Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Giải pháp đẩy nhanh chuyển đổi số trong hợp tác xã nông nghiệp
Thứ ba: 20:30 ngày 01/11/2022

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Tại Diễn đàn kinh tế hợp tác, hợp tác xã năm 2022 với chủ đề “Chuyển đổi số - Động lực phát triển kinh tế hợp tác, hợp tác xã trong kỷ nguyên mới gắn với thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 16.6.2022 do Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì diễn ra vào tuần cuối của tháng 9 vừa qua, Tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Phương và Tiến sĩ Trần Mạnh Hải, Khoa Kinh tế và Phát triển nông thôn, Học viện Nông nghiệp Việt Nam đề xuất những giải pháp thúc đẩy hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao hướng đến chuyển đổi số trong hợp tác xã (HTX) nông nghiệp.

HTX nông nghiệp mãng cầu Thạnh Tân (thành phố Tây Ninh) gặp một số khó khăn khi ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất

Trên cơ sở đánh giá những hạn chế, phân tích các nguyên nhân, các tiến sĩ đề xuất sửa đổi, bổ sung chính sách hỗ trợ, ưu đãi về đất đai cho HTX nông nghiệp; nghiên cứu xây dựng khung pháp lý nhằm phát triển thị trường quyền sử dụng đất nông nghiệp; xây dựng cơ chế khuyến khích việc tích tụ, tập trung ruộng đất để phục vụ sản xuất kinh doanh của HTX, đặc biệt là các HTX ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông sản theo chuỗi giá trị; xây dựng hành lang pháp lý hỗ trợ cho người dân góp vốn bằng đất cho HTX, hoặc cho HTX thuê với thời gian đủ lớn, bảo đảm lợi ích hài hoà, bền vững cho cả hai bên. Cần có quy định các điều kiện để HTX được phép xây dựng trên đất nông nghiệp các công trình phụ trợ phục vụ sản xuất nông nghiệp như kho lạnh, nhà sơ chế, xưởng chế biến nông sản phục vụ thành viên và lan toả lợi ích đến cộng đồng.

Cùng với đó, cần tháo gỡ các rào cản về huy động vốn, tiếp cận tín dụng của các HTX nông nghiệp; xem xét lấy ý kiến rộng rãi để sửa Luật HTX năm 2012, đặc biệt các quy định đang làm hạn chế việc thu hút cá nhân, tổ chức có tiềm lực tài chính tham gia HTX như quy định về góp vốn, về sử dụng dịch vụ HTX, phân chia lợi nhuận. Cần mở rộng tiếp cận của HTX đến vốn tín dụng từ các ngân hàng dựa trên phát triển và đa dạng hoá các sản phẩm tín dụng, ứng dụng công nghệ để đơn giản hoá thủ tục; điều chỉnh các quy định liên quan đến vay vốn ngân hàng như quy định về tài sản bảo đảm, tài sản bảo đảm hình thành từ vốn vay, tài sản hình thành trên đất nông nghiệp; đất HTX thuê dài hạn được sử dụng làm tài sản thế chấp vay vốn ngân hàng; ban hành quy định HTX phải thực hiện kiểm toán bắt buộc và sử dụng kết quả kiểm toán HTX trong 3 năm liên tục là công cụ bảo đảm cho tín chấp, bảo lãnh vay vốn ngân hàng; tăng cường cho vay theo chuỗi liên kết trong sản xuất - kinh doanh nông nghiệp với mắt xích chính là HTX ứng dụng công nghệ cao.

Tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Phương đề xuất Chính phủ cần nghiên cứu hỗ trợ mua bảo hiểm rủi ro trong nông nghiệp cho nông dân, cấp bù lỗ và bảo hiểm lãi suất cho vay đối với tín dụng nông nghiệp cho nông dân ứng dụng công nghệ thông minh nhằm dần thực hiện chuyển đổi số trong HTX. Xem xét cấp vốn điều lệ cho Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX từ vốn đầu tư công giai đoạn 2021-2025 để mở rộng hỗ trợ tín dụng cho HTX. Ưu tiên, bố trí dòng ngân sách riêng từ nguồn ngân sách trung ương và địa phương để tạo nguồn lực thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển HTX; đồng thời thực hiện lồng ghép với nguồn vốn từ các Chương trình, dự án để hỗ trợ các HTX ứng dụng công nghệ cao gắn với chuỗi giá trị.

Ngoài ra, cần quan tâm tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực cho cả hai nhóm đối tượng của HTX, gồm cán bộ quản lý và thành viên HTX. Đặc biệt, cần phát triển nhanh các nền tảng đào tạo trực tuyến dành riêng cho cán bộ lãnh đạo HTX, cán bộ kỹ thuật và thành viên HTX.

Điều quan trọng theo Tiến sĩ Trần Mạnh Hải là tránh hỗ trợ dàn trải, cào bằng, cần tập trung nguồn lực hỗ trợ các HTX làm ăn có hiệu quả xây dựng mô hình mẫu về ứng dụng công nghệ cao như hỗ trợ nhà kính, hệ thống tưới tự động, hỗ trợ điện thoại thông minh, đường truyền cap quang internet, phổ cập, cập nhật các kiến thức, kỹ năng số…

Nhà nước và các tổ chức cần ưu tiên hỗ trợ HTX đầu tư công nghệ cao vào các tài sản chung của HTX nhằm gia tăng giá trị nông sản tại HTX, như công nghệ sơ chế, đóng gói, kho lạnh, dây chuyền giết mổ, chế biến; xem xét cơ chế hoàn thuế VAT cho các HTX nông nghiệp, đặc biệt hoàn VAT cho việc mua thiết bị, nguyên vật liệu để xây dựng nhà màng, nhà lưới, kho lạnh, dây chuyền chế biến… từ nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước, hoặc các tổ chức dành cho các HTX.

Làm tốt dự báo về nhu cầu thị trường đối với sản phẩm nông nghiệp, nhất là sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, làm cơ sở định hướng phát triển nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn. Tăng cường sự phối hợp chặt chẽ giữa các sở, ngành, liên minh HTX… trong việc hỗ trợ HTX tham gia hội chợ, tham gia chương trình xúc tiến thương mại, tham gia giao dịch trên sàn thương mại điện tử để tìm kiếm cơ hội liên kết tiêu thụ sản phẩm ứng dụng công nghệ cao…

Một biện pháp hết sức quan trọng nữa là các cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra phát hiện, xử lý hàng hoá nông sản làm giả, làm nhái hàng hoá nông sản ứng dụng công nghệ cao. Đồng thời tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người tiêu dùng, hướng dẫn trên phương tiện truyền thông để người tiêu dùng biết cách sử dụng các phần mềm, ứng dụng trên điện thoại thông minh để truy xuất nguồn gốc nông sản, mua nông sản an toàn trên trang thương mại điện tử.

Hồng Thu

Tin cùng chuyên mục