Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 phổ biến, liên quan đến người dân, doanh nghiệp được tích hợp lên Cổng dịch vụ công quốc gia; 100% các giao dịch trên Cổng dịch vụ công tỉnh và hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp tỉnh, huyện, xã được xác thực điện tử; 100% dịch vụ công trực tuyến của tỉnh đạt mức độ 4, được cung cấp trên nhiều phương tiện khác nhau, bao gồm cả thiết bị di động.
Theo đánh giá của UBND tỉnh, trong giai đoạn 2016-2020, tỉnh đã triển khai có hiệu quả các hệ thống thông tin, nền tảng dùng chung của tỉnh như: Cổng dịch vụ công, hệ thống một cửa điện tử, hệ thống văn bản quản lý, điều hành eGov, hệ thống báo cáo kinh tế xã hội,...
Hiện nay, tỉnh triển khai thí điểm trục liên thông dữ liệu cấp tỉnh (LGSP) và kết nối với trục liên thông quốc gia (NGSP), kết nối liên thông các hệ thống thông tin của tỉnh với các hệ thống thông tin của quốc gia. Theo đó sẽ tích hợp, chia sẻ, khai thác dữ liệu các hệ thống thông tin, hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia như dân cư, tài nguyên môi trường, tài chính, thuế, hải quan, bảo hiểm, an sinh xã hội… theo lộ trình xây dựng, hoàn thành các hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia, ngành, lĩnh vực.
Theo kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan Nhà nước, phát triển chính quyền số và bảo đảm an toàn thông tin mạng tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2021-2025 vừa được UBND tỉnh ban hành, giai đoạn này, tỉnh sẽ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong các cơ quan Nhà nước hướng tới phục vụ người dân, ngày càng tốt hơn, nâng cao sự hài lòng của người dân.
Tỉnh phấn đấu 100% các cơ quan, đơn vị từ cấp tỉnh tới cấp xã được đầu tư nâng cấp, hoàn thiện mạng cục bộ (LAN); hoàn thiện khung kiến trúc chính quyền điện tử tỉnh 2.0; hoàn thành việc tích hợp, chia sẻ dữ liệu với các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu quốc gia thông qua trục tích hợp, chia sẻ dữ liệu; tiếp tục hoàn thiện hệ thống quản lý văn bản của tỉnh, thực hiện gửi, nhận văn bản điện tử theo quy định tại Quyết định số 28/2018/QÐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về gửi nhận văn bản điện tử giữa các cơ quan hành chính Nhà nước.
90% hồ sơ công việc tại cấp tỉnh, 80% hồ sơ công việc tại cấp huyện và 60% hồ sơ công việc tại cấp xã được xử lý trên môi trường mạng (không bao gồm hồ sơ xử lý công việc có nội dung mật). 100% báo cáo định kỳ (không bao gồm nội dung mật) của các cơ quan hành chính Nhà nước được cập nhật, chia sẻ trên hệ thống thông tin báo cáo cấp tỉnh phục vụ hiệu quả hoạt động quản lý, chỉ đạo, điều hành.
Triển khai, nhân rộng hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc của Chính phủ đến Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện. Ðến cuối năm 2025, phấn đấu 100% cuộc họp cấp tỉnh, 80% cuộc họp cấp huyện thực hiện thông qua hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc của Uỷ ban nhân dân; phấn đấu đưa Tây Ninh vào nhóm tốt về phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số, về ứng dụng công nghệ thông tin (IDI), về an toàn, an ninh mạng (GCI).
100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 phổ biến, liên quan đến người dân, doanh nghiệp được tích hợp lên Cổng dịch vụ công quốc gia; 100% các giao dịch trên Cổng dịch vụ công tỉnh và hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp tỉnh, huyện, xã được xác thực điện tử; 100% dịch vụ công trực tuyến của tỉnh đạt mức độ 4, được cung cấp trên nhiều phương tiện khác nhau, bao gồm cả thiết bị di động.
Phấn đấu đạt 50% số lượng người dân và doanh nghiệp tham gia hệ thống chính quyền điện tử được xác thực định danh điện tử thông suốt và hợp nhất từ hệ thống trung ương. Tỷ lệ hồ sơ giải quyết theo dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 trên tổng số hồ sơ đạt từ 60% trở lên; 100% hồ sơ được giải quyết thông qua hệ thống thông tin một cửa điện tử; tối thiểu 90% người dân và doanh nghiệp hài lòng về việc giải quyết thủ tục hành chính. 100% các khu vực đông dân cư, các trường học, bệnh viện, khu du lịch trên địa bàn thành phố Tây Ninh có hệ thống wifi công cộng; tối thiểu 50% người dân và du khách được sử dụng hệ thống wifi công cộng.
C.T