra sự cố môi trường
Thứ bảy: 15:47 ngày 28/11/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Dù vậy, để nâng cao trách nhiệm và sự phối hợp của các cấp, các ngành, địa phương, cơ sở trong việc phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường, mới đây, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường trên địa bàn tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2020 - 2025.

Hệ thống xử lý nước thải ở KCN Phước Ðông.

Theo UBND tỉnh, Nghị quyết Ðại hội đại biểu Ðảng bộ tỉnh Tây Ninh lần thứ X và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020 được thực hiện trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực diễn biến phức tạp, khó lường, cạnh tranh của các nước lớn tác động, ảnh hưởng đến kinh tế, chính trị và xã hội của nước ta nói chung, tỉnh Tây Ninh nói riêng.

Mặc dù phải đối mặt với những khó khăn, thách thức nhưng với tinh thần đoàn kết, chủ động, sáng tạo, đổi mới tư duy, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, cả hệ thống chính trị đã phát huy và nâng cao trách nhiệm trong chỉ đạo, điều hành hoàn thành các mục tiêu và nhiệm vụ phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội.

Trong đó, đáng chú ý là ngành công nghiệp tăng trưởng khá và đóng góp cao nhất cho tăng trưởng kinh tế địa phương. Năm 2015, tỷ trọng ngành công nghiệp trong GRDP đạt 28%, đến năm 2020 đạt 39,1%. Mức tăng giá trị sản xuất bình quân giai đoạn 2016 - ­2020 là 16,1%, tăng đồng thời ở 6 ngành công nghiệp chủ yếu của tỉnh. Các dự án thu hút trong nhiệm kỳ là những dự án ít gia công, tăng cường các yếu tố về công nghệ và tự động hoá.

Bên cạnh đó, ngành nghề công nghiệp phụ trợ dệt may, da giày được quan tâm tạo điều kiện phát triển. Ngành công nghiệp chế biến mía, khoai mì, cao su được khuyến khích cải tiến công nghệ, phát triển sản phẩm mới, sản phẩm tinh chế, có giá trị gia tăng cao hơn.

Công nghiệp điện năng phát triển mạnh mẽ, đứng đầu cả nước về thu hút đầu tư điện mặt trời. Khu công nghiệp (KCN), khu kinh tế cửa khẩu (KKTCK) tiếp tục được quan tâm đầu tư hạ tầng đồng bộ, phát huy vai trò huy động nguồn lực, thu hút đầu tư và tạo động lực hình thành đô thị, dịch vụ gắn liền với KCN.

Hiện tỉnh có 6 KCN hoạt động với tổng diện tích 3.385,96 ha, tỷ lệ lấp đầy các KCN đã được đầu tư hạ tầng đạt 58%, thu hút 145 dự án với tổng vốn đăng ký là 2.578 triệu USD và 4.924 tỷ đồng. Có 357 dự án hoạt động trong KCN, KKTCK với vốn đăng ký gần 7 tỷ USD và 18.319 tỷ đồng.

Ðến thời điểm hiện tại, trên địa bàn tỉnh có khoảng 140 nguồn thải có lưu lượng nước thải công nghiệp lớn hơn 50m3/ngày.đêm với tổng lượng nước thải khoảng 210.000m3/ngày.đêm (bao gồm 6 KCN; 5 cụm công nghiệp; 67 nhà máy chế biến khoai mì; 24 nhà máy chế biến cao su; 1 nhà máy chế biến đường; 18 trung tâm y tế, bệnh viện và trên 20 cơ sở sản xuất kinh doanh khác).

Ðáng chú ý, trong giai đoạn 2016 - 2020, trên địa bàn tỉnh không xảy ra sự cố môi trường nào. Tuy nhiên, do tác động của biến đổi khí hậu nên xảy ra các hiện tượng thời tiết cực đoan.

Cụ thể như nước sông Vàm Cỏ Ðông tại các đoạn sông có uốn khúc, dòng chảy yếu xảy ra hiện tượng ô nhiễm; nước kênh TN0-2A (thuộc ấp Phước Hiệp, xã Phước Ninh, huyện Dương Minh Châu) chuyển màu đỏ mặc dù không có nguồn thải công nghiệp, nước thải sinh hoạt thải ra.

Dù vậy, để nâng cao trách nhiệm và sự phối hợp của các cấp, các ngành, địa phương, cơ sở trong việc phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường, mới đây, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường trên địa bàn tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2020 - 2025.

Kế hoạch đặt ra mục tiêu phổ biến, tuyên truyền và triển khai thực hiện đồng bộ các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường; tăng cường công tác phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường do xả chất thải và các hoạt động khác gây ra trên địa bàn tỉnh; phát huy sự tham gia, giám sát của người dân và cơ quan truyền thông trong công tác bảo vệ môi trường, phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường.

UBND tỉnh quy định, sự cố môi trường xảy ra ở cơ sở, địa phương nào thì người đứng đầu cơ sở, địa phương đó có trách nhiệm huy động khẩn cấp nhân lực, thiết bị và phương tiện để kịp thời ứng phó sự cố.

Sự cố môi trường xảy ra trong phạm vi nhiều cơ sở, địa phương thì người đứng đầu cơ sở, địa phương nơi có sự cố có trách nhiệm phối hợp ứng phó. Trường hợp vượt quá khả năng ứng phó sự cố của cơ sở, địa phương thì người đứng đầu phải khẩn cấp báo cáo cơ quan cấp trên trực tiếp để kịp thời huy động các cơ sở, địa phương khác tham gia ứng phó; cơ sở, địa phương được yêu cầu huy động phải thực hiện biện pháp ứng phó sự cố môi trường trong phạm vi khả năng.

Hoàng Thi

Tin cùng chuyên mục