Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
CÔNG TÁC HOÀ GIẢI Ở CƠ SỞ:
Giải mâu thuẫn, kết tình thương
Thứ bảy: 22:33 ngày 28/07/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Thời gian qua, hoạt động hoà giải ở cơ sở có nhiều chuyển biến tích cực, mạng lưới tổ hoà giải được củng cố, kiện toàn và mở rộng khắp các xã, phường trong tỉnh; đội ngũ hoà giải viên ngày càng bám sát địa bàn, giải quyết mâu thuẫn khi mới phát sinh, góp phần hạn chế đơn thư khiếu kiện vượt cấp.

Ông Đoàn Văn Thịnh thống kê, kiểm tra lại các vụ việc đã hoà giải.

HƠN 86% VỤ VIỆC HOÀ GIẢI THÀNH

Hoà giải ở cơ sở là quá trình hoà giải viên hướng dẫn, giúp đỡ các bên đạt được thoả thuận, cùng nhau giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp. Luật Hoà giải ở cơ sở được Quốc hội thông qua vào năm 2013, chính thức có hiệu lực từ ngày 1.1.2014.

Sau một thời gian thi hành luật, công tác hoà giải trên địa bàn từng bước nâng cao về chất lượng, tổ chức, hoạt động. Ðến nay, toàn tỉnh có 550 tổ hoà giải với 3.940 hoà giải viên, đáp ứng nhu cầu giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp nhỏ xảy ra trong cộng đồng dân cư.

Trong 3 năm qua (từ năm 2014-2017), các tổ hoà giải trên địa bàn tỉnh đã thụ lý gần 4.810 vụ tranh chấp, đưa ra hoà giải hơn 4.700 vụ, số vụ hoà giải thành đạt 80,32%. Chỉ riêng 6 tháng đầu năm 2018, các tổ hoà giải đã thụ lý 358 vụ tranh chấp, đưa ra hoà giải 344 vụ, hoà giải thành 297 vụ, chiếm tỷ lệ 86,3%.

Một trong các địa phương được đánh giá khá cao về công tác hoà giải ở cơ sở là xã Bình Minh, thành phố Tây Ninh, Thái Bình- huyện Châu Thành. Từ năm 2017 đến nay, các tổ hoà giải của xã Bình Minh đã tiếp nhận được 13 vụ việc, trong đó hoà giải thành 9 vụ.

Theo bà Nguyễn Thị Hồng Huế- công chức Tư pháp xã, thời gian qua, các tổ hoà giải hoạt động tích cực, chủ động giải quyết mâu thuẫn trong ấp, góp phần ổn định tình hình an ninh trật tự, giữ gìn mối đoàn kết trong cộng đồng. Ðặc biệt, nhờ có tổ hoà giải, số lượng đơn thư khiếu nại, tố cáo trên địa bàn ngày càng giảm bớt.

Ông Ðoàn Văn Thịnh- tổ trưởng tổ hoà giải ấp Giồng Tre, người có hơn 10 năm gắn bó với công tác hoà giải chia sẻ, để giải quyết mâu thuẫn giữa các bên, hoà giải viên không chỉ kiên trì hay khéo léo, mà còn phải bình tĩnh và khách quan.

Người hoà giải cần đặt mình trong hoàn cảnh của đối tượng để hiểu và thông cảm, từ đó đề ra cách giải quyết phù hợp. Theo ông Thịnh, yếu tố quyết định kết quả hoà giải là việc lựa chọn thời điểm nói chuyện, phân tích cái đúng, cái sai, khuyên răn bằng tình cảm là chính.

Hiện, xã Thái Bình đã thành lập 6 tổ hoà giải tại 6 ấp. Hoà giải viên thường là trưởng ấp, bí thư chi bộ, cán bộ Mặt trận, thành viên các đoàn thể…

Ðại diện UBND xã Thái Bình cho biết, từ nhiều năm nay, công tác hoà giải cơ sở luôn được cấp uỷ, chính quyền địa phương đặc biệt quan tâm. Nhiều trường hợp mâu thuẫn giữa hàng xóm, người trong gia đình, dòng họ được dàn xếp kịp thời. Trong 6 tháng đầu năm 2018, các tổ hoà giải đã tiếp nhận và giải quyết thành 5/7 vụ, chủ yếu liên quan đến lĩnh vực đất đai, hôn nhân và gia đình…

Nhiều năm gắn bó với công tác hoà giải, ông Lê Phú Thành- Trưởng Ban công tác Mặt trận ấp, tổ trưởng tổ hoà giải ấp Suối Dộp bộc bạch, tranh chấp đất đai, hôn nhân - gia đình là những vụ việc khó hoà giải nhất. Nhiều cuộc hoà giải không chỉ dùng tình cảm, mà còn phải vận dụng các điều khoản của pháp luật để thuyết phục các bên.

“Thời gian qua, tổ hoà giải đã chủ động giải quyết nhiều vụ việc, từ chuyện tranh chấp hàng rào, lối đi; vợ chồng bất đồng quan điểm đến chuyện tranh chấp đất đai, nhà cửa… của người dân địa phương. Khi tham gia hoà giải, các thành viên luôn giữ chữ tình, chữ tâm lên hàng đầu.

Có như vậy, người trong cuộc mới dịu bớt, cùng nhau ngồi lại giải quyết ổn thoả sự việc!”, bà Nguyễn Thanh Thuỷ- Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ ấp, thành viên tổ hoà giải ấp Suối Dộp kể.   

NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG HOÀ GIẢI

Hoà giải ở cơ sở không chỉ tăng tình đoàn kết trong cộng đồng, mà còn ngăn ngừa các hành vi vi phạm pháp luật, bảo đảm an ninh trật tự. Xác định vai trò quan trọng trên, những năm qua, Sở Tư pháp luôn quan tâm, chú trọng công tác chỉ đạo các cấp, ngành không ngừng nâng cao hiệu quả, chất lượng công tác hoà giải.

Theo đại diện Sở Tư pháp, sau hơn 3 năm Luật Hoà giải ở cơ sở triển khai thi hành (từ năm 2014-2017), UBND cấp huyện đã tổ chức 27 đợt tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật, kỹ năng cho hoà giải viên với khoảng 4.860 đối tượng tham gia. Sở Tư pháp còn biên soạn và phát hành 10.000 tờ gấp hỏi - đáp Luật Hoà giải ở cơ sở, 2.000 sổ tay nghiệp vụ, 2.000 sổ tay kỹ năng hoà giải ở cơ sở cấp phát cho các tổ hoà giải trên địa bàn tỉnh.

Việc thực hiện hoà giải ở cơ sở đã góp phần củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, giữ gìn trật tự xã hội, giảm bớt tình trạng khiếu nại, khiếu kiện kéo dài hoặc vượt cấp.

Tuy nhiên, trên thực tế, công tác hoà giải ở cơ sở còn gặp phải những khó khăn, dẫn đến một số vụ hoà giải không thành. Một bộ phận hoà giải viên còn hạn chế về kiến thức, kỹ năng. Bên cạnh đó, trong quá trình giải quyết mâu thuẫn, một số hoà giải viên còn ngại va chạm, chưa mạnh dạn, không kịp thời giải quyết các vụ việc phát sinh.

Một khó khăn nữa là nguồn kinh phí hoà giải chưa được hỗ trợ phù hợp. Mặt khác, tại một số nơi, trình độ, nhận thức của người dân còn hạn chế, trong khi chính quyền xã chưa nhận thấy tầm quan trọng của công tác hoà giải đối với đời sống xã hội.

Theo Sở Tư pháp, các cấp uỷ Ðảng, chính quyền cần đề ra những giải pháp khắc phục có hiệu quả đối với công tác hoà giải. Người làm công tác hoà giải ở cơ sở phải thường xuyên cập nhật các văn bản pháp luật mới và cần được bồi dưỡng về kỹ năng hoà giải, hạn chế tối đa vụ việc hoà giải không thành, phải chuyển lên cấp trên.

Bên cạnh đó, việc đẩy mạnh các hình thức giao lưu để hoà giải viên được thường xuyên học hỏi kinh nghiệm; và kịp thời biểu dương, khen thưởng nhằm động viên, khích lệ tinh thần trách nhiệm của hoà giải viên trong hoạt động hoà giải ở cơ sở là hết sức cần thiết.

PHƯƠNG THẢO - THIÊN DI

 

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục