Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Trước hết phải khẳng định kết quả vòng bảng phản ánh đúng trình độ của 4 đội bóng và việc U23 Việt Nam ra về với vị trí chót bảng D cũng không phải là điều gì quá to tát. Không ít giải đấu, ngay cả nhà đương kim vô địch cũng phải chia tay sớm.
Trước hết phải khẳng định vị thế của bóng đá Việt Nam mới dừng ở “thành công ban đầu ở tầm khu vực” còn đấu trước châu lục cả ở cấp độ trẻ hay đội tuyển quốc gia may vẫn nhiều hơn mạnh. Ông Park đã không sai khi nhận định: “Tôi chỉ có thể đưa bóng đá Việt đứng đầu khu vực, còn muốn tiệm cận châu lục phải dành cho người khác”.
Chưa đủ tầm vóc đá “cửa trên”
Ông Park chưa hết bài, nhưng không có nguồn cầu thủ trẻ có chất lượng để bổ sung. Ảnh: AT
Để đánh giá trình độ của một nền bóng đá, thành tích đó phải được lặp đi, lặp lại nhiều lần chứ không đơn thuần chỉ là 1 chiếc HCV AFF Cup hay SEA Games. Nên nhớ Thái Lan từng vô địch tới 15 lần trong 30 lần tổ chức SEA Games mà vẫn trầy trật lần đầu lọt vào VCK U23 châu Á.
Về chuyên môn U23 Việt Nam “phiên bản 2020” được đánh giá không bằng đàn anh 2 năm trước. Việc với tư cách Á quân phải triển khai đá tấn công áp đặt, đối thủ lại dè chừng phòng thủ đã khiến cho Quang Hải và đồng đội lúng túng, dẫn đến thất bại.
Việc 3 đội mạnh nhất VCK U23 châu Á sẽ có vé đến Olimpic Tokyo 2020 khiến cho sự cạnh tranh của giải lần này khốc liệt hơn 2 năm trước đây. Điều này khiến cho cả U23 Nhật Bản, U23 Qatar cũng phải xách va ly lên đường về nước.
U23 Việt Nam đã bị lệch điểm rơi. Việc phải dồn sức giành HCV SEA Games 30 đã khiến cho các cầu thủ Tiến Linh, Đức Chinh, Hoàng Đức…rớt phong độ trên đất Thái Lan. Nguy cơ Quang Hải quá tải đã được cảnh báo nhưng trong tay ông Park không còn những quân bài dự bị có chất lượng đành “cố đấm ăn xôi”.
Góc nhìn của các nhà cầm quân chuyên nghiệp Akira Nishino, Park Hang-seo đều hướng tới Olimpic Tokyo 2020, giải đấu danh giá thế giới. Nhưng khi chúng ta quá khát khao tấm HCV SEA Games 30 thì ông thầy Hàn quốc đành thay đổi mục tiêu, nên khó trách ông Park về thất bại tại Thái Lan.
Trong trận đấu với U23 Triều Tiên, thủ môn Bùi Tiến Dũng đã có những sai lầm chết người khiến chúng ta phải chia tay giải đấu một cách khá buồn tẻ. Nhưng pha bóng chỉ là hình ảnh đại diện cho bóng đá VN hiện nay: thiếu nền tảng cơ bản để vươn lên một đẳng cấp cao hơn.
Trong thế trận như thế, nếu không phải Tiến Dũng, Bảo Toàn hay Đình Trọng thì sẽ có cầu thủ khác phạm sai lầm. Có điều trong vòng 6 tháng mà mắc 3 sai lầm sơ đẳng hệt nhau từ các tình huống bóng bổng, nếu không có thầy giỏi uốn nắn thì thủ môn Tiến Dũng khó mà lớn lên được.
Thiếu nguồn bổ sung
Năm 2019, sau 10 lần tập trung cả ngắn lẫn dài, uốn nắng từng động tác, bước chạy ông đã gút 23 cầu thủ đem sang Thái Lan. Ảnh AFC
Bao nhiêu năm qua, các lò đào tạo trẻ của các CLB V.League chỉ trình làng từng ấy khuôn mặt, khiến mỗi năm các cầu thủ như Quang Hải phải đi đấu trung bình 60 trận/năm thì “hết pin” là điều được dự báo. Ngay như Thái Lan, mỗi CLB chuyên nghiệp có 2-3 lò đào tạo trẻ cung cấp cầu thủ mà vẫn có lúc khan khiếm cầu thủ thì bóng đá Việt Nam đang “cạn nguồn” cũng dễ hiểu.
Đã đến lúc VFF phải nghĩ đến phát triển bóng đá cộng đồng, bóng đá học đường điều mà các nền bóng đá đã và đang làm. VFF chứ không phải bầu Thắng, bầu Đức xắn tay làm bóng đá sinh viên, VFF phải có tiếng nói trong quy hoạch sân bóng đá, phát triển bóng đá đường phố, bóng đá phủi.
Ông Park chưa hết bài, nhưng “hết hàng”. Trong 1 năm qua, lọc từ hơn 20 đội bóng, ông chỉ có được danh sách khoảng 80 cầu thủ trẻ. Sau 10 lần tập trung cả ngắn lẫn dài, uốn nắng từng động tác, bước chạy ông đã gút 23 cầu thủ đem sang Thái Lan. Hết xoay dọc lại xoay ngang, chuyển từ trái sang phải, đôn dưới lên, kéo trên xuống thì rốt cuộc 270 phút, các học trò của ông chỉ có được 1 bàn thắng. Chấm hết.
Không ai cấm chúng ta mơ World Cup 2026, không ai có quyền kìm nén khi chúng ta tung hô Quang Hải, Tiến Dũng…nhưng muốn có thành tích ổn định ngoài có ông thầy giỏi thì lực lượng cầu thủ phải dày. Xưa nay, có ai “ít bột vẫn gột nên hồ”?
Nguồn BNA