Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Giải ngân vốn đầu tư công - Động lực để phát triển
Thứ hai: 07:55 ngày 12/02/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Tính đến hết ngày 31.12.2023, tỉnh đã giải ngân khoảng 3.990 tỷ đồng, đạt 98,25% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, đạt 86,33% kế hoạch HĐND tỉnh giao.

Giải ngân vốn đầu tư công luôn được tỉnh xác định là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm. Ngay từ đầu năm, UBND tỉnh đã ban hành nhiều giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, đồng thời quyết liệt chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương tập trung trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện. Tính đến hết ngày 31.12.2023, tỉnh đã giải ngân khoảng 3.990 tỷ đồng, đạt 98,25% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, đạt 86,33% kế hoạch HĐND tỉnh giao. Ước giải ngân đến 31.1.2024 khoảng 4.441 tỷ đồng, hoàn thành kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, đạt 96,09% kế hoạch HĐND tỉnh giao. Có thể nói, kết quả trên là sự nỗ lực, quyết tâm của cả hệ thống chính trị, góp phần trong tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Thảm nhựa tuyến 787B, thuộc đường liên tuyến kết nối vùng N8-787B-789.

“Làm trước, chuẩn bị trước, không đợi việc”

Thời gian qua, huyện Dương Minh Châu tập trung đầu tư các công trình hạ tầng đô thị, hạ tầng nông thôn mới như: chuẩn bị đầu tư dự án nâng cấp vỉa hè và đấu nối hệ thống xử lý nước thải khu phố 3, 4 trên địa bàn Thị trấn; nhựa hoá các tuyến đường tiếp giáp với đường chính Thị trấn và các tuyến đường nội thị, đến nay, tỷ lệ nhựa hoá giao thông thị trấn đạt 72,98%... Địa phương còn phối hợp các sở, ngành thực hiện các công trình trọng điểm kết nối vùng trên địa bàn huyện như: đường Đất Sét - Bến Củi, đường 782-784; đường 781 (từ cầu Xa Cách đến ngã ba bờ hồ)… Hiện đang triển khai công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng để thực hiện dự án đường liên tuyến kết nối vùng N8-787B-789, đường Trường Hoà - Chà Là, đường Trường Chinh...

Những năm qua, địa phương đã thực hiện có hiệu quả công tác giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản. Đồng thời đẩy nhanh tiến độ bồi thường, giải phóng mặt bằng các dự án trọng điểm, nhất là các dự án tỉnh đầu tư trên địa bàn huyện; tiến độ thực hiện cơ bản bảo đảm theo kế hoạch đề ra.

Năm 2023, vốn tỉnh giao huyện được phân khai khoảng 295,6 tỷ đồng. Tính đến hết ngày 31.12.2023, huyện đã giải ngân khoảng 256 tỷ/295,6 tỷ đồng, đạt 86,7% kế hoạch. Ước giải ngân đến ngày 31.1.2024 khoảng 291 tỷ đồng, đạt 98,6% kế hoạch (do một công trình chuyển từ huyện sang Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh làm chủ đầu tư và thực hiện trong năm 2024 nên tỷ lệ giải ngân dự kiến đạt 98,6% kế hoạch).

Để đạt được kết quả trên, UBND huyện Dương Minh Châu đã ban hành Chương trình hành động số 26/CTr-UBND ngày 28.4.2023 về đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công với nhiều giải pháp đồng bộ và quyết liệt. Trong đó, đẩy mạnh công tác đền bù, giải phóng mặt bằng các dự án đầu tư trên địa bàn: các chủ đầu tư khẩn trương lập kế hoạch tiến độ, phối hợp các đơn vị có liên quan thực hiện phương án đền bù, giải phóng mặt bằng song song với quá trình lập hồ sơ dự án, báo cáo kinh tế kỹ thuật và ngay sau khi có quyết định phân khai vốn chuẩn bị đầu tư dự án; xử lý kịp thời các vướng mắc, khó khăn của các chủ đầu tư liên quan đến quy trình thẩm định giá đất, phương án bồi thường… nhằm bảo đảm công tác đền bù, giải phóng mặt bằng theo kế hoạch, không làm ảnh hưởng tiến độ thực hiện dự án.

Bên cạnh đó, đẩy nhanh tiến độ thẩm định dự án, thẩm định thiết kế cơ sở, thẩm định thiết kế bản vẽ thi công, tổng dự toán; kịp thời giải quyết khó khăn, vướng mắc trong quá trình thẩm định; rút ngắn thời gian thẩm định, trình phê duyệt.

Nâng cao chất lượng công tác thẩm định, xem xét tổng thể hồ sơ chi trả một lần, không trả hồ sơ quá hai lần với nội dung khác nhau, thời gian xem xét và trả hồ sơ không quá 1/3 tổng thời gian thẩm định. Đồng thời, khẩn trương sắp xếp, bố trí thời gian kiểm tra hồ sơ chất lượng nghiệm thu công trình trong thời gian sớm nhất (tối đa không quá 3 ngày) khi nhận được hồ sơ đề nghị kiểm tra nghiệm thu của các chủ đầu tư. Ngoài ra, UBND huyện còn giao từng cơ quan, đơn vị, các chủ đầu tư những nội dung, giải pháp chi tiết thực hiện để bảo đảm chương trình hành động đạt kết quả cao nhất.

Năm 2023, Ban Quản lý dự án (BQLDA) đầu tư xây dựng ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) được giao kế hoạch khoảng 119,8 tỷ đồng cho tổng số 35 dự án. Đến 30.11.2023, đơn vị đã hoàn thành trên 85% kế hoạch và đến 27.12.2023, thực hiện giải ngân 114 tỷ đồng, đạt 95,2%. Ước thực hiện kế hoạch năm 2023 hoàn thành 100% kế hoạch UBND tỉnh giao.

Lãnh đạo đơn vị cho biết: “Hằng năm, UBND tỉnh đều ban hành chỉ thị thực hiện công tác giải ngân vốn đầu tư công, các chủ đầu tư phải hoàn thành các tỷ lệ theo từng quý, quan trọng nhất là mốc 30.11 hằng năm, tỷ lệ giải ngân phải đạt trên 85% kế hoạch năm. Từ quý IV, chúng tôi phải rà soát và xây dựng kế hoạch cho năm tiếp theo nhằm tạo thuận lợi cho công tác chuẩn bị dự án cũng như các dự án khởi công mới, chuyển tiếp. Đơn vị cũng thường xuyên kiểm tra đối chiếu sơ đồ gantt với các mốc chính là hằng quý theo tinh thần chỉ đạo của UBND tỉnh. Qua đó, đánh giá tình hình triển khai của các dự án, dự trù các khó khăn nhằm điều chuyển vốn kịp thời cho các dự án khác thuận lợi có khả năng giải ngân cao”.

Tập thể đơn vị cũng quyết tâm cao để có thể hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ được giao với tinh thần “làm trước, chuẩn bị trước, không đợi việc”. Ngay từ khâu chuẩn bị dự án, phải rà soát các nội dung thực hiện để ngay khi có hồ sơ pháp lý thì có đủ hồ sơ triển khai trình thẩm định, phê duyệt. Các giám sát cũng phối hợp chặt chẽ với nhà thầu để thực hiện khối lượng đạt kế hoạch đề ra hằng tuần. Trường hợp tiến độ bị chậm trễ, kịp thời tăng cường nhân sự, thiết bị để bù lại khối lượng chưa đạt kế hoạch.

Do đặc thù công trình thuỷ lợi dạng tuyến, vị trí công trình xa đường giao thông nên việc vận chuyển tập kết vật tư rất khó khăn. Do đó, vào mùa nắng, ngoài việc đẩy nhanh tiến độ thi công, đơn vị thường xuyên bàn bạc trao đổi với nhà thầu chuẩn bị công tác tập kết vật tư, thiết bị, chọn vị trí thuận lợi chuẩn bị sẵn sàng khi chuyển sang mùa mưa công trình vẫn bảo đảm triển khai thi công theo kế hoạch đề ra.

Đối với công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, sau khi dự án được phê duyệt, đơn vị cùng với địa phương kịp thời xây dựng kế hoạch chi tiết, trong đó, thể hiện cụ thể mốc thời gian, trách nhiệm của từng đơn vị trong các khâu thực hiện công tác bồi thường; chủ động phối hợp địa phương kịp thời tháo gỡ khó khăn vướng mắc phát sinh. Đối với các dự án có quy mô lớn, sau khi chủ trương đầu tư được phê duyệt, đơn vị kịp thời báo cáo địa phương về mục tiêu, quy mô, phương án đầu tư, từ đó, người dân trong vùng dự án hiểu được chủ trương, chính sách của Nhà nước qua đó tạo sự đồng thuận cao. Trong quá trình thi công, đơn vị lắng nghe, tiếp thu ý kiến từ người dân bị ảnh hưởng và các hộ dân được hưởng lợi từ dự án nhằm kịp thời điều chỉnh, bổ sung thiết kế cho dự án được phát huy hiệu quả một cách tốt nhất.

“Mục tiêu của đơn vị vẫn là chất lượng công trình, do đó, chúng tôi xác định phải hoàn thành kế hoạch nhưng không xem nhẹ khâu quản lý chất lượng. Các khâu nghiệm thu được giám sát thực hiện kịp thời, chặt chẽ, xử lý tháo dỡ các hạng mục kém chất lượng không đạt yêu cầu về thiết kế; kịp thời nhắc nhở và kiên quyết xử lý đối với các nhà thầu để xảy ra sai sót về chất lượng công trình”- lãnh đạo BQLDA đầu tư xây dựng ngành NN&PTNT chia sẻ.

Quyết tâm thực hiện tốt nhiệm vụ năm 2024

Ngày 27.3.2023, UBND tỉnh ban hành Chỉ thị số 04/CT-UBND phát động phong trào thi đua đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công giai đoạn 2023-2025. Từ đây làm cơ sở để các đơn vị nỗ lực, quyết tâm hoàn thành các mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công đã đề ra nhằm tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, thực hiện cao nhất các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.

Bên cạnh đó, UBND tỉnh thành lập Tổ công tác thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công do Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm tổ trưởng, lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư là tổ phó cùng lãnh đạo các sở, ngành: Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Kho bạc Nhà nước thường xuyên kiểm tra tiến độ thi công của các dự án trọng điểm tại hiện trường nhằm đôn đốc, kiểm tra, giám sát, xử lý các điểm nghẽn trong quá trình thực hiện dự án. UBND tỉnh còn tổ chức họp giao ban định kỳ hằng tháng về tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư công nhằm theo dõi tình hình giải ngân của các dự án, kịp thời chỉ đạo, xử lý các vướng mắc nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công.

Với sự lãnh đạo quyết liệt của UBND tỉnh, các đơn vị sử dụng vốn đầu tư công nỗ lực trong công tác triển khai và giải ngân vốn đầu tư công ngay từ đầu năm. Theo số liệu công khai về tỷ lệ giải ngân kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Nhà nước 10 tháng năm 2023 của các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương được công bố tại Công điện số 09/CĐ-BKHĐT ngày 6.11.2023 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tỷ lệ giải ngân của Tây Ninh xếp thứ 10/63 tỉnh, thành phố.

Là đơn vị luôn được tập trung nguồn vốn đầu tư công lớn của tỉnh, ngay từ đầu năm 2023, Ban Giám đốc BQLDA đầu tư xây dựng ngành giao thông tỉnh họp đề ra công việc cụ thể cho công tác giải ngân, trong đó, chú trọng phối hợp các đơn vị, địa phương thực hiện công tác giải phóng mặt bằng; phối hợp các sở, ngành di dời lưới điện trung hạ thế; thường xuyên làm việc với các nhà thầu, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ thi công, bảo đảm an toàn giao thông. Tính đến đầu tháng 1.2024, công tác giải ngân đầu tư công năm 2023 thực hiện đạt trên 90%. Thời gian còn lại trong tháng 1 là chỉnh lý hồ sơ, đơn vị sẽ cố gắng phối hợp các nhà thầu hoàn chỉnh công việc, phấn đấu hoàn thành giải ngân đạt trên 99% kế hoạch năm.

Ông Lê Minh Trung- Phó Giám đốc BQLDA đầu tư xây dựng ngành giao thông cho biết: “Năm 2024, BQLDA đầu tư xây dựng ngành giao thông được UBND tỉnh giao kế hoạch 1.090 tỷ đồng. Đơn vị sẽ tiếp tục triển khai có hiệu quả các giải pháp đã thực hiện năm 2023; tích cực phối hợp các sở, ngành tháo gỡ các khó khăn; thường xuyên làm việc với nhà thầu để đôn đốc, nhắc nhở ngay từ đầu năm, đặc biệt đề nghị các nhà thầu có kế hoạch triển khai thực hiện giải ngân theo chỉ tiêu vốn của từng gói thầu”. 

Công nhân tích cực làm việc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án giao thông.

Kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Nhà nước năm 2024 do Thủ tướng Chính phủ giao cho Tây Ninh khoảng 4.174 tỷ đồng, do HĐND tỉnh giao khoảng 4.250 tỷ đồng, cụ thể: nguồn ngân sách địa phương khoảng 3.530 tỷ đồng, trong đó, ngân sách cấp tỉnh 2.810 tỷ đồng; ngân sách huyện, thị xã, thành phố 720 tỷ đồng, đã giao kế hoạch chi tiết đạt 100%.

Vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ cho địa phương - vốn trong nước 720 tỷ đồng. Đến 31.12.2023, đã giao kế hoạch chi tiết khoảng 708 tỷ đồng, đạt 98% kế hoạch.

Để thực hiện đạt mục tiêu phấn đấu giải ngân 100% kế hoạch năm 2024, UBND tỉnh yêu cầu lãnh đạo sở, ban, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, chủ động, sáng tạo, hiệu quả trong tổ chức thực hiện; phát huy hơn nữa vai trò của người đứng đầu và tinh thần trách nhiệm của mỗi cá nhân. Trong đó, khẩn trương hoàn chỉnh thủ tục đầu tư các dự án dự kiến khởi công mới năm 2024, làm cơ sở phân bổ chi tiết toàn bộ kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Nhà nước năm 2024 được giao phù hợp nhu cầu sử dụng vốn của từng dự án.

Nghiên cứu, chủ động chuẩn bị các điều kiện cần thiết về mặt bằng như thực hiện trước công tác kiểm đếm, đo đạc đất, phương án tái định cư nhằm nâng cao tính sẵn sàng, khả thi của dự án. Bên cạnh đó, tập trung giải quyết công tác giải phóng mặt bằng, bồi thường, hỗ trợ tái định cư kịp thời, đúng quy định cho người dân, bảo đảm đúng pháp luật và hài hoà lợi ích của Nhà nước và người dân.

Rà soát, kiểm tra và xử lý toàn bộ việc cấp giấy phép khai thác mỏ, bảo đảm cung cấp đủ nguồn nguyên vật liệu cho các dự án, nhất là các dự án trọng điểm, dự án quan trọng của địa phương.

Tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong giải ngân vốn đầu tư công; có chế tài xử lý nghiêm khắc theo quy định pháp luật các chủ đầu tư, ban quản lý dự án, tổ chức, cá nhân cố tình gây khó khăn, cản trở, làm chậm tiến độ giao vốn, thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công.

Tại hội nghị tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2023 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2024 của UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Ngọc đánh giá: “Năm 2023, công tác triển khai đầu tư công dù có những khó khăn nhưng chủ đầu tư, các địa phương, các ngành được giao đã có sự nỗ lực rất lớn với kết quả là tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của Tây Ninh đạt khá so mặt bằng chung của cả nước”.

T.L

Tin cùng chuyên mục